Đề tài chống ô nhiễm chì giành giải thưởng môi trường
Tham gia Cuộc thi "Bảo vệ và cải thiện nguồn nước" năm 2013 do Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức, đề tài của nhóm học sinh trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) đã giành giải Nhì đồng hạng.
Sáng 9/6, thầy Nguyễn Ngọc Hải- giáo viên Trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) cho biết: Nhóm học sinh của trường này dưới sự hướng dẫn của thầy Hải đã giành giải Nhì đồng hạng (không có giải Nhất) tại Cuộc thi "Bảo vệ và cải thiện nguồn nước" năm 2013 do Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức. Giải Nhì khác thuộc về học sinh tỉnh Thái Nguyên.
Thầy Nguyễn Ngọc Hải cho biết: Đề tài dự thi năm nay của học sinh Trường THPT An Lạc Thôn là đề tài “Sử dụng các vật liệu đơn giản ở địa phương để hấp thụ hàm lượng chì (Pb2+) trong nước, nhằm hạn chế các bệnh, tật do ô nhiễm chì gây nên”.
Học sinh Trường THPT An Lạc Thôn đi Thụy Điển năm 2011
Theo thầy Hải, các công trình nghiên cứu cho thấy, ô nhiễm chì là một trong những thảm họa môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của con người. Trước những thực trạng trên, nhóm tiến hành dùng các vật liệu coi như là “phế thải trong thủy sản, chăn nuôi” như mai mực (nang mực) và vỏ trứng để hấp thụ hàm lượng chì trong nước, nhằm đảm bảo sức khỏe cho mọi người. Qua hàng loạt các thí nghiệm trên các vật liệu khác nhau, nhóm đã chứng minh được khả năng hấp thụ chì trong nước của mai mực là hiệu quả nhất. Từ đó xây dựng hệ thống lọc nước đơn giản, thân thiện với môi trường nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc loại bỏ hàm lượng chì trong nước. Kết quả đã được sự kiểm chứng của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ - Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Sóc Trăng.
Thầy Nguyễn Ngọc Hải cho biết: “Với những kết quả đạt được, hy vọng đề tài “Sử dụng các vật liệu đơn giản ở địa phương để hấp thụ hàm lượng chì (Pb2+) trong nước, nhằm hạn chế các bệnh, tật do ô nhiễm chì gây nên” sẽ được ứng dụng ở những nơi có nguy cơ nhiễm chì trong nước cao như: Nhà máy mạ điện, nhà máy cơ khí, nhà máy sản xuất pin, ăc quy, gốm sứ,… nhằm cung cấp nguồn nước sạch cho mọi người và hạn chế các bệnh, tật do nhiễm chì gây ra”. Nhóm thực hiện đề tài gồm các học sinh Nguyễn Công Minh Hòa (lớp 11A2), Lê Huỳnh Như (lớp 11A6) và Trương Quốc Sĩ (lớp 10A2).
Trường THPT An Lạc Thôn là trường nhiều năm liên tục đạt giải cao trong cuộc thi nói trên và đã được đại diện Việt Nam đi dự thi tại Thụy Điển năm 2011. Tại cuộc thi năm 2013, có trên 400 đề tài dự thi, Ban tổ chức chọn được 11 đề tài vào chung kết trao giải thưởng.