Đề Địa lý có tính thời sự cao
Theo thầy Nguyễn Đăng Lợi, giáo viên Địa Lý (Trường THPT Vĩnh Viễn, TPHCM) cho hay, đề Địa năm nay vừa sức, bám sát chương trình sách giáo khoa, đòi hỏi đầy đủ hai yêu cầu kiến thức và kĩ năng với thí sinh.
Với câu hỏi thời sự: "Ở nước ta hiện nay, việc đánh bắt hải sản xa bờ có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng" trong đề thi Địa lý sáng 3-6, thầy Lợi cho rằng, đây là nội dung trong chương trình địa lý, mặt khác vấn đề biển đảo, khai thác kinh tế biển, an ninh quốc phòng đang rất thời sự. Vì thế, đưa vào đề là rất hợp lý.
Thầy Lợi cũng cho biết thêm, đề thi năm nay kiến thức trải rộng từ đầu đến cuối, đòi hỏi thí sinh có đủ hai yêu cầu về cả kiến thức về kinh tế và cần kĩ năng (kĩ năng vẽ biểu đồ, sử dụng Atlat).
Đề thi năm nào cũng có bốn phần, từ bốn năm nay đã như vậy. Đề thi không dài mà phù phợp với học sinh và hầu hết năm trong sách giáo khoa.
“Đề này cũng có tính phân loại học sinh nhưng sự phân hóa trong môn Địa Lý không cao như môn khác”- Thầy Lợi nhận định.
Cũng theo thầy Lợi, với đề thi sáng nay, nếu thí sinh có kĩ năng tốt, sử dụng Atlat tốt sẽ rất dễ kiếm điểm. Tuy nhiên, với học sinh học tủ hay đoán đề thi thì sẽ không có điểm cao. Còn thí sinh học khối C, học đầy đủ trong chương trình thì không khó đạt điểm 8.
“Nếu thí sinh biết vận dụng Atlat thì đề này quá dễ, làm trọn vẹn vì đề rất cơ bản, bám sát chương trình sách giáo khoa”- thầy Lợi cho biết.
Đề có tính thời sự cao
Theo cô Phương Thu , Tổ trưởng Tổ Địa lý (trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng) Đề Địa Lý năm nay khá vừa sức với thí sinh, đều năm trong kiến thức cơ bản SGK lớp 12 nên nếu chuẩn bị tốt thí sinh có thể đạt điểm cao.
Nhìn chung đề Địa rõ ràng, không đánh đố thí sinh và có tính thời sự cao, nhất là trong các câu hỏi “Ở nước ta hiện nay, việc đánh bắt hải sản xa bờ có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng (câu II, ý 2, hệ THPT) và câu “Việc xây dựng các công trình thủy điện ở Tây Nguyên có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng” (câu III, ý 3, hệ GDTX).
Liên quan đến nhận định của thí sinh về việc đề dài, cô Thu cho hay: thực chất đề Địa không quá dài, nếu có kỹ năng vận dụng atlat tốt, thí sinh sẽ triển khai bài rất nhanh. Sợ các em hay la đà vào câu chữ, trả lời lan man không đúng trọng tâm sẽ mất nhiều thời gian. Thí sinh chỉ cần trả lời ngắn gọn và đúng ý là được.