Dạy tiếng Anh trong trường phổ thông: Nên chọn SGK nước ngoài, dạy 12 năm

Sự kiện: Trung tâm tiếng Anh

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ hôm qua đề nghị chọn một bộ sách giáo khoa chất lượng của một nước nào đó, chỉnh sửa cho phù hợp rồi thống nhất đưa vào chương trình dạy tiếng Anh từ tiểu học đến lớp 12.

Dạy tiếng Anh trong trường phổ thông: Nên chọn SGK nước ngoài, dạy 12 năm - 1

Nhóm học sinh tiểu học thích học tiếng Anh.

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 đã đi được nửa chặng đường, nhưng hiệu quả chưa thực sự như mong muốn. Ngày 17/9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ điểm qua những hạn chế trong quá trình triển khai đề án. Theo Bộ trưởng, khi xây dựng mục tiêu của đề án, chưa tính đến điều kiện khả thi, nên sau một thời gian triển khai, nhiều mục tiêu không đạt được. 

Vì nhiều mục tiêu đặt ra quá cao nên hiệu quả không cao, biểu hiện rõ trong kỳ thi vừa rồi. Theo Bộ trưởng, giáo viên có vai trò quan trọng nhất trong dạy và học ngoại ngữ; việc áp dụng theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu 6 bậc có tài liệu, nhưng vẫn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Giáo viên đã phải cố gắng nhiều nhưng không hiệu quả; không ngoại trừ một số trường hợp  chạy chứng chỉ để đảm bảo hồ sơ đứng lớp…

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Thừa Thiên-Huế cho rằng, chất lượng dạy và học ngoại ngữ chưa được tốt là do phần lớn học sinh chưa có ý thức, động lực học ngoại ngữ, trong khi sĩ số đông nên gặp khó khăn trong dạy và học. Ngoài ra, “có độ vênh khá lớn giữa năng lực thực tế của giáo viên và năng lực ghi trên bằng cấp”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Thừa Thiên-Huế nói.

Lùi thời gian phổ cập đến năm 2025

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra các giải pháp trong thời gian tới. Thứ nhất, tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên, nhất là các trường sư phạm. Thầy cô nào khó đạt chuẩn thì chuyển công tác khác. 

Thứ hai, tập trung vào cơ sở học liệu, phù hợp điều kiện, yêu cầu của Việt Nam và đào tạo từ xa, tạo điều kiện cho giáo viên có thể học mọi lúc mọi nơi, hình thành các trung tâm, không có liên doanh liên kết trong đào tạo ngoại ngữ. Thứ ba, củng cố, nâng cao dạy ngoại ngữ, tránh tình trạng học xong không công nhận.

Tại hội nghị, Ban điều hành Đề án 2020 đã đưa ra những mục tiêu cần đạt được trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Phó ban thường trực Đề án, cho biết, giai đoạn này tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm hiện hành (từ lớp 6 đến hết lớp 12); triển khai thực hiện chương trình tiếng Anh mới của giáo dục phổ thông, đến năm học 2020-2021, 100% học sinh lớp 3, 70% học sinh 6 và 60% học sinh lớp 10 được học chương trình mới (10 năm).

 Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp (mục tiêu cũ của Đề án 2020 là đến năm học 2018-2019 phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông). Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, đề xuất Bộ mở rộng quy định khung chuẩn và có nhiều cấp độ để giáo viên, học sinh ở các tỉnh thành có quyền lựa chọn phù hợp điều kiện của mình.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị chọn một bộ sách giáo khoa chất lượng của một nước nào đó, chỉnh sửa cho phù hợp rồi thống nhất đưa vào chương trình dạy từ tiểu học đến lớp 12. Đối với các trường ĐH, CĐ, những môn khoa học cơ bản, ông khuyến khích dùng luôn chương trình của nước ngoài. Ông khẳng định, Bộ GD&ĐT chưa đưa ra thời gian cụ thể đối với mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam.

“Ta chấp nhận giai đoạn trong 10 năm tới vừa phải thôi, nhưng 10 năm tiếp theo, các em vào đại học không phải học thêm nữa. Tôi tin điều đấy làm được, nếu chúng ta dạy các cháu tiếng Anh ở phổ thông tốt, thì 10 năm sau vào đại học, chúng ta không mất công dạy tiếng Anh cơ sở như hiện nay. Các em sẽ học được những môn khoa học bằng tiếng Anh”, ông Nhạ nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Trung tâm tiếng Anh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN