Đau lòng những vụ học sinh tát nhau tới tấp ở trường học

Học sinh bây giờ chỉ vì ánh mắt nhìn đểu, mâu thuẫn cá nhân, cãi vã trên mạng... đều có thể sát phạt nhau giữa chốn đông người.

Đau lòng những vụ học sinh tát nhau tới tấp ở trường học - 1

Hình ảnh nữ sinh đánh nhau ở trường học. 

Theo thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, 6 năm trở lại đây, cả nước xảy ra gần 1600 vụ học sinh đánh nhau. Các vụ học sinh đánh nhau không chỉ dùng chân tay hay cặp sách nữa mà là những hình ảnh học em sinh mặc đồng phục tuổi từ 10 đến 18 cầm dao, kiếm và cả súng tự chế để “Xử nhau” chỉ vì những lí do rất trẻ con như “nhìn đểu”, không cho chép bài, nói xấu, ghen tuông hoặc chỉ đơn giản là “đánh cho bõ ghét”.

Nhiều học sinh đánh nhau chỉ vì “nhìn đểu”

Có lẽ chưa bao giờ, bạo lực học đường lại trở thành nỗi nhức nhối trong toàn ngành giáo dục đến như thế.Gần đây nhất, tối 5/10, clip dài hơn một phút quay cảnh hai nữ sinh hành hung một cô gái ở TP Huế (Thừa Thiên - Huế). Nạn nhân chỉ biết đưa tay đỡ đòn khi bị hai người đánh tới tấp.

Trước đó, clip đánh hội đồng, lột đồ bạn nữ ở Phú Yên cũng bị dân mạng lên án. Trên trang facebook cá nhân của mình, nữ sinh bị bắt nạt đau đớn viết: "Họ đã đánh tôi còn đăng clip tràn lan trên mạng, cùng là con người sao nỡ làm như vậy? Giờ tôi không muốn sống nữa, ai cũng khinh thường, chế giễu tôi”...

Ngày 11/10, trường THPT Cẩm Thủy 3 ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa, đã ra quyết định đình chỉ học một năm đối với hai nữ sinh đánh bạn bất tỉnh vì mâu thuẫn cá nhân. Được biết, nữ sinh đánh bạn là học sinh cá biệt, đã nhiều lần có gây gổ đánh nhau.

Trước đó tại Nghệ An, hai nữ sinhTrường THCS Quỳnh Thuận (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã bị hai nữ sinh lớp 9 Trường THCS Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An) dùng dép tông tát, đánh liên tiếp vào đầu, vào mặt.

Đau lòng nhất là cái chết của em Quang Huy (15 tuổi) ở Yên Bái. Em Quang là học sinh  lớp 8 tự tử sau vì bị bắt quỳ ở giữa đường sau khi clip em bị đánh phát tán rộng rãi trên mạng. Vụ việc lại một lần nữa cho thấy nỗi đau do bạo lực học đường gây ra.

Cái chết của Huy một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo lực học đường, cảnh báo về việc, các bạn trẻ giờ đây chỉ vì ánh mắt nhìn đểu, mâu thuẫn cá nhân, cãi vã trên mạng... đều có thể sát phạt nhau giữa nơi đông người.

Vừa phải dạy chữ vừa dạy người

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia tâm lí ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, những đứa trẻ bị bạo lực, nhất là về tinh thần, ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời.

Đau lòng những vụ học sinh tát nhau tới tấp ở trường học - 2

TS. Phan Quốc Việt cho rằng, để hạn chế bạo lực học đường, nhà trường vừa phải dạy chữ, vừa phải dạy người. 

Khi đã bị bạn bè đánh đập, các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung học hành. Vì thế, bạo lực học đường không phải vấn đề của riêng ai mà là của toàn xã hội. Mọi người cần có trách nhiệm giải quyết vấn nạn bạo lực học đường.

“Đã đến lúc, chúng ta cần lên tiếng và hành động, đừng thờ ơ nữa”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nói.

Chuyên gia tâm lí, TS. Phan Quốc Việt nêu quan điểm: “Xâm phạm thi thể người khác phải xử phạt thật nặng để nêu gương. Phải có biện pháp chứ không thể ngăn chặn không, cứ chiểu theo luật pháp mà thi hành”.

TS. Việt cho rằng, bạo lực học đường nếu không ngăn chặn kịp thời thì nó sẽ lây lan. Vì thế, cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội.

Cũng theo TS Phan Quốc Việt, giải pháp để giảm thiểu những vụ việc đau lòng nói trên,  nhà trường cần tăng cường giáo dục, vừa dạy chữ, vừa dạy người, dạy văn hóa học đường… .

“Cái cần học là học để làm người, học để chung sống, học để làm việc, học để biết chứ hiện nay mình giáo dục về thuật nhiều quá mà quên mất đạo. Phải giáo dục nhân cách trước rồi mới đến kiến thức”, TS Phan Quốc Việt nhấn mạnh.

Chuyên gia tâm lý Phan Quốc Việt cũng đề xuất, ngành giáo dục cũng cần sớm hình thành hệ thống Tư vấn tâm lí học đường để hỗ trợ phát triển sức khỏe tinh thần và kịp thời phát hiện, điều chỉnh tâm lí của các em học sinh.

TS.Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, nhà trường hiện vẫn chỉ lo dạy chữ, chưa có các hoạt động để nâng cao tinh thần cho các em.

Nhiều gia đình và nhà trường không biết đưa kĩ năng sống khác nhằm lôi cuốn học sinh khỏi nghiện ngập mạng xã hội. Đáng ra trẻ con phải được chạy nhảy, vui chơi, được sống cuộc sống của các em thì chúng ta toàn bắt học trò làm theo những điều chúng ta áp đặt chứ không phải những điều mà chính các em mong muốn.

“Vì đời sống tinh thần nghèo nàn, hạn hẹp, không có lý tưởng sống như vậy nên có nhiều sự việc đáng tiếc (bạo lực học đường) xảy ra”, TS.Nguyễn Tùng Lâm trăn trở.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN