Đất nghèo hiếu học

Nằm bên bờ sông Nhuệ, Hoàng Long là một trong những xã thuần nông của huyện Phú Xuyên, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng vượt qua mọi trở ngại, lớp trẻ ở đây đã nỗ lực học tập. Nơi đây đã trở thành điểm sáng về phong trào vượt khó học giỏi của Phú Xuyên.

Về xã Hoàng Long, bên cạnh niềm vui hân hoan của nhiều gia đình có con em đỗ đại học vẫn còn những nỗi lo phía trước ở những gia đình nghèo. Có con đỗ Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội với 27 điểm là niềm tự hào của gia đình bà Hoàng Thị Xoan và cả dòng họ.

Nhưng niềm vui chưa qua, nỗi lo chi phí ăn học cho con khiến bà Xoan phải bận rộn hơn, bà phải dậy từ một giờ sáng để chạy chợ buôn rau. Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Tình thuộc diện nghèo nhất xã Hoàng Long, chúng tôi tận mắt chứng kiến gia cảnh khó khăn của gia đình bà.

Đất nghèo hiếu học - 1

Trước giờ học, nhiều em vẫn phải phụ giúp gia đình để có kinh phí trang trải học tập

Chồng bị bệnh ung thư đã bảy năm, mọi việc trong gia đình chỉ trông cậy vào sự tần tảo ngày đêm của bà Tình. Một tay lo vun vén, thuốc thang cho chồng, một tay lo cho hai con học đại học, bà Tình vừa cấy lúa, trồng khoai, vừa nhận thêm hàng gia công mây tre đan về làm để kiếm tiền trang trải.

Ở Hoàng Long không chỉ nhà giàu mới đầu tư cho con em mình đi học mà cả những hộ nghèo cũng rất quan tâm đến việc học hành của con trẻ. Trong suy nghĩ của người dân, chỉ có học thức mới làm nên tất cả. Chị Nguyễn Thị Lý có chồng mất sớm, một mình lo toan cuộc sống gia đình nhưng vẫn hết mình vì "con chữ" của năm đứa con.

Chị tâm sự: "Nhà nghèo không có tài sản gì cho con nên chỉ còn biết mò cua bắt ốc bán kiếm tiền nuôi con học hành. Chỉ có học thì mới mong thoát khỏi cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, thoát khỏi cuộc sống cơ cực". Chính từ những ý nghĩ ấy đã tạo động lực cho chị chăm chỉ lao động quanh năm để nuôi con ăn học. Ở Hoàng Long còn rất nhiều tấm gương vượt qua nghèo đói để động viên con học tập. Chị Nghiêm Thị Thu, mẹ của Lê Đức Duẩn vừa đỗ thủ khoa Đại học Dược Hà Nội trong kỳ thi đại học vừa qua chia sẻ, mặc dù kinh tế gia đình còn rất eo hẹp, là một trong 20 hộ nghèo của xã, nhưng vì muốn con có cái chữ để sau này đỡ khổ nên dù vất vả đến đâu, gia đình vẫn cố gắng để các con được đến trường và các cháu cũng không phụ lòng công ơn của người thân.

Trên đường dẫn chúng tôi tới thăm những gia đình nghèo vượt khó nuôi con học đại học, Chủ tịch UBND xã Hoàng Long Đào Duy Anh, bảo: "Ở Hoàng Long dù kinh tế còn khó khăn nhưng các cháu ham học lắm, đứa lớn bảo đứa nhỏ học. Nhà này có con học đại học thì nhà khác lấy làm gương.

Dù gia đình nghèo khó nhưng khi đã quyết cho con học chữ thì họ luôn cố gắng vượt qua tất cả, hy vọng sau này con cái họ sẽ thực sự đổi đời, để không phải vất vả lam lũ như bố mẹ chúng". Mỗi năm, xã có khoảng 30 học sinh đỗ đại học, trong đó có nhiều gia đình khó khăn nhưng có đến 3-4 con đều học đại học.

Từ năm 1996 đến nay, xã Hoàng Long đã có vài trăm kỹ sư, cử nhân đủ mọi ngành nghề. Để khuyến khích và động viên các em vươn lên học tập, từ năm 1996 UBND xã đã phát động phong trào xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực trong dân. Hằng năm, UBND xã đứng ra tổ chức họp mặt, động viên khen thưởng kịp thời cho các tân sinh viên, đồng thời tạo điều kiện cho các gia đình được vay vốn từ quỹ khuyến học của hội phụ nữ, quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo nhằm giúp các gia đình có điều kiện nuôi con ăn học.

Số tiền quỹ khuyến học của xã thu nhận được từ các nhà hảo tâm được trích một phần đưa về nhà trường tặng thưởng cho những em được tham gia thi học sinh giỏi. Riêng các trường hợp thi đỗ đại học, cao đẳng, xã trích quỹ khuyến học tặng thưởng động viên, khích lệ các cháu nỗ lực học tập. Hiện nay, nguồn vốn vay cho đối tượng sinh viên nghèo học giỏi trên địa bàn xã khoảng 4 tỷ đồng đã giúp các gia đình giảm bớt khó khăn khi cho con em đến giảng đường đại học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bạch Thanh (Hà Nội Mới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN