Đánh vật với xét tuyển

Việc xét tuyển ĐH, CĐ năm nay được các chuyên gia tuyển sinh ví như cuộc đấu trí căng thẳng mà cả thí sinh lẫn phụ huynh đều bị “tra tấn” tinh thần một cách nặng nề.

Chỉ còn 4 ngày nữa, đợt đầu tiên trong hành trình xét tuyển vào ĐH, CĐ 2015 sẽ kết thúc. Và theo dự báo của nhiều chuyên gia, những tình huống bi hài nhất thay vì kết thúc có hậu sẽ xuất hiện trong những ngày cuối này.

Nháo nhào

Đó là tình trạng thí sinh và phụ huynh từ các địa phương đổ về Hà Nội, TP HCM và các TP lớn để nháo nhào chạy đua trong cơn sốt rút - nộp hồ sơ mong tìm một chỗ ngồi trên giảng đường ĐH. “Những ngày cuối cùng, tình trạng rút - nộp hồ sơ sẽ như “vỡ chợ” - PGS Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, dự báo.

Đánh vật với xét tuyển - 1

Thí sinh rút hồ sơ tại Trường ĐH Sư phạm TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Anh Nguyễn Mạnh Hà (ngụ Bắc Giang) chia sẻ nửa tháng qua với gia đình anh là quãng thời gian dài dằng dặc và nặng nề. “Ngày nào vợ chồng tôi và cô con gái cũng phải lên mạng để cập nhật tình hình tuyển sinh của các trường đã và sẽ nộp hồ sơ, đầu óc lúc nào cũng vô cùng căng thẳng” - anh Hà cho biết. Cô con gái anh Hà đạt 21,75 điểm khối C và đã nộp hồ sơ vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng không nhiều hy vọng. “Đầu tuần, chúng tôi sẽ lại xuống Hà Nội để rút hồ sơ nộp vào Học viện Hành chính quốc gia” - anh Hà lo lắng.

Trường hợp của anh Hà cũng giống như trường hợp của hàng trăm ngàn phụ huynh, thí sinh khác đang thấp thỏm trên khắp cả nước. Dự báo “vỡ chợ” của PGS Thắng cũng là dự báo chung của nhiều trường khi thí sinh thay đổi nguyện vọng ồ ạt đến rút hồ sơ để tìm cơ hội ở những nơi khác. Điều này khiến những người làm tuyển sinh của các trường lâm vào tình trạng trở tay không kịp, còn thí sinh thì hoang mang. Tâm lý chung là thí sinh lo sợ các bạn ở nơi khác rút hồ sơ rồi nộp vào trường mình đã nộp và tình hình lại tiếp tục biến động. “Hiệu ứng domino đang xảy ra và cuối cùng chỉ khổ cho các thí sinh và các trường” - một chuyên gia tuyển sinh ngao ngán nói.

Theo quy định, mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng vào 4 ngành của 1 trường ĐH theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4 đã dẫn đến tình trạng nguyện vọng “ảo” ở các ngành, khoa của một trường. Việc thí sinh điểm cao xuất hiện ở danh sách tổng hợp 4 nguyện vọng đã đẩy các thí sinh có điểm thấp hơn ra ngoài chỉ tiêu làm những em này hoảng hốt. Càng nhiều thí sinh điểm cao nộp hồ sơ thì sự rối loạn, lo lắng càng lớn. Điều này dẫn đến việc các thí sinh điểm thấp hơn vội vã rút hồ sơ vì lo mà không dự đoán được lượng hồ sơ ảo này. Dù các trường đã chủ động tăng cường nhân sự cho tuyển sinh cũng như nâng cấp công nghệ thì vẫn không thoát khỏi những xáo trộn trong quá trình xử lý dữ liệu. Phần mềm lọc thí sinh ảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) dường như không phát huy được tác dụng. Chuyên gia tuyển sinh của một trường ĐH lớn than vãn: “Những gì diễn ra nửa tháng qua khiến chúng tôi khó lòng đưa ra lời khuyên chắc chắn nào cho các thí sinh và gia đình các em. Tất cả chỉ dừng lại ở “khuyến cáo” thí sinh nên cân đối điểm để rút hồ sơ, tìm kiếm cơ hội cho mình”.

Bộ GD-ĐT chưa lường hết hậu quả

Theo PGS Văn Như Cương, công đoạn xét tuyển đang gặp nhiều vấn đề phức tạp, gây khó khăn cho cả nhà trường lẫn thí sinh. Mọi năm thì các trường có thể yên tâm với nguồn tuyển của mình nhưng năm nay thì rất nhiều trường rơi vào thế bị động vì không biết được bao nhiêu thí sinh sẽ đến với mình khi mà các em được thoải mái rút - nộp. Cũng theo chuyên gia này, Bộ GD-ĐT cho rằng mục tiêu của đổi mới kỳ thi là giảm tốn kém, giảm căng thẳng, áp lực cho thí sinh nhưng kết quả dường như không như mong muốn. “Tôi thấy cách làm năm nay khiến thí sinh cũng như các phụ huynh tốn kém hơn khi phải đi lại rồi ăn chực nằm chờ ở TP để nộp - rút hồ sơ. Những ngày tới chắc chắn sẽ có một làn sóng đổ về TP. Dường như Bộ GD-ĐT đã chưa tính hết những phát sinh khi tổ chức phương án xét tuyển này” - PGS Cương nói.

Rõ ràng, Bộ GD-ĐT đã bị động trước những tình huống phát sinh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trong các cuộc họp, Chính phủ đều nêu ra những tình huống và Bộ GD-ĐT nói là đã đều lường được và yên tâm nhưng thực tế vừa qua cho thấy có những việc vẫn chưa lường được, dù tưởng rằng yên tâm song vẫn chưa yên tâm.

PGS Lê Trọng Thắng cho rằng chắc chắn sau kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT phải thay đổi rất nhiều thứ, từ cách làm, việc tổ chức thi đến công bố điểm. Tuy nhiên, có lẽ không cần phải đến mùa tuyển sinh tới, Bộ GD-ĐT sẽ phải có những điều chỉnh sớm hơn.

Trước những rắc rối của kỳ thi năm nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu bộ phải lắng nghe phản ánh của thí sinh, xã hội để có những giải pháp điều chỉnh thật nhanh, kịp thời. Thậm chí, cần phải điều chỉnh cái gì thì điều chỉnh, kể cả vượt thẩm quyền của bộ hoặc cần sự phối hợp của các bộ khác, nếu cần thiết thì Chính phủ sẵn sàng vào cuộc.

ThS Trương Tiến Sỹ, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM:
Thí sinh mất nhiều thứ

Việc tổ chức thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp cơ bản là gọn nhẹ tuy còn một số bất cập như: Phân chia cụm thi chưa thực sự hợp lý. Ví dụ: Thí sinh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được giao cho Trường ĐH Sài Gòn. Các điểm thi của cụm thi này lại nằm trên địa bàn các quận: 6, 8, Bình Tân. Nếu để thí sinh của tỉnh này thi ở các cụm do Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐHQG

TP HCM chủ trì có vẻ như hợp lý hơn. Bên cạnh đó, việc phân chia thành 2 cụm thi cũng rất bất cập, nhiều thí sinh được tư vấn thi tại cụm thi do Sở GD-ĐT tổ chức. Sau khi có kết quả, muốn xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì không được.

Đặc biệt, khâu xét tuyển bộc lộ hàng loạt những bất cập cho cả các trường và thí sinh như chi phí đi lại, ăn ở để nộp vào - rút ra thực tế còn lớn hơn cả việc đi thi ĐH của những năm trước; đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày thực sự gây hoang mang, lo lắng cho cả thí sinh và phụ huynh; thông tin về trường, loại hình trường, ngành nghề đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chất lượng phục vụ, học phí... đến với thí sinh rất mập mờ, thiếu rõ ràng, nhiều trường bưng bít thông tin, thậm chí cung cấp thông tin không chính xác. Cách xét tuyển như năm nay gần như đã đánh mất nhiều thứ: quyền lựa chọn trường yêu thích của thí sinh, việc định hướng nghề nghiệp, sở thích, tính cách..., chỉ để cố làm sao được trúng tuyển ĐH.

PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ:
Tác hại quá lớn từ nguyện vọng ảo

Từ năm 2014 trở về trước, khi đăng ký dự thi ĐH thí sinh đã chọn 1 ngành (gọi là nguyện vọng 1 - NV1). Sau khi có kết quả thi các trường ĐH xét tuyển NV1 cho các thí sinh. Sau đó nếu có các ngành chưa đủ chỉ tiêu thì các trường xét tuyển đợt thứ 2. Trong đợt này, thí sinh được chọn 1 ngành nữa gọi là NV2, vì vậy đợt xét tuyển này được gọi là đợt xét tuyển NV2.

Năm nay, khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh không được yêu cầu chọn ngành nào cả. Trong đợt xét tuyển này, thí sinh được yêu cầu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, thí sinh được phép chọn tối đa 4 ngành (gọi là NV) và phải xác định thứ tự ưu tiên nên gọi là NV1, NV2, NV3, NV4. Vì vậy, xét về bản chất đây là “giai đoạn xét tuyển đợt 1” nhưng do “quán tính” của cách gọi các kỳ thi trước bộ gọi đợt xét tuyển này là “đợt xét tuyển NV1” làm cho vấn đề đã khó hiểu lại càng khó hiểu hơn.

Thứ hai, bộ không lường trước tác hại quá lớn của các nguyện vọng ảo đến tâm lý của thí sinh: Thay vì mỗi hồ sơ đăng ký xét tuyển chỉ được chọn 1 ngành, bộ lại cho phép mỗi thí sinh được chọn tối đa 4 ngành. Tôi nghĩ rằng bộ cho phép thí sinh được chọn 4 ngành là tin vào khả năng lọc ảo của phần mềm sử dụng giải thuật đoạt giải Nobel. Bộ không ngờ rằng việc cho phép thí sinh được chọn 4 ngành đã gây tác hại ngay từ khi nộp hồ sơ chứ không chỉ tạo nên thí sinh trúng tuyển ảo khi hết hạn nộp hồ sơ và tiến hành xét tuyển.

Huy Lân ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN