Cử nhân sư phạm: Vô vọng đường đến bục giảng
Tỉnh Phú Yên đang có ít nhất 3.000 cử nhân đại học, cao đẳng sư phạm hệ phổ thông và mầm non ra trường nhưng không có việc làm. Rất nhiều hoàn cảnh bi thương trên chặng đường vác đơn chạy việc của mỗi “thầy, cô”...
Cao Vĩ Nhánh (ở thôn Phụng Tường, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) đã 31 tuổi nhưng vẫn là người vô nghề nghiệp, dẫu được học hành đến nơi đến chốn. Nhánh tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh năm 2007, hơn 5 năm rồi đã thử làm đủ nghề nhưng rốt cùng vẫn ở nhà làm… thơ. Nhánh cho biết vì buồn cho thân phận và vì chẳng biết làm gì nên hí hoáy viết lách để giết thời gian, cũng mong kiếm vài đồng nhuận bút còm nuôi mình qua ngày.
Thất nghiệp “lủ khủ”
Nhánh bộc bạch ra trang giấy: “Mang kỳ vọng của gia đình, tôi đã thầm hứa sẽ học thật tốt và về cống hiến cho quê hương. Bao nhiêu vất vả, thắt lưng buộc bụng của gia đình để nuôi tôi ăn học suốt 4 năm, cùng những nỗ lực phấn đấu của bản thân, cuối cùng tôi cũng đã hoàn thành xong đại học. Trớ trêu thay, niềm vui chưa kịp nở trên môi thì phải lẳng lặng nuốt nước mắt vào từ cái ngày cầm tấm bằng cử nhân sư phạm về quê nộp hồ sơ dự tuyển.
Một quan chức ở Phòng Tổ chức cán bộ của Sở GDĐT khuyên: “Thầy khuyên em nên mang hồ sơ về đi vì lượng hồ sơ tồn đọng thế kia làm sao giải quyết hết được”. Tôi xin dạy không được nên quyết định đi nơi khác xin việc, bươn bả với nhiều nghề khác nhau để mưu sinh. Khi đã có một công việc ổn định ở Sài Gòn nhưng sâu thẳm trong tôi vẫn âm ỉ cháy lòng yêu nghề, vẫn nhớ quay quắt lũ học trò (nói ra tội nghiệp, tình thầy trò chỉ mới bén duyên trong đợt thực tập). Thế là bỏ ngang công việc, rồi trở về nộp hồ sơ lần hai ở tỉnh (lần này kèm theo một lá đơn tình nguyện dạy vùng sâu, vùng xa), rồi lại rơi vào im lặng...”.
Tốt nghiệp đại học sư phạm 6 năm, chị Phạm Thị Thu đang phải phụ việc bán hàng ở TP. Tuy Hòa (Phú Yên), và vẫn đau đáu với nghề dạy học.
Nhánh nói chẳng cần đi đâu xa, chỉ ở cái xã “ruộng” Hòa Trị (Phú Hòa) này là có thể có “lủ khủ” dân sư phạm “thất” dạy, đang bươn bả làm đủ nghề…
“Thất” dạy… cả họ
Tôi ngồi “dò la” ở quán nước đầu thôn Quy Hậu (Hòa Trị), bà chủ tên Thỏa nói ngay: “Tưởng chuyện gì, ở thôn này, thầy cô ra trường bị “mất dạy” đầy! Chú cứ tới nhà ông Loan là có cả… chùm!”. Vợ chồng ông bà Phạm Loan – Ngô Thị Hưởng có 3 con học sư phạm, đó là Phạm Thị Hoa (38 tuổi), Phạm Thành Hổ (34 tuổi) và Phạm Thị Sen (32 tuổi).
Ông Loan thở dài: “Vợ chồng tui chỉ biết cày cuốc nuôi con, tụi nó nói “đại học tỉnh đang tuyển ngành sư phạm”, thì tui cho học. Ừ đi học để thoát kiếp nông dân… Ai dè, tốn bao nhiêu là tiền bạc cho con ăn học, rồi ra chạy đôn chạy đáo nộp hồ sơ xin dạy. Đã chục năm rồi, có thấy họ ừ hử gì đâu…!”. Chị Phạm Thị Hoa tốt nghiệp đại học sư phạm tiếng Anh năm 2002 cầm tấm bằng xong “chen lấn” không lọt, đành phải lên tận miền núi Sông Hinh để kiếm việc làm khác chuyên ngành. “Con Hoa giờ chắc quên chuyện từng học làm… cô giáo” - ông Loan trầm ngâm.
“Tụi nó nói “đại học tỉnh đang tuyển ngành sư phạm”, thì tui cho học. Ai dè, tốn bao nhiêu là tiền bạc cho con ăn học, rồi ra chạy đôn chạy đáo nộp hồ sơ xin dạy. Đã chục năm rồi, có thấy họ ừ hử gì đâu...!”. Ông Phạm Loan |
Anh Phạm Thành Hổ tốt nghiệp cử nhân sư phạm khoa Địa lý năm 2004 do Trường CĐSP Phú Yên và Đại học Huế liên kết đào tạo. Hổ cho hay, gia đình làm nông “toàn diện” nên anh chí thú học hành để sau này có việc làm “kha khá”, thoát cảnh chân lấm tay bùn. Khi nộp hồ sơ, nghe tư vấn là tỉnh đang thiếu nhiều giáo viên môn địa lý nên anh “chắc mẩm” đưa chân.
Nào ngờ, xong 4 năm học, ngày ra trường “mộng đẹp như mơ” bỗng chốc sụp đổ khi ngành giáo dục Phú Yên phán: “Giáo viên địa lý đã “kín bưng” từ nông thôn đến thành thị, từ cấp 3 đến… tiểu học! Hổ bây giờ không ai còn nhận ra là “ông giáo” thư sinh ngày nào. Ba năm đầu ra trường, vừa đâm đơn xin việc, Hổ phụ gia đình làm ruộng và theo bạn bè đi lắp điện, nước. Thế nhưng công việc phập phù, anh đành phải vay mượn họ hàng sắm chiếc xe công nông để chuyên chở lúa, đất đá, vật liệu xây dựng… “Sương gió phủ đời trai”, đã có vợ và 2 con nhưng Hổ vẫn không nguôi nỗi nghẹn nghề giáo: “Hồ sơ vẫn còn nằm ở Sở GDĐT, em vẫn chờ… May ra”...
Nối “nghiệp” người anh, cũng vào cùng hệ liên kết, chị Phạm Thị Sen tốt nghiệp cử nhân sư phạm khoa Lịch sử năm 2006. Thế nhưng nộp đơn khắp nơi xin dạy, gõ khắp cửa vẫn chẳng thấy nơi nào… đón chào. Chị giờ phụ việc buôn bán cho một cửa hàng ở TP. Tuy Hòa, đã có chồng và một con nhỏ, nhưng giấc mơ bục giảng vẫn như là nỗi ấm ức: “Học sư phạm với niềm thành tâm, mà không được đi dạy, em thấy đời mình mất hết ý nghĩa…”.
Một người em bạn dì của chị Sen là Nguyễn Thị Thanh Hồng (ở Phụng Tường, Hòa Trị) cũng đã nằm nhà hơn 3 năm rồi, với tấm bằng tốt nghiệp khoa Sinh vật Đại học Sư phạm Quy Nhơn...