Có nên dạy chữ Hán trong trường học?
Trong một hội thảo mới đây, PGS.TS Đoàn Lê Giang (ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM) đề xuất, dạy tiếng Hán trong trường phổ thông vì theo ông Giang, muốn dùng tiếng Việt trong sáng thì học sinh phải học chữ Hán. Đồng quan điểm với PGS.TS Đoàn Lê Giang, có rất nhiều người đồng tình tuy nhiên vẫn có ý kiến trái chiều.
Thanh niên hiện nay hầu hết không biết chữ Hán
Giúp hiểu về quá khứ dân tộc
TS.Vũ Thu Hương, Giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học - Đại học Sư phạm cho rằng, nên đưa chữ Hán vào nhà trường.
Theo bà Hương, hiện nay, trẻ em Việt Nam học ít hơn thế giới rất nhiều. Học chữ Hán sẽ giúp các em hiểu nội dung của các câu thơ Hán Nôm, hiểu được ý nghĩa các chữ khi đến đình chùa. Hoặc biết chữ Hán, đi xin chữ ông Đồ các em còn hiểu.
Ngoài ra, những học sinh được học chữ Hán Nôm có thể sẽ hình thành và phát triển nhân cách tốt hơn những học sinh khác không học chữ Hán. Trẻ tiếp cận dễ dàng hơn những kiến thức truyền nhân, nhiều khả năng, trẻ sẽ sống phép tắc hơn.
Bà Hương chia sẻ thêm: “Phụ huynh cũng đừng quá bao bọc trẻ, sợ trẻ vất vả. Học chữ Hán nhẹ nhàng không quá vất vả như mọi người thường nghĩ”.
PGS. TS Trịnh Khắc Mạnh, Viện Nghiên cứu Hán Nôm bày tỏ: “Dạy Hán Nôm trong nhà trường phổ thông dứt khoát là phải đặt ra”.
Theo ông Mạnh, không có tri thức về Hán Nôm khiến nhiều từ ngữ tiếng Việt bị nói sai. Bên cạnh đó, hầu hết các môn học đều có tính liên thông, kế thừa từ bậc phổ thông lên đại học, riêng môn Hán Nôm là không có. Dạy các tác phẩm văn học cổ hiện nay chỉ dạy thông qua phiên âm chứ không đưa nguyên văn Hán Nôm vào đã dẫn đến nhiều sai sót trong cách dạy cũng như cách hiểu.
TS Nguyễn Tô Lan, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng cho rằng, cần phải dạy chữ Hán Nôm sớm cho trẻ. Bởi ngay từ khi còn rất nhỏ, các em đã đối mặt với việc phải nhận thức chữ nào là chữ Hán, chữ nào là âm Hán - Việt. Vì vậy, nếu không hiểu từ cái gốc thì sau này lớn lên học rất khó.
Cũng chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, TS.Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất đưa chữ Hán vào dạy trong trường phổ thông.
Theo ông Lâm, chữ Hán là phần gốc của Việt Nam, được người Việt vay mượn để tạo nên chữ viết bây giờ. Do đó, nếu từ bỏ chữ Hán, mọi người sẽ ít hiểu biết về quá khứ dân tộc. Ngoài ra, học chữ Hán giúp người dùng có cách lựa chọn ngôn ngữ, vốn từ vựng sẽ tăng dần, rất có ích cho hoạt động giao tiếp.
Cũng theo ông Lâm, nếu đưa chữ Hán vào dạy trong trường phổ thông sẽ dần phục hồi quá khứ dân tộc, giúp thế hệ sau tìm hiểu sâu hơn về nguồn cội.
“Thanh niên hiện nay hầu hết không biết chữ Hán, đi đình chùa, miếu mạo không hiểu người ta viết cái gì, ý nghĩa của chữ đó ra sao. Là người Việt mà không biết, không hiểu về chữ Hán là một hạn chế”, ông Lâm nói.
Trước ý kiến cho rằng, nếu đưa chữ Hán vào dạy học trong trường phổ thông là không giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, ông Lâm cho rằng: “Nói như vậy là không chính xác bởi có học chữ Hán thì mới biết chữ nào là chữ Hán, chữ nào là Tiếng Việt để mà giữ gìn vốn từ đó”.
Biết chữ Hán, đi đình chùa sẽ hiểu được nội dung, ý nghĩa của các dòng chữ
Khó thực hiện
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đề xuất học chữ Hán trong nhà trường là điều không thực sự cần thiết và cũng khó thực hiện.
“Để dùng từ đúng, người Việt Nam cần hiểu nghĩa các từ Hán Việt, nhưng không nhất thiết phải biết chữ Hán và chữ Nôm”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Ông lý giải, ngay từ bậc tiểu học, học sinh đã được tiếp xúc và được dạy các từ Hán Việt cơ bản. Khi học hết chương trình phổ thông, các em đã tích lũy được một vốn từ Hán Việt khá lớn. Vì vậy, việc dạy chữ Hán và chữ Nôm trong trường học theo đề xuất của một số chuyên gia đề xuất là điều không thực sự cần thiết và cũng khó thực hiện.
Hơn nữa, chương trình phổ thông hiện nay của chúng ta cũng đã khá nặng. Nếu đưa vào dạy chữ Hán và chữ Nôm nữa sẽ tạo áp lực rất lớn cho học sinh.
"Hiện nay, các học sinh ở vùng biên giới Việt – Trung có thể học tiếng Hán (nhiều người gọi là tiếng Trung Quốc) để đáp ứng nhu cầu giao tiếp, giao thương. Còn phần lớn học sinh hiện nay đều nên học tiếng Anh”, ông Thuyết nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cũng băn khoăn làm thế nào để đưa chữ Hán vào trường phổ thông. Bởi theo ông, đối với ngoại ngữ, học sinh hiện nay học Tiếng Anh còn chưa xong, huống chi là chữ Hán. Do đó, cần phải nghiên cứu kỹ về việc đưa tri thức Hán Nôm vào giảng dạy.