Chuyện người thầy 20 năm cần mẫn dạy vẽ cho trẻ em câm điếc
“Nhiều khi ngẫm lại tôi thấy việc đến lớp giống như mình ăn cơm hàng ngày vậy, không thể bỏ bữa nào được. Mặc dù có lúc nản lòng nhưng thật sự không đến lớp thì tôi không chịu được”.
Người họa sỹ ấy là thầy Dương Tử Long (52 tuổi), hiện đang sinh sống tại phố Khâm Thiên, Hà Nội.
Thầy Dương Tử Long
Sử dụng nghệ thuật để hỗ trợ, giúp đỡ những người khuyết tật
Nằm gọn trong khuôn viên của trường tiểu học Trung Tự là lớp học đặc biệt dành cho những học sinh bị câm điếc bẩm sinh. Cháu nhỏ nhất năm nay 7 tuổi và nhiều tuổi nhất cũng 14, 15. Như thường lệ, lớp học được bắt đầu từ 9 giờ sáng thứ 7 hàng tuần và kết thúc khi các em hoàn thành xong tác phẩm của mình.
Ở lớp học đó, thầy Long không chỉ là người dạy các em học vẽ mà còn là một người ông, người cha, người mẹ thay mặt phụ huynh quán xuyến tất cả mọi việc mà theo như thầy thì: “Từ khi gắn bó với các em, tôi biết làm nhiều việc hơn ngoài dạy vẽ”.
Chia sẻ về cái duyên đưa thầy đến với lớp học ở Câu lạc bộ Văn nghệ Trẻ em Khuyết tật Hà Nội, thầy Long kể: năm 1995, khi người cha của thầy qua đời, quá đau buồn nên thầy từ chối mọi lời đề nghị cũng như bỏ qua tất cả các cuộc thi sáng tạo nghệ thuật. Cho đến khi cô Phan Thị Phúc – chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ Trẻ em Khuyết tật Hà Nội ngỏ ý mời thầy về dạy vẽ cho các cháu khuyết tật.
Tại đây, được tiếp xúc với các em tuy bị khiếm khuyết nhưng lại có ước mơ được cầm cọ vẽ, người họa sỹ ấy như được gặp lại chính mình thủa trước.
“Nhìn học trò tôi như thấy chính mình những năm về trước, cũng ước ao, cũng khao khát một ngày nào đó có thể vẽ được một bức tranh hoàn chỉnh. Thế rồi, tôi lao vào công việc mới này. Cũng từ đó tôi tìm thấy niềm vui trong công việc”, người họa sỹ già trải lòng.
Trong lớp học đặc biệt này mọi giao tiếp giữa thầy và trò đều sử dụng ngôn ngữ ký hiệu
Việc dạy vẽ cho người bình thường đã khó khăn nhưng dạy vẽ cho trẻ câm, điếc lại càng khó khăn hơn khi mọi lời giảng thầy đều phải chuyển thành ngôn ngữ ký hiệu.
Để hiểu học trò của mình, có thể nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của học trò ban ngày thầy đi làm, tối về thầy lại cần mẫn đăng ký theo học những lớp về ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khuyết tật. Tìm hiểu cách nhận biết biểu hiện của người khuyết tật cũng như cách xử lý các tình huống khi xảy ra. Tất cả những kiến thức đó đều được thầy áp dụng vào ngay chính lớp học đặc biệt này.
Thầy Long tâm sự: “Các em khuyết tật thường được gia đình hạn chế cho đi lại nên các em không biết nhiều bằng các bạn bình thường. Do đó, để dạy vẽ cho các em trước tiên phải cho các em tư liệu để làm vốn sống. Sau này thầy hỏi lại thì số tư liệu vốn được cất trong trí nhớ đó sẽ tự nhiên bung ra trong ký ức của các em”.
Đối với bất kỳ học sinh nào trước khi theo học cũng đều được thầy tiến hành kiểm tra sàng lọc. Dựa vào khả năng của từng người rồi xếp các em vào học các lớp khác nhau: lớp dùng màu, dùng thuốc nước, bột màu và lớp học cao nhất là dùng sơn dầu để vẽ.
20 năm tham gia giảng dạy tại Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội, thầy Dương Tử Long đã trở thành cái tên thân thuộc với rất nhiều thế hệ học trò, đặc biệt có những gia đình thầy dạy cả bố lẫn con.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng bằng tâm huyết của người thầy, lớp học đã gặt hái được nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Trong số các tác phẩm gửi dự thi đoạt giải có lẽ người họa sỹ đó không bao giờ quên được cảm xúc của mình khi phụ huynh em Võ Duy Hưng thông báo em đoạt giải 3 cuộc thi vẽ tranh với đề tài Em yêu Hà Nội. Nó đặc biệt với thầy, bởi lúc đó mẹ của Hưng phát hiện bị ung thư.
“Phần thưởng mà em đoạt được như một món quà tinh thần động viên mẹ tiếp tục chiến đấu với căn bệnh này. Còn riêng tôi, tôi được nhiều hơn thế, tôi thấy được nụ cười trên khuôn mặt của người mẹ khi cô ấy thông báo cho tôi biết em Hưng đoạt giải”, thầy Long nhớ lại.
Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình giảng dạy ở Câu lạc bộ này, thầy chia sẻ: “Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, các em được bố mẹ mua cho những bông hoa rồi về nhà lấy dây ruy băng có sẵn gói cẩn thận, đợi thầy ở ngoài cửa lớp để tặng. Lúc đó, tôi cảm nhận được niềm vui đến khôn cùng, tôi có thêm động lực để tiếp tục cùng các em bước tiếp”.
Thầy Long bên những tác phẩm của học trò
Nỗi trăn trở của người thầy
20 năm tham gia giảng dạy trẻ em khuyết tật, điều khiến người họa sỹ già trăn trở nhất đó là chưa mở được một phòng tranh cho các em. Tại đây, các em có thể giới thiệu những tác phẩm của mình đến với người tham quan. Trên cơ sở đó, tạo ra sự tương tác giúp các em có thể tự kiếm sống bằng nghề của mình.
“Tôi chỉ có một mong muốn là khi các con bước ra cuộc sống các con có thể tạo ra những sản phẩm mà người khác yêu thích nó và sẵn sàng bỏ tiền túi ra để được sở hữu nó chứ không phải vì mục đích nhân đạo”, người họa sỹ già trăn trở.
Phụ huynh cháu An, hiện theo học ở lớp vẽ này được 2 năm cho biết: “Từ khi cháu học vẽ của thầy Long, cháu rất thích đi học. Hôm nào chuẩn bị đến buổi học vẽ của thầy, cháu đều chuẩn bị đồ dùng từ ngày hôm trước. Thấy con thích thú với học hành người làm mẹ như tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
Cả đời gắn bó với nghề giáo, luôn trăn trở vì các thế hệ học sinh của mình, luôn tìm cách giúp đỡ các em nhưng chưa khi nào thầy nhận mình là người giúp đỡ. Lúc nào thầy cũng nhận rằng chính các em đã cho thầy được tồn tại.
“Thực sự tôi phải cảm ơn các em. Chính các em đã giúp tôi được sống với sở thích, với ước mơ của mình, đã cho tôi lý do để tôi tồn tại”, người họa sỹ già trải lòng.
Một số những hình ảnh về lớp học đặc biệt này:
Thầy luôn ân cần với học trò
Thầy Long cho rằng người câm, điếc thường quan sát rất tốt và biết cách làm đơn giản hóa hình ảnh rất nhanh
Do đó, họ thường mượn hình ảnh để nói lên tiếng nói mà họ mong muốn
Và nhiệm vụ của người thầy là sử dụng nghệ thuật để hỗ trợ, giúp đỡ những người khuyết tật
Tất cả các em đều rất thích thú mỗi khi đến lớp học vẽ.