Chuyên gia chỉ cách giảm những vụ học sinh xúc phạm giáo viên

Sự kiện: Giáo dục

TS Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh cho rằng, thầy và trò đang đối diện với không ít “cú sốc” trong hoạt động giáo dục.

Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện video dài hơn 5 phút, quay lại cảnh một học sinh cãi nhau với thầy giáo trong lớp học. Trong khi cãi nhau, nữ sinh này đã có nhiều lời lẽ thô tục, thậm chí xưng “mày - tao” với thầy giáo.

Nhiều ý kiến nhìn nhận cách hành xử của nữ sinh trong video là không thể chấp nhận.

TS Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công cho rằng, hiện nay, thầy và trò đang đối diện với không ít “cú sốc” trong hoạt động giáo dục ở trạng thái bình thường mới.

TS Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh.

TS Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh.

Theo TS Vũ Việt Anh, khái niệm tham vấn vẫn còn khá mới mẻ, ít được sử dụng, song dần được quan tâm trong thời gian gần đây. Đặc biệt sau đại dịch COVID-19, vai trò của tham vấn tâm lý học đường cần chú trọng hơn bao giờ hết.

Mỗi năm có hàng nghìn sự việc đáng tiếc về xung đột học đường gây xôn xao dư luận (nữ sinh đánh nhau, lột đồ của bạn, học sinh tự tử vì áp lực thi cử, quan hệ tình dục không an toàn, có thai ngoài ý muốn, giáo viên xúc phạm và hành hung học sinh, học sinh hành hung giáo viên…). Hầu hết những sự việc này đều có thể hóa giải nếu xử lý sớm và có sự tham vấn tâm lý học đường. Tham vấn tâm lý sẽ giúp học sinh tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn trong học tập, cuộc sống, cảm thấy bình tâm, giảm bớt áp lực, mệt mỏi và từ đó học tập hiệu quả hơn, cuộc sống vui vẻ hơn…

Theo chuyên gia Vũ Việt Anh, dù được triển khai từ năm 2017 nhưng nhiều phòng tham vấn tâm lý học đường tại trường chỉ để trang trí, cho có. Chưa đáp ứng được sự biến đổi không ngừng của cuộc sống, chưa bắt kịp được yêu cầu xã hội.

“Lãnh đạo nhiều trường chưa thấy được tầm quan trọng của tham vấn tâm lý học đường, vì vậy chưa cử giáo viên chuyên trách; không mời các chuyên gia tâm lý về gỡ rối, tư vấn cho học sinh một cách thường xuyên hoặc định kỳ; không tuyên truyền rộng rãi cho phụ huynh, học sinh về phòng tham vấn tâm lý của nhà trường… Từ đó, dẫn tới hiệu quả tham vấn tâm lý học đường chưa cao, tình trạng học sinh thiếu định hướng, chán nản, thậm chí bỏ học còn phổ biến; đạo đức, ứng xử xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến tương lai của học sinh và đến sự phát triển của xã hội”, TS. Vũ Việt Anh nhận định.

Do đó, để công tác tham vấn tâm lý học đường hiệu quả, đầu tiên cần thay đổi nhận thức của lãnh đạo nhà trường. Thay vì chỉ tập trung vào thành tích học tập, ban giám hiệu cần xây dựng môi trường để học sinh được phát triển toàn diện, hài hòa về thể chất, tâm hồn, trí tuệ và nghị lực… thông qua hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ sở thích, cuộc thi về văn hóa văn nghệ, thể thao, khoa học…

Qua đó, các em được phát huy năng lực sẵn có, đánh thức được năng lực tiềm ẩn, từ đó phát triển vượt trội. Những chương trình dã ngoại, trải nghiệm, giao lưu với chuyên gia tâm lý cũng là dịp để định hướng tính cách, nghề nghiệp… vô cùng cần thiết.

Mặt khác, cần có cán bộ chuyên trách phụ trách phòng tham vấn tâm lý học đường; xây dựng các chương trình hoạt động hấp dẫn, thu hút học sinh tham gia. Khi tinh thần, thái độ sống tốt chắc chắn kết quả học tập sẽ khởi sắc.

Theo ông, những thống kê khoa học, xã hội học cho thấy, học sinh bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý sau 2 năm bùng dịch COVID-19; không ít học sinh gặp các vấn đề tâm lý như căng thẳng, rối loạn lo âu, trầm cảm, tự tử…

Điều này gióng lên hồi chuông báo động về việc cần nâng cao đời sống tinh thần cho học sinh. Để làm tốt điều này, bắt đầu từ nâng tầm đội ngũ giáo viên chuyên trách tư vấn tâm lý học đường. Cần có quy chế rõ ràng, đãi ngộ phù hợp để giúp giáo viên an tâm với công việc, tập trung nâng cao trình độ, gắn bó lâu dài… giúp việc tư vấn tâm lý học đường nâng cao, sát thực với yêu cầu xã hội. Học sinh nhanh chóng hòa nhập khi quay trở lại trường trong bình thường mới.

Các sở GD&ĐT phải xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và hướng dẫn cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc, hình thức, nội dung tư vấn tâm lý học đường…

UBND các tỉnh cần chỉ đạo Sở Nội vụ sắp xếp, bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách tư vấn tâm lý học đường theo quy đinh; nghiên cứu cơ chế bố trí cán bộ, giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý theo diện hợp đồng lao động.

Đặc biệt, cần xem xét, bố trí ngân sách, cơ sở vật chất cho dịch vụ hỗ trợ, tư vấn tâm lý tại địa phương; triển khai giải pháp huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường tính tự chủ cho cơ sở giáo dục; chỉ đạo các sở, ngành chức năng tham mưu về chế độ đãi ngộ, chính sách liên quan để hỗ trợ, động viên cán bộ, giáo viên thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường tại cơ sở giáo dục…

Nguồn: [Link nguồn]

Nữ sinh xưng ”mày - tao” với thầy giáo: Chuyên gia giáo dục nói gì?

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam nhận định, do nền tảng giáo dục học sinh chưa tốt, giáo dục kỹ năng sống chưa ngấm với học sinh nên mới xảy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo HÀ ANH ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN