Chuẩn đầu ra đại học: Nhiều trường làm đối phó
"Vừa qua, chúng tôi rà soát và tổng kết, có khoảng 40/600 trường ĐH, CĐ trên toàn quốc đưa ra cơ sở chuẩn đầu ra khi đào tạo chỉ là hình thức, lý thuyết".
Trao đổi với PV, ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ đào tạo Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Hiện nay, chất lượng kiểm định sau đào tạo đại học phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong thời gian vừa qua chúng ta nhấn mạnh đến yếu tố chất lượng đầu vào, tức là công tác tác tuyển sinh mà chưa chú trọng tới công tác kiểm định chất lượng đào tạo đại học, chất lượng đầu ra…”
Theo ông Tuấn, Bộ đã có sự thay đổi công tác quản lý, kiểm định chất lượng đào tạo sau đại học rất quan trọng. Từ quản lý tập trung quá nhiều vào chuyên môn, thì nay chúng ta nghiêng hẳn sang quản lý nhà nước.
Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý tổ chức cá nhân sai phạm, Bộ sẽ cương quyết xử lý để được xã hội đồng tình, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời tiến hành rà soát kiểm tra các hoạt động đào tạo ở các nhà trường các địa phương, các hoạt động đào tạo ngoài cơ sở đào tạo, liên kết đào tạo.
Ông Bùi Anh Tuấn: Sắp tới chuẩn đầu ra đại học sẽ được kiểm tra khắt khe hơn
Bên cạnh đó, Bộ cũng cương quyết dừng tuyển sinh, thu hồi với những ngành đào tạo không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo về đội ngũ giảng viên hoặc cơ sở vật chất phục vụ đào tạo.
“Các trường đại học hiện nay đã được tự chủ hoàn toàn về mọi mặt, ví dụ như tự chủ trong tuyển sinh, tự chủ trong đào tạo, tổ chức, xây dựng và ban hành chương trình… nhiều vấn đề khác nữa. Ngoài ra, Bộ sẽ xây dựng hệ thống văn bản thanh tra, kiểm tra vấn đề chất lượng đào tạo, trong đó có đưa ra vấn đề chuẩn về chương trình, chuẩn về nhà trường…để các cơ sở đào tạo dựa vào xây dựng.” – Ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, bất kể trường nào cũng phải sẽ công khai chuẩn đầu ra khi đã tổ chức thi riêng để cơ quan chức năng, xã hội kiểm định chất lượng. Việc công khai chuẩn đầu ra nó phải đáp ứng được yêu cầu của thực tế, sau này khi ra trường, tỷ lệ sinh viên xin được việc, đi làm, cao.
Việc công bố chuẩn đầu ra sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước, dư luận xã hội, phụ huynh học sinh giám sát… Như vậy, việc giám sát chất lượng đầu ra không chỉ có cơ quan nhà nước mà cả dư luận xã hội, người học tại trường đó. Đây là một quan điểm mới giám sát chất lượng đào tạo trong các nhà trường hiện nay.
Hiện nay, về nguyên tắc các trường phải công bố việc chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, năm 2013, qua kiểm tra Bộ thấy một một số trường đã làm tốt công tác chuẩn đầu ra, nhiều trường đang xây dựng quy tắc chuẩn đầu ra đúng định tính, định lượng, có tính khoa học đúng thực tiễn... Nhưng cũng có nhiều trường xây dựng chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo chỉ là hình thức, đối phó với cơ quan chức năng.
"Vừa qua, chúng tôi rà soát và tổng kết, có khoảng 40/600 trường ĐH, CĐ trên toàn quốc đưa ra cơ sở chuẩn đầu ra khi đào tạo chỉ là hình thức, lý thuyết. Bên cạnh đó, nhiều trường còn lúng túng trong việc xây dựng quy tắc chuẩn đầu ra.
Hiện nay nhiều cơ sở đào tạo đại học chỉ quan tâm đến chất lượng đầu vào
Vì vậy, trong thời gian tới Bộ sẽ yêu cầu các trường ĐH xây dựng chuẩn đầu ra phải gắn liền với thực tế, chuyên môn đào tạo, nhu cầu việc làm… và phải có trách nhiệm công bố công khai để cho dư luận xã hội, người học biết. Ngoài ra, việc công bố chuẩn đầu ra còn gắn liền với quá trình đào tạo, uy tín, thương hiệu của nhà trường" - Ông Tuấn nhấn mạnh.
Như trước đây, Bộ đưa ra chương trình chuẩn đào tạo tại các cơ sở ĐH tới 80%, còn các trường chỉ xây dựng 20% chương trình chuẩn đào tạo. Nhưng thời gian tới, các trường sẽ phải tự xây dựng chuẩn chương trình đào tạo tới 100%.
Theo ông Tuấn, Bộ cũng đã triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng theo QĐ 327 của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch ngành nghề đào tạo, cảnh báo cho xã hội nhu cầu về sử dụng lao động để người học, phụ huynh biết có những định hướng đúng. Thành lập được hai tổ chức kiểm định giáo dục trực thuộc hai Đại học quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để triển khai hoạt động kiểm định trong thời gian tới.