“Chú nuôi dạy trẻ”

Lạ tai nhưng đó là sự thật. Các chú nuôi dạy trẻ làm công việc của các cô một cách đầy say mê cần mẫn, chăm từng bữa ăn giấc ngủ cho các cháu mẫu giáo.

Hiện trong 48 chú nuôi dạy trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Hữu Toàn - giáo viên lớp lá ở Trường Mầm non Bé Ngoan số 108 đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, TPHCM - là người trẻ nhất, có kỹ năng chăm sóc trẻ thơ mà nhiều cô còn phải... chạy dài chưa theo kịp.

Thầy giáo “ba trong một”

Từ cổng Trường Mầm non Bé Ngoan số 108 đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, TPHCM khi hỏi về thầy giáo Nguyễn Hữu Toàn, một phụ huynh học sinh đã nhanh nhảu giới thiệu tường tận khiến tôi ngạc nhiên:  “Ồ, thầy Toàn à, thầy dạy trên lầu 1. Thầy là người “ba trong một” đấy”. Thấy tôi ngạc nhiên, chị phụ huynh giải thích: “Ba trong một” vì thầy Toàn vừa là giáo viên, vừa làm bảo mẫu, vừa là người anh công bình thân thiết của nhiều trẻ. Con tui cũng học thầy Toàn, thầy là người duy nhất dạy trẻ ở Q.1 này đấy”.

Nói chuyện thêm với vài người tôi được biết, ở Trường Mẫu giáo Bé Ngoan, thầy Toàn  là một tấm gương mẫu mực tận tụy với học trò, có trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm và đạo đức nghề nghiệp. Đồng nghiệp gọi Toàn là “thầy giáo ba trong một”, các em học sinh gọi là “ba Toàn”, còn phụ huynh gọi là “thầy giáo đặc biệt”.

Một ngày làm việc của “chú nuôi dạy trẻ” Toàn bắt đầu từ 6 giờ sáng. Như đã được lập  trình: Thầy Toàn đón trẻ vào lớp, kiểm tra vệ sinh rồi cho các bé tập thể dục. Nhìn thầy hướng dẫn các con xếp đặt giày dép, ba lô quần áo đúng vị trí, giọng nói  nhẹ nhàng ân cần: “Đến giờ thể dục rồi, các con ra xếp hàng nha”, tôi bỗng cũng muốn làm các cô cậu học trò bé nhỏ kia.

Khi các bé đã xếp hàng ngay ngắn, thầy Toàn mở đầu một ngày mới bằng câu chào  thật ấm áp “thầy chào các con”. Ngay lập tức, hơn 30 đứa trẻ khoanh tay trước ngực đồng thanh đáp lại lễ phép “chúng con chào thầy ạ”. “Hôm nay con nào cũng ngoan, khỏe mạnh và sạch sẽ. Thầy chúc các con có một ngày học tập thật tốt, ai cũng ngoan ngoãn nha”.

Sau lời động viên khích lệ các con, thầy Toàn làm hướng dẫn viên tập những động tác mẫu mềm dẻo, linh hoạt. Các bé làm theo thật hứng khởi trong tiếng nhạc rộn ràng “Em yêu trường em, có bao bạn thân và cô giáo hiền, em yêu quê hương, cắp sách tới trường trong muôn vàn yêu thương”.

Sau giờ thể dục, là giờ tập tô. Thầy Toàn ân cần lật từng trang vở tập tô của mỗi bé. Bàn tay Toàn nhẹ nhàng kèm tay bé, đẩy nét bút chì viền theo hình quả bóng, bông hoa. Khắp lớp vang lên những tiếng líu lo nhờ cậy thật đáng yêu. “Thầy ơi giúp con tô con ốc”. “Thầy ơi chì con không ra màu”. “Thầy  ơi con chưa có vở”...

Có nhiều bé thì nghịch, không tô màu mà quay ra trêu chọc bạn. Thầy Toàn dường như có cả mắt sau lưng, thầy mỉm cười, nhanh nhẹn đến từng cô bé, cậu bé đang cần và giúp các con. Nhìn thầy kiên nhẫn mà vẫn nghiêm khắc với các bé, không thể hiện một nét khó chịu hay chán nản dù có nhiều bé trai nghịch ngợm và nhiều bé gái nhõng nhẽo, tôi hỏi: Sao thầy có thể kiên nhẫn với các bé đến thế dù là một người đàn ông? Thầy cười vui: Các bé như  tờ giấy trắng, các bé không làm sai, chỉ có giáo viên hướng dẫn chưa đúng mà thôi.

“Chú nuôi dạy trẻ” - 1

Thầy Toàn chuẩn bị cho một buổi học mới. Ảnh: M.T

Đến giờ ăn mới thấy hết sự kiên nhẫn đến dịu dàng của thầy Toàn. Tay bưng tô, tay cầm thìa, miệng nựng bé gái “con ăn nào, hôm nay con ngoan lắm”. Mỗi lần bé nuốt hết miếng cơm, thầy Toàn lại “ồ, con gái hôm nay ngoan quá”. Quay sang đứa trẻ khác, Toàn khéo léo hơn “hôm nay con phải ăn giỏi hơn các bạn nha”.  Tôi cứ  ngạc nhiên là  sao mà hàng chục đứa bé lại trật tự ngoan ngoãn ăn đến thế. Trong khi ở nhà có khi phải vài người mới có thể cho một bé ăn.

Kết thúc giờ ăn trưa là thời gian các bé ngủ trưa. Thay vì chợp mắt lấy lại sức, thì thầy Toàn lại tranh thủ đi lau nhà, sắp lại giá giày dép bị xô lệch hoặc xem vở tập tô của các con.  Nhìn thầy cặm cụi giữa một bầy trẻ nằm ngủ như trứng gà, trứng vịt mới thấy xúc động trước một vẻ ngoài xù xì của người nam thanh niên trẻ  lại ẩn chứa một tấm lòng bảo mẫu ngọt ngào, dịu dàng đến thế.

"Khó nhất là tắm cho các bé, đặc biệt là bé gái - Toàn thì thào tâm sự, như sợ các con thức giấc - Phải rất cẩn thận để các bé không sợ, không đau. Nói thật với anh, trở ngại lớn nhất của tôi những ngày đầu dạy trẻ là áp lực từ  những việc vốn chỉ hợp với cô giáo, nhất là việc tắm rửa cho các bé gái. Ban đầu vào nghề, tôi không thể cột tóc cho các bé gái, lóng ngóng lắm, khiến nhiều phụ huynh ngại ngần không yên tâm. Còn bây giờ thì tôi có thể thắt bím cho các cháu đẹp chẳng kém gì các cô, bất cứ việc gì các cô làm được là tôi làm được".

Nhìn đôi bàn tay to đùng của người đàn ông “thô ráp” thoăn thoắt khéo léo như một bảo mẫu trên những túm tóc mềm như tơ của các em nhỏ, tôi thấy Toàn đã yêu nghề của mình biết bao. Phải yêu lắm, say mê lắm mới vượt qua được những phân công nghề nghiệp của tạo hóa. 

Hạnh phúc là “đứa giữ em”

Với Toàn, việc chọn nghề nuôi dạy trẻ không phải anh không thể làm được việc nào khác, mà vì yêu thích sự hồn nhiên trong trẻo của các bé. Mười  lăm  năm về trước, khi bằng tuổi các bé bây giờ, Toàn đã được cô giáo tận tình chăm sóc dạy bảo. Lòng nhân ái vị tha của cô giáo ngày ấy, đã thắp sáng trong Toàn  ước mơ làm thầy, để rồi sau 5 năm đèn sách, Toàn vững bước vào trường dạy học với hành trang là tình yêu nghề nghiệp như đã ngấm vào máu thịt, dẫu thấu hiểu rằng dạy học thanh cao nhưng không kém nhọc nhằn gian khó.

Khi tôi hỏi về đồng lương của giáo viên mầm non có đủ sống? Toàn bùi ngùi “Bạn bè mình làm toàn những nghề hái ra tiền như tài chính, ngân hàng, nhưng mình lại thích nghề dạy trẻ. Người xưa có câu “Phong lưu là đứa đi học, khó nhọc là đứa giữ em”, nhưng tôi lại  thích là “đứa giữ em”. Nghề dạy mẫu giáo tuy không kiếm được nhiều tiền, nhưng luôn được tiếp xúc với các em nhỏ nên nhiều niềm vui lắm. Này nhé, có nghề nào mà được nghe những câu chuyện cười vô cùng đáng yêu, được nhìn những đôi mắt trong veo, nắm những bàn tay nhỏ xinh tin cậy.

Ở đây không có sự bon chen, đấu đá, ghen tị mà tràn ngập tình yêu, tiếng cười. Ở đây bình an, trong vắt tình người, tình thương yêu và trách nhiệm của người thầy với các con thơ bé... Càng gắn với các bé, tôi càng hiểu ra  chân lý: Vui nhất là được làm việc mình thích, hạnh phúc nhất là được ở bên những người mình thương yêu. Nghề dạy trẻ là niềm vui của tôi, các bé là những người tôi yêu thương nhất”.

“Chú nuôi dạy trẻ” - 2

Thầy Toàn (bên phải) và tác giả

Hơn 3 năm gắn bó với Trường Mẫu giáo Bé Ngoan, là ngần ấy thời gian Toàn “ba cùng” với các bé. Toàn không nhớ hết đã bao lần khóc cười cùng các bé khi đút cơm, tắm, dạy bé học và tết tóc, thắt nơ cho các con. Song cảm giác ngượng nghịu, tủi thân khi lần đầu đến dạy học các bé quen miệng gọi Toàn là “cô giáo” thì Toàn vẫn nhớ như in.

“Lúc đó mình lúng túng lắm, vừa ngượng, vừa hơi tủi thân. Nhưng sự nhầm lẫn của các bé cũng nhanh chóng qua đi vì các con rất thông minh. Chỉ được dạy một lần là gọi thầy. Nhưng còn sự e ngại của các bậc phụ huynh với “chú giáo” mới là rào cản đáng kể. Lúc đó buồn lắm, muốn bỏ nghề. Nhưng nhìn các bé ríu rít, yêu thương tin cậy mình tôi như có được chiếc “neo” trụ lại với nghề. Tôi đã chăm các bé bằng cả tấm lòng của một người thầy, một người anh và tất cả sức lực, trách nhiệm. Dần dần phụ huynh thấu hiểu, các bé yêu thương... tim tôi như nhân lên niềm vui. Bây giờ tôi yên tâm rồi. Ngôi trường là điểm tựa, các bé là niềm vui để tôi gắn bó với nghề”.

Chiều cuối tuần, TPHCM ngột ngạt hơn bởi người xe tấp nập. Khi biết bao thanh niên khác chuẩn bị cho những chuyến pícníc tận Vũng Tàu hay Nha Trang, với những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, trong căn nhà nhỏ ở quận Nhú Nhuận, Toàn cần mẫn chấm điểm tập vở tô màu của các bé. Anh bảo: “Mong hai ngày nghỉ qua mau để sáng thứ hai sẽ được gặp các con, được bước vào một ngày dạy học mới...”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Mạnh Tuấn (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN