Chàng trai duy nhất trong thôn đỗ CĐ nhưng phải từ bỏ mơ ước tới trường

Vàng A Phô - chàng trai dân tộc La Chí (thôn Cum Pu, xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì – Hà Giang) là người duy nhất trong thôn đỗ cao đẳng, vì lũ trẻ sống trên mảnh đất thâm sơn cùng cốc này chủ yếu chỉ được học hết lớp 7.

Thế nhưng, thật đáng tiếc vì dù đã nỗ lực nhưng A Phô phải chia tay giấc mơ giảng đường để về quê làm nương vì nhà quá nghèo. Em đã đi khắp nơi tìm việc làm thêm mà không được.

Chàng trai duy nhất trong thôn đỗ CĐ nhưng phải từ bỏ mơ ước tới trường - 1

 Vàng A Phô - chàng trai dân tộc La Chí

PV báo Infonet đã có cuộc gặp gỡ và trò chuyện cùng em Vàng A Phô. A Phô cho hay: “Em tìm hiểu trường Cao đẳng Công nghệ Thương mại Hà Nội thì được biết có ngành dịch vụ pháp lý hay nên đành liều nộp hồ sơ qua đường bưu điện.

Rồi may mắn cũng mỉm cười. Ngày em nhận giấy báo trúng tuyển cũng là ngày em hoang mang, lo lắng nhất. Là con cả trong nhà, bố mẹ ngày càng yếu, trong khi cứ muốn đi học thì lấy tiền đâu ra, nhiều lúc cũng thấy mình hơi ích kỷ.

Có lúc nghĩ, hay bỏ học về đi làm nương cùng 2 đứa em để phụ giúp bố mẹ. Bởi vì em biết, kinh tế gia đình mình ở mức nào. Xuống dưới xuôi, nào là tiền học, tiền ăn, tiền nhà trọ...

Sau một hồi suy nghĩ, em quyết định xuống dưới xuôi và tìm việc làm để vừa làm và vừa đi học giống như khi học cấp 3. Trước khi xuống dưới xuôi, bố mẹ chạy vạy vay cho em 3 triệu vì lúc ấy nhà chẳng còn lấy đồng nào. Mình em bắt xe xuống Hà Nội, cái gì cũng mới mẻ và lạ lầm. Cuối cùng, em cũng tìm đến được ngôi trường mà em sẽ theo học.

Em được biết, học phí ở trường mỗi kỳ là 2,5 triệu. Em tạm đóng trước 1 triệu. Rồi em hỏi vào ở cùng với 2 người bạn nữa. Ở Hà Nội tiêu tiền tốn kém khủng khiếp. Đi chợ, nấu nướng và mua vài món đồ dùng cá nhân là hết veo số tiền bố mẹ cho.

Khi theo học được 1 tuần, em cũng có tới vài nơi để xin làm thêm như bê đồ trong nhà hàng, trông xe...Tuy nhiên, mấy nơi gần chỗ em học thì em không xin được. Ở quán ăn thì họ chỉ tuyển con gái, ở quán khác họ có tuyển con trai nhưng lại làm ca chiều từ 15h. Trong khi giờ đó chúng em lại đi học.

Loanh quanh vài nơi xa hơn để tìm việc làm mong có thể trụ lại mảnh đất này suốt quá trình học. Thế nhưng, may mắn chẳng mỉm cười, em không được nhận vào bất cứ nơi nào.

Em gọi điện về nhà và kể tình hình thì bố khuyên em nên từ bỏ và về bản làm nương giống như hai người em của em. Thêm vài ngày đi hết mấy quán tuyển người mà không được em quyết định xách quần áo quay về bản luôn.

Thực ra, em cũng xin bố hãy vay ngân hàng để em được đi học tiếp. Tuy nhiên, nghe mọi người nói, mỗi sinh viên chỉ được vay 20 triệu mà số tiền ấy cũng không đủ cho suốt quá trình em học. Rồi lại nghĩ, sẽ làm bố mẹ khổ thêm vì gánh một khoản nợ. Không muốn làm bố mẹ khổ thêm nên em quyết định nghỉ học”.

A Phô cũng tâm sự thêm: “Nhà em có 3 anh chị em. Chỉ mình em được đi học còn 2 em ruột thì học hết lớp 9 rồi ở nhà làm ruộng. Còn nhớ, hồi đứa em út học xong lớp 9, nó xin bố mẹ cho đi học nhưng không được. Nó đã khóc cả đêm nhưng cuối cùng cũng đành nghỉ vì nhà khó khăn quá.

Chàng trai duy nhất trong thôn đỗ CĐ nhưng phải từ bỏ mơ ước tới trường - 2

  Nhà của A Phô

Cách đây 3 năm, bố em bị ngã rồi từ ấy yếu dần. Chi phí sinh hoạt của cả gia đình chủ yếu sống dựa vào mẹ. Quanh năm chỉ bán thóc mà lấy tiền sinh hoạt, tất cả mọi thứ quy ra thóc. Mỗi mùa nhà em gieo 30kg giống. Ruộng ở trên bản em mỗi chỗ một ít, có chỗ xa tận 5 - 6km, đi lại chăm nom cũng vất vả.

Cả thôn em cũng chỉ có anh trưởng thôn và em là học hết lớp 12. Những nghĩ lại, học hết lớp 12 rồi lại về làm nương thì có khác gì học lớp 9.

Hồi cấp 3, em học trường huyện Bắc Quang năm nào cũng là học sinh giỏi. Thi thoảng, em còn tranh thủ đi làm thuê kiếm tiền. Mùa cam em đi phun thuốc thuê, rồi đi phát cỏ. Còn bình thường thì em đi làm giúp các chú nông dân, ai thuê gì em làm nấy.

Chàng trai duy nhất trong thôn đỗ CĐ nhưng phải từ bỏ mơ ước tới trường - 3

  A Phô được rất nhiều giấy khen trong suốt quá trình em đi học

Cho tới bây giờ em vẫn thích được đi học, có một ngành nghề để cuộc sống sau này bớt khổ. Có lẽ, thời gian tới em sẽ đi làm thuê ở đâu đó, khi có một khoản tiền sẽ tiếp tục tới trường”.

Liên quan đến sự việc, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng anh Nông Đức Phương - trưởng thôn Cum Pu xã Bản Phùng (huyện Hoàng Su Phì – Hà Giang). Anh Phương cho biết: “Cả thôn Cum Pu hiện nay có 6 hộ gia đình, hầu hết mọi người đều thuộc dân tộc La Chí.

Người dân chủ yếu là cấy ruộng và chăn nuôi gia súc, cả thôn chỉ có mình Vàng A Phô học hết lớp 12 và đỗ cao đẳng nhưng tiếc là không có điều kiện đi học tiếp. 

Hầu hết, trẻ con trong thôn chỉ học hết lớp 7. Tôi mong Nhà nước hãy tạo điều kiện hơn nữa cho con em dân tộc vùng sâu vùng xa, để các em có điều kiện được đến trường”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Thanh (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN