Bộ Y tế bác tin “muốn thành bác sĩ chỉ học 4 năm”
Những người muốn làm bác sĩ bắt buộc phải có thời gian đào tạo tối thiểu 6 năm + 1 năm thực hành nghề nghiệp và thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề.
Phòng thực hành điều dưỡng của một cơ sở đào tạo y khoa.
Vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa thông tin, thời gian đào tạo đại học hệ chính quy tại các trường ĐH Y sẽ rút xuống còn 4 năm, kể cả đối với ngành y đa khoa và y học dự phòng (hiện đào tạo 6 năm).
Trước thông tin này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế.
Thưa ông, thông tin “Bộ Y tế sẽ rút ngắn thời gian đào tạo đại học hệ chính quy tại các trường ĐH Y sẽ thống nhất rút xuống còn 4 năm, kể cả đối với ngành y đa khoa và y học dự phòng” (hiện đào tạo 6 năm)” có đúng không?
Tôi khẳng định, thời gian đào tạo y khoa xuống còn 4 năm là chưa chính xác. Đây chỉ là sắp xếp lại theo 3 giai đoạn, còn muốn trở thành bác sĩ bắt buộc phải có thời gian đào tạo tối thiểu 6 năm + 1 năm thực hành nghề nghiệp và thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề.
Đối với chương trình đào tạo 4 năm, sau khi tốt nghiệp được gọi là Cử nhân Y khoa, những người này nếu không muốn học tiếp (chúng tôi dự báo chỉ có một tỷ lệ thấp) có thể tham gia thị trường lao động ở các vị trí không đòi hỏi kiến thức chuyên ngành sâu như: Thư ký y khoa, làm các công việc hành chính tại các cơ sở y tế, cơ quan hành chính, cơ quan quản lý, ...
Những người muốn học tiếp (chúng tôi xác định sẽ là đại đa số) ở trình độ cao hơn để nghiên cứu hoặc hành nghề y khoa buộc phải học tiếp.
Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế.
Cơ sở nào khiến Bộ Y tế đề xuất thay đổi hình thức đào tạo?
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy mô hình đào tạo y khoa tại Việt Nam đã bộc lộ một số vấn đề bất cập, chưa thực sự hội nhập với xu hướng quốc tế. Chính vì vậy,Bộ Y tế đã đề xuất đổi mới mô hình đào tạo y khoa của Việt Nam.
Mục đích của đổi mới trong đào tạo y khoa sẽ được xây dựng sao cho phù hợp và hài hòa chung trong hệ thống giáo dục Việt Nam; Đảm bảo tính đặc thù trong đào tạo y khoa (hướng nghiên cứu và hướng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh); Có sự kế thừa mô hình đào tạo đang áp dụng, không gây xáo trộn về cơ cấu nhân lực trong hệ thống y tế.
Ngoài ra, đảm bảo công bằng, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy tối đa năng lực làm việc và quyền lợi cho người cán bộ y tế khi tham gia thị trường lao động, đảm bảo tính hội nhập quốc tế, dễ dàng tham chiếu khi công nhận lẫn nhau về văn bằng và trình độ đào tạo và thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề…
Vậy, Bộ Y tế sẽ bổ sung những yêu cầu gì trong đào tạo y khoa để siết chất lượng khám chữa bệnh, thưa ông?
Những người sau khi học 4 năm, có bằng cử nhân muốn khám chữa bệnh phải đi học nâng cao: Nếu đi theo hướng hành nghề (dự báo khoảng > 95%): học chương trình y khoa khoảng 2 năm, tốt nghiệp được gọi là Bác sĩ Y khoa, những người này phải trải qua thời gian thực hành nghề nghiệp khoảng 1 năm và trải qua kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề với vai trò Bác sĩ Đa khoa.
Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ bổ sung quy định về kỳ thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề nếu đi theo hướng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Những người có bằng thạc sĩ Y học hay tiến sĩ Y học nếu muốn hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc phải học thêm chương trình bác sĩ Y khoa và bác sĩ Chuyên khoa và phải thi chứng chỉ hành nghề.Do đó, chất lượng khám chữa bệnh sẽ siết chặt hơn nhiều so với trước, người bệnh sẽ hưởng lợi.
Nếu Đề án Đổi mới đào tạo y khoa được phê duyệt, dự kiến đến thời điểm nào sẽ được áp dụng, thưa ông?
Nếu được phê duyệt, dự kiến đến năm 2020 sẽ áp dụng.
Xin chân thành cảm ơn ông!