Bao giờ Đại học Việt Nam lọt top 100 thế giới?

Sự kiện: Giáo dục

Hai Đại học quốc gia vừa lọt top 1.000 trường Đại học (ĐH) quốc tế do tổ chức giáo dục QS (Quacquarelli Symonds) đánh giá. Đây là tin vui đối với giáo dục ĐH Việt Nam nhưng so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn còn ở khoảng cách khá xa. Theo GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, phải thời gian lâu nữa Việt Nam mới có trường ĐH lọt top 100 thế giới, vì cả đào tạo và nghiên cứu tại các trường đều yếu.

Bao giờ Đại học Việt Nam lọt top 100 thế giới? - 1

Theo công bố của tổ chức giáo dục QS, năm 2018, có 60 ĐH lần đầu lọt top 1.000 thế giới. Trong đó ĐHQG TPHCM thuộc nhóm 701-750 và ĐHQGHN thuộc nhóm 801-1000.

Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực thì vị trí của hai ĐHQG Việt Nam còn ở khoảng cách khá xa. Singapore có 2 trường thuộc top 15 của thế giới là ĐH Công nghệ Nangyang, ĐH Quốc gia Singapore. Đây cũng là hai trường ĐH của châu Á lọt top này. 4 trường ĐH của Philippines đã lọt vào bảng xếp hạng này nhiều năm nay với thứ hạng cao hơn Việt Nam. Indonesia cũng có trường ở vị trí 277 của bảng xếp hạng.  Thái Lan 8 trường  thuộc top 1.000 nhưng đều ở vị trí cao. Malaysia 7 trường với thứ hạng cao, trong đó có 2 trường thuộc top 250.  Brunei có 2 trường thuộc top 500.

Cũng theo QS,   hiện Việt Nam có 6 trường ĐH  lọt vào tốp 400 ĐH châu Á. Đó là: ĐHQG HN, ĐHQG TPHCM, Đại học Cần Thơ, Đại học Huế, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Đà Nẵng.

Đánh giá về vấn đề này, GS. Nguyễn Lộc, trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng Việt Nam có hai ĐH quốc gia lọt top 1.000 thế giới là điều đáng mừng. Vì suốt một thời gian dài, các trường ĐH tốt nhất của Việt Nam đều đứng ở top dưới 1.000.

Tuy nhiên, theo GS. Nguyễn Lộc, vị trí của 2 ĐH quốc gia chưa cao cũng là điều dễ hiểu vì chất lượng của giáo dục ĐH Việt Nam còn thấp so với tiêu chuẩn của tổ chức xếp hạng như nghiên cứu, quốc tế hóa giáo dục.

GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng để vào top 100 thế giới  thì ĐH Việt Nam còn lâu mới đạt được. Thậm chí 200 cũng khó. Vì chất lượng thấp.

Giáo sư “ngồi” ở đâu theo Luật?

Theo GS. Lâm Quang Thiệp, muốn vào được top cao thì phải làm sao để trường ĐH có chất lượng. “Muốn có chất lượng cần nhiều yếu tố. Trong đó có đào tạo và nghiên cứu. Các trường ĐH trên thế giới chú ý nhiều đến nghiên cứu. Ở Việt Nam, chất lượng đào tạo và nghiên cứu của các trường ĐH đều thấp” – GS. Lâm Quang Thiệp nói.

Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung, Bộ GD&ĐT  có cố gắng cải tiến vấn đề tự chủ. Nhưng GS. Lâm Quang Thiệp cho hay  Luật chỉ là một phần, còn nhiều thứ khác “co kéo”. Ví dụ như muốn tự chủ phải thoát khỏi cơ chế Bộ chủ quản. Tức là phải thoát khỏi ràng buộc về tài chính và tổ chức. Nhưng các luật liên quan lại không điều chỉnh theo, nên rất khó cho thực hiện. Do đó, phải điều chỉnh, sửa đổi các Luật, văn bản pháp quy khác cho phù hợp. Vấn đề này cần quá trình dài dài. “Nhưng tôi phải nói, muốn các trường ĐH có chất lượng thì phải có tự chủ. Kèm theo tự chủ là tự do học thuật. Ở Việt Nam cái này còn yếu” – GS. Lâm Quang Thiệp cho hay. 

Đồng quan điểm này, PGS. Nguyễn Đức Hinh, hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội cho rằng tự chủ là một thuộc tính của ĐH.  Tuy nhiên, dù Chính phủ đã có Nghị quyết 77 để thí điểm tự chủ cho các trường ĐH nhưng các luật, văn bản kèm theo vẫn không thay đổi. Ví dụ như Luật đầu tư, Luật công chức, viên chức… Điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện tự chủ của các trường ĐH.

PGS. Hinh cũng khẳng định, trụ cột chính của tự chủ chính là tự do học thuật, chuyên môn. Những yếu tố còn lại chỉ đi theo. Phải  để cho những người làm chuyên môn được quyết định chính chuyên môn của mình.

GS. Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội nêu thực trạng và đặt câu hỏi, tình trạng “học giả - bằng thật” làm thế nào để dẹp được ? Hai Luật về giáo dục có làm được điều này không? Bằng cấp quá nhiều nhưng đất nước kém phát triển. “Chúng ta phải siết được đầu ra của ĐH. Còn đầu vào không cần siết như hiện nay. Tôi cho rằng, trong hai Luật này, những điều nào của nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp phải được loại bỏ luôn” – GS. Dung nói.

Góp ý đối với dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục ĐH, GS. Nguyễn Đăng Dung  khẳng định không nhìn thấy  vai trò vị trí của giáo sư.   “Giáo sư có thể xem là “máy cái” của ĐH. “Máy cái”  không nói rõ được thì sao “máy con” ra nghề? Luật phải  ưu tiên cho các giáo sư làm việc. Đó chính là tự do học thuật. Trong Luật, tôi nhận thấy chưa có tự do học thuật” – GS. Đăng Dung cho hay. GS. Đăng Dung cũng nhấn mạnh ĐH phải nghiên cứu. GS phải làm hai nhiệm vụ là giảng dạy và nghiên cứu. Trong khi đó, thực trạng của Việt Nam, các viện nghiên cứu đều nằm ngoài trường ĐH, nên giáo sư giảng dạy không nghiên cứu (ở ĐH), giáo sư nghiên cứu không giảng dạy (ở các Viện). Bất cập này,  Luật phải giải quyết.

Lần đầu tiên 2 ĐHQG lọt vào bảng xếp hạng 1.000 ĐH hàng đầu thế giới

Lần đầu tiên, Việt Nam có hai đại học xuất hiện trong bảng xếp hạng này là ĐHQG TP HCM đứng vào nhóm 701 -750 và ĐHQG...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN