4 điều tưởng như vô hại của cha mẹ tác động cực xấu tới con
Nhiều lời khuyên cha mẹ đưa ra với mong muốn mang lại những điều tốt nhất cho con nhưng không hề mang lại tác dụng như phụ huynh mong muốn, thậm chí là ngược lại.
1. Cố gắng hết mức để có tương lai tốt đẹp
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, khi chúng ta quá lo lắng về một điều gì đó, vô hình chung sẽ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực như giận dữ, mệt mỏi và căng thẳng. Khi tâm trí trẻ phải liên tục cố gắng để tập trung vào tương lai - từ việc nhận được điểm tốt tại lớp cho đến những áp lực để có thành tích cao hơn nữa… con ngày càng trở lên lo lắng và căng thẳng hơn. Và khi lo lắng đóng vai trò động lực thúc đẩy, căng thẳng sẽ trở thành mãn tính lâu dài và sẽ làm suy yếu sức khoẻ cũng như trí tuệ của bé, chẳng hạn sẽ làm giảm sự chú ý và trí nhớ. Do đó,phụ huynh cần cân nhắc khi thường xuyên ép con phải tập trung quá cao độ vào việc tìm kiếm thành tích, điểm cao, ngược lại có thể làm giảm hiệu suất học tập.
Trẻ em sẽ học tốt hơn và cảm thấy hạnh phúc hơn nếu chúng được thoải mái về tinh thần. Và khi bé cảm thấy hạnh phúc, chúng có thể học nhanh hơn, suy nghĩ sáng tạo và giải quyết vấn đề dễ dàng hơn. Các nghiên cứu cho thấy hạnh phúc làm cho bạn có năng suất cao hơn tới 12%. Cảm xúc tích cực cũng khiến con bớt căng thẳng hơn, đồng thời giúp các bé vượt qua những thách thức và thất bại nhanh hơn để nhanh chóng quay trở lại đúng hướng. Điều này chắc chắn tốt khi trẻ tập trung vào các mục tiêu hiện tại đang có.
2. Liên tục thúc đẩy trẻ phải vượt qua căng thẳng
Các bậc phụ huynh thường khuyên gì khi bắt gặp con em mình tỏ ra hồi hộp sau những kỳ thi, cuộc đua? ”Căng thẳng là điều không tránh khỏi, con hãy cố gắng vượt qua.”
Trong khi đó điều chúng ta cần nói với trẻ nhất lúc này chính là “Quên điểm số đi, con hãy thư giãn và giải trí cho đỡ lo lắng”. Cảm xúc lo lắng và căng thẳng về điểm số cùng với áp lực phải làm tốt hơn ở trường đôi khi khiến chúng không thể vượt qua được. Thậm chí đã có những vụ tự tử đáng tiếc đã xảy ra, đặc biệt ở các trường học luôn đòi hỏi thành tích cao.
Với người lớn khi căng thẳng, chúng ta có thể sử dụng một số chất như caffein, rượu, thuốc ngủ hoặc đi ra ngoài với bạn bè để tự cân bằng và điều chỉnh lại tâm trạng. Nhưng trẻ em không giống như chúng ta, chúng lại chịu thêm áp lực không được giải tỏa stress, vậy thì phải làm sao để giúp trẻ cân bằng? Thay vì bắt con phải cố gắng vượt qua lo lắng, hãy dạy bé những kỹ năng cần thiết để kiên cường hơn khi đối mặt với những sự kiện căng thẳng. Hãy cho con được thoát khỏi stress bằng cách bỏ qua điểm số, ganh đua để giải trí theo cách chúng muốn, được hít thở không khí thiên nhiên hoặc học yoga. Những điều này sẽ giúp hệ thần kinh của trẻ được "nghỉ ngơi và tiêu hóa" thay vì tiếp tục “chiến đấu”.
3. Luôn nhắc trẻ: Học đi con
Đôi khi các bậc phụ huynh nên cho con được chơi và không phải làm gì cả. Trẻ nên được thường xuyên tham gia các hoạt động ngoại khóa và đi chơi ngoài trời, thay vì ngồi gò bó trong nhà và…học. Không có gì khiến trẻ hạnh phúc hơn khi được phấn khích, vui vẻ, tìm ra những trải nghiệm mới và được đốt cháy năng lượng sau mỗi giờ học hoặc vào cuối tuần.
Bên cạnh đó các nghiên cứu cho thấy bộ não của chúng ta có nhiều khả năng xuất hiện những ý tưởng tuyệt vời hơn khi chúng ta không tập trung vào việc học mà chính là khi chúng ta đang thư giãn hoặc đang vui chơi ngoài thiên nhiên. Vì vậy, thay vì lập lịch trình một thời khóa biểu kín mít các giờ học cho con, chúng ta nên giành nhiều hơn nữa thời gian cho trẻ chơi, hòa mình vào thiên nhiên và động vật.
4. Thường bắt trẻ phát huy thế mạnh và giành chiến thắng
Trong khi đó các chuyên gia lại khuyên: Hãy cho trẻ mắc sai lầm và học cách thất bại. Cha mẹ có khuynh hướng xác định con mình bằng những điểm mạnh và thường thích khoe khoang các thành tích của chúng. Nhiều phụ huynh cảm thấy thật hãnh diện khi giới thiệu con là "một thần đồng toán học", một "nhà hùng biện", hay "một nghệ sĩ". Nhưng nghiên cứu của Carol Dweck tại Đại học Stanford cho thấy rằng suy nghĩ này thực sự làm cho con “dậm chân tại chỗ”, và làm cho chúng ít có khả năng muốn thử những điều mới mà có thể không giỏi.
Ví dụ: Khi một đứa trẻ được khen ngợi giỏi về thể thao, bé sẽ muốn bỏ qua sở trường của mình và thử tham gia câu lạc bộ kịch hay cờ vua... Ngoài ra thường xuyên được cha mẹ ca ngợi và nhấn mạnh đến ưu điểm sẽ khiến con cảm thấy lo lắng hơn, có áp lực và sẽ chán nản khi phải đối mặt với thất bại hoặc thách thức.
Não của chúng ta được lập trình để học những điều mới. Và càng tốt khi chúng ta có thể đối mặt, tiếp thu và học hỏi từ những sai lầm từ khi còn trẻ. Thay vào đó, hãy xác định những điểm mạnh của con, dạy trẻ biết rằng bé thực sự có thể học bất cứ điều gì, miễn là chúng cố gắng, hãy cho con biết bé có thể thất bại, sai lầm…Theo nghiên cứu của Dweck, tác giả những cuốn sách dành cho trẻ em, sau những bài học thất bại, trẻ sẽ lạc quan hơn và thậm chí còn nhiệt tình hơn khi đối mặt với những thách thức và biết rằng mình cần làm gì để cải thiện tình hình.