"Lính cứu hỏa" Xuân Phúc: Chúng tôi phải diễn trong tình trạng không đủ oxy để thở

"Tôi từng đóng nhiều phim hành động nhưng đây là lần đầu mệt đến độ vượt quá sức tưởng tượng", diễn viên bày tỏ.

Bộ phim Đi về phía lửa có chủ đề về lính cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Tác phẩm "lột trần" những góc khuất về đời sống, tâm tư của những người làm công việc được cho là nguy hiểm nhất thế giới này. 

"Lính cứu hỏa" Xuân Phúc: Chúng tôi phải diễn trong tình trạng không đủ oxy để thở - 1

Các thành viên đội phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trong phim.

Trong phim, diễn viên Xuân Phúc vào vai Toàn Thắng - tổ trưởng đội phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Anh là người hiền lành, ấm áp với vợ con, đồng đội, tính tình cởi mở, hòa đồng nên được mọi người xung quanh vô cùng quý mến. Vì vợ đang có bầu, kinh tế khó khăn khiến Toàn Thắng kiệt sức, luôn trăn trở khi phải lựa chọn giữa sự nghiệp hay gia đình.

Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là một vai diễn mang lại cho anh nhiều cảm xúc, thậm chí trải nghiệm "vượt quá sức tưởng tượng". Sau Đấu trí, Làng trong phố, anh có thêm nhiều kinh nghiệm trong quá trình làm nghề: "Tôi thật sự rất vui và bất ngờ khi mình được tham gia một dự án vô cùng đặc biệt như vậy".

Xuân Phúc mặc trang phục đầy đủ thiết bị như một người lính cứu hỏa thực thụ.

Rất khó khăn nếu phải lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình như người lính cứu hỏa

- Hóa thân thành một chiến sĩ phòng cháy chữa cháy là trải nghiệm thế nào đối với anh?

Lần đầu tiên kể từ khi bước chân vào nghề tới giờ, tôi có cơ hội được thể hiện một vai diễn về chiến sĩ phòng cháy chữa cháy. Đây là một trải nghiệm thú vị, giúp tôi học hỏi được nhiều điều, cũng như hiểu hơn về sự vất vả, khó khăn của lực lượng Cảnh sát khi làm nhiệm vụ cứu hỏa, cứu nạn, cứu hộ. Nhân vật Toàn Thắng cũng có hoàn cảnh tương đồng với tôi, một anh chàng đã có vợ con và phải đấu tranh tâm lý khi lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình. Toàn Thắng rất yêu nghề nhưng vợ con của anh lúc nào cũng sống trong lo sợ và không muốn anh làm công việc nguy hiểm này. Đó là quyết định rất khó khăn. 

- Đó là nhân vật trong phim, vậy Xuân Phúc thì sao? Anh sẽ có lựa chọn thế nào giữa công việc và gia đình?

Nếu là tôi, tôi cũng không biết mình phải làm thế nào. Vì diễn xuất là sự nghiệp mà tôi xác định sẽ theo đuổi đến hơi thở cuối cùng. Thực sự rất khó khăn nếu tôi rơi vào tình cảnh phải bắt buộc lựa chọn giữa một trong hai gia đình hay sự nghiệp. May mắn, vợ tôi hiểu và cảm thông cho công việc của tôi.

VIDEO: Một cảnh cứu hỏa trong "Đi về phía lửa".

- Mạng xã hội từng nhiều lần dậy sóng tranh cãi lớn vì những phân cảnh gây hiểu lầm sai lệch về nghề trong một số bộ phim. Anh có sợ bị khán giả phản ứng như vậy? Anh có theo học 1 khóa huấn luyện trước khi đóng?

Đó là điều chắc chắn khi mình nhận một vai diễn đặc thù về nghề nghiệp. Chúng tôi đã tham gia khóa huấn luyện 3 tuần tại Đội Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn PC07, thành phố Đà Nẵng. Theo đó, các diễn viên được hướng dẫn các kỹ năng cơ bản về nghiệp vụ, kiến thức, tác phong khi làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó là các bài huấn luyện thể lực, diễn tập đội hình cứu người lúc ra hiện trường... Chúng tôi bắt buộc đều phải biết và học kỹ. Để khi xem phim, khán giả sẽ cảm thấy chân thực giống như đang xem một buổi cứu hộ thực sự mà không phải là chúng tôi đang minh họa (cười). Khán giả bây giờ rất kỹ tính và tinh ý khi xem phim. Nếu mình làm qua loa, chắc chắn họ sẽ không ủng hộ, thậm chí là tẩy chay tác phẩm.

Các bạn xem sẽ thấy không khí không khác gì một bộ phim chiến tranh, nhiều khói lửa cũng đầy ắp sự vất vả, hi sinh của người chiến sĩ làm nhiệm vụ. Chúng tôi phải mặc quần áo chuyên dụng có giá 5.000 Euro/bộ, nặng 5 tới 7 kg, gồm mũ, ủng, găng tay, khẩu trang chữa cháy, mặt nạ phòng độc. Ngoài ra, còn có bình oxy nặng hơn 30 kg. Các bạn có thể tưởng tượng, chỉ một cảnh diễn đơn giản là di chuyển, bế nạn nhân chạy khỏi đám cháy với khối lượng đó rất khó chịu. Nhưng bình oxy đó chỉ sử dụng được trong 30 phút là phải sạc. Có những lúc sạc không kịp, để đúng tiến độ, chúng tôi bắt buộc phải diễn tiếp trong tình trạng không đủ oxy để thở. Xong cảnh đó, ai nấy đều bơ phờ, gục ngã vì đuối. Bộ đồ nặng, ủng ngập nước, vậy mới biết những chiến sĩ phòng cháy chữa cháy ngoài đời đã phải vất vả và đối diện nguy hiểm thế nào. 

Tôi cũng từng đóng nhiều phim hành động nhưng đây thực sự là bộ phim đem đến nhiều trải nghiệm khó khăn nhất, cũng là lần đầu tiên đi làm phim mà mệt đến độ vượt quá sức tưởng tượng.

- Anh có sử dụng diễn viên đóng thế?

Tất nhiên sẽ có cascadeur đồng hành với chúng tôi trong những cảnh nguy hiểm, như rơi từ tầng 9, tầng 10 xuống đất. Họ phụ trách các góc quay trung và toàn cảnh. Còn những cảnh đặc tả và quay cận sẽ là phần của chúng tôi. Thực ra, chúng tôi vẫn tự mình thực hiện các cảnh đối diện với ngọn lửa thật để truyền tải cảm xúc chân thực nhất đến khán giả. Vì nếu mình chỉ minh họa, đóng với lửa giả sẽ không khắc họa được công việc của người lính cứu hỏa ngoài đời. Chỉ phân cảnh nào quá mức nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro, chúng tôi mới nhờ đến sự trợ giúp của các bạn cascadeur để đảm bảo an toàn tính mạng cho mình.

Trong phim, có một cảnh xe hơi bị lật trên đèo, sau đó lửa bùng lên. Tôi ngồi ở đuôi xe, phải diễn cảnh phá cửa để cứu vợ con mình ra, lửa rất lớn, cảm giác như ngồi trong lò hỏa thiêu. Ngày hôm đó không biết tôi đã hít bao nhiêu khói. Tôi bị sặc khói chảy nước mắt, nằm vật ra đất. Tôi tự thực hiện vì đây là một trường đoạn dài, ghi lại cao trào cảm xúc của người đàn ông trước hiểm cảnh. 

"Lính cứu hỏa" Xuân Phúc: Chúng tôi phải diễn trong tình trạng không đủ oxy để thở - 5

Các diễn viên có nhiều cảnh diễn thật với ngọn lửa.

"Lính cứu hỏa" Xuân Phúc: Chúng tôi phải diễn trong tình trạng không đủ oxy để thở - 6

Xuân Phúc sau 1 cảnh quay cứu hỏa.

Tôi giấu, không kể cho vợ nghe về các cảnh quay nguy hiểm

- Xuân Phúc có bị chấn thương hay gặp sự cố trong quá trình quay hình?

Chúng tôi đều có gặp chấn thương nhưng ở mức độ nhẹ, như trật tay, chân các kiểu. Cũng may không có ai bị bỏng lửa. Ngoài ra, luôn có xe cứu thương và các chiến sĩ cứu hỏa thực sự túc trực tại hiện trường để hỗ trợ cho đoàn phim.

- Vợ anh có ra trường quay xem anh diễn?

Không, vợ tôi ở nhà trông con. Tôi cũng không muốn để cô ấy nhìn thấy mình đóng những cảnh nguy hiểm như vậy. Thậm chí, có những cảnh tôi giấu, không kể với vợ. Bởi vì tôi sợ cô ấy xót và suy nghĩ nhiều.

- Anh nhận được lời mời tham gia vai diễn hay tham gia casting?

Tôi trực tiếp tham gia thử vai. Khi biết được thông tin, tôi đã chủ động liên hệ nhà sản xuất để lên casting. Có thể nói, tôi đã làm mọi giá để được tham gia dự án này. Vì ở Việt Nam chưa có bộ phim nào làm sâu về nghề nghiệp cứu hỏa cứu hộ, các vụ giải cứu hiện trường tai nạn... Trước đó, tôi biết có phim "Lửa ấm" nhưng tác phẩm này khai thác về tình cảm tâm lý, cuộc sống thường nhật của người lính cứu hỏa là chủ yếu, còn nghề nghiệp chỉ là yếu tố bên lề. Trong khi "Đi về phía lửa" đi sâu về mọi mặt. Khán giả sẽ thấy được các chiến sĩ khi ở nhà khác với lúc làm nhiệm vụ ra sao, đầy đủ tất cả cung bậc cảm xúc. Họ không thể biết rằng cuộc sống lúc nào sẽ bình yên và lúc nào điều xấu sẽ ập đến. Những đóng góp của họ đối với xã hội không thể kể hết được.

Cảm ơn Xuân Phúc đã chia sẻ!

Nguồn: [Link nguồn]

Đại úy Phong đang là nhân vật thu hút nhiều sự chú ý trong bộ phim hot nhất VTV hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vi Đinh ([Tên nguồn])
Bên trong Showbiz Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN