Ca từ dễ dãi, vô bổ đang rẻ rúng âm nhạc Việt
Các ca khúc ngày càng có nhiều ca từ dễ dãi, thậm chí vô nghĩa, nhưng chúng lại trở nên phổ biến và “làm mưa làm gió” trên thị trường âm nhạc.
Ca từ vô bổ, tầm thường
Những ngày qua, bài hát Mình thích thì mình yêu thôi do ca sĩ Hồ Ngọc Hà và Noo Phước Thịnh thể hiện trong liveshow kỷ niệm 8 năm ca hát của Noo, biểu diễn trong chương trình Bước nhảy ngàn cân đã gây ra nhiều tranh cãi.
Ca khúc do nhạc sĩ Dương Khắc Linh phổ nhạc, Hà Hồ viết lời dựa trên trào lưu “Mình thích thì mình làm thôi” của giới trẻ. Và câu nói này, cũng bắt nguồn từ ca sĩ Sơn Tùng M-TP trong một buổi phỏng vấn về một hình xăm trên gương mặt anh.
Hồ Ngọc Hà vừa ra mắt ca khúc Mình thích thì mình yêu thôi
Hà Hồ giải thích, cô viết lời ca khúc như vậy để thể hiện sự gần gũi, mang hơi thở cuộc sống. Bên cạnh ý kiến đánh giá ca khúc có giai điệu bắt tai, vẫn có không ít người cho rằng Mình thích thì mình yêu thôi thể hiện sự dễ dãi tới tầm thường của người trong nghề lẫn khán giả.
Chẳng phải đến lúc này, âm nhạc mới bị đánh giá là dễ dãi. Các ca khúc như Không phải dạng vừa đâu; Anh không đòi quà; Chỉ có em… từng có độ phủ sóng cao trong giới trẻ, cũng bị lên án bởi ca từ vô bổ, tầm thường. Thậm chí, ca khúc Số nhọ của nhóm Lip B còn khiến người nghe giật mình bởi những câu hát ngớ ngẩn như: “Hẹn anh trên zalo/ thấy anh chạy ô tô/ em cũng thấy thích thích/ nhưng em chỉ sợ là em phô/ Nào ngờ anh ngỏ lời/ Làm con tim em rối bời/ Ôi trời ơi, trai đẹp…”.
Theo nhạc sĩ Đức Trịnh, nhạc Việt xảy ra tình trạng như hiện tại là do sự phát triển của công nghệ truyền thông. Hiện nay, những tác phẩm chuẩn mực, có trình độ nghệ thuật và giá trị cao không được quảng bá rộng rãi. Tuy nhiên, nhạc sĩ Đức Trịnh đánh giá, âm nhạc giống như một dòng sông chảy qua nhiều đoạn.
Có những đoạn chảy êm đềm, cũng có những đoạn chảy thành nhánh, khúc khuỷu, bâng quơ. Nhưng cuối cùng, những nhánh đó vẫn sẽ nhập vào dòng chảy chính và mọi thứ lại trở nên tốt đẹp. “Từ xưa đến nay, âm nhạc có những khi khủng hoảng nhưng không đến mức xuống dốc, hay đáng lo ngại. Bởi sau cùng, giá trị chân thực mới tồn tại được”, ông chia sẻ.
Dễ dãi khiến nghệ thuật rẻ rúng
Lời ca khúc bình dân tới nỗi bê nguyên những câu nói đời thường vào bài hát, khiến nhạc sĩ Hoàng Lân nhìn nhận, ngôn ngữ xô bồ và tùy tiện trong nhiều lĩnh vực, từ đời sống tới văn chương, báo chí… Điều đó ít nhiều đã ảnh hưởng tới ca từ trong âm nhạc. Bài hát là một tác phẩm nghệ thuật, đã là nghệ thuật thì cần sâu sắc, trau chuốt, chọn lọc, nếu không sẽ hạ thấp giá trị văn học nghệ thuật.
Tác giả của Đi học về cho rằng, việc những bài hát có ca từ vô nghĩa, dễ dãi phát triển mạnh có thể coi là một sự xuống cấp của âm nhạc. Ông giải thích, nhiều người lấy lý do âm nhạc là tiếng lòng, phải gần gũi là ngụy biện.
Ông đặt ra câu hỏi: “Vậy âm nhạc trước đây không phải tiếng lòng? Nhạc dân gian cũng là những lời của nhân dân đó chứ, nhưng nó vẫn được trau chuốt, được chọn lọc chứ đâu bừa bãi và cái gì cũng có thể dung nạp được như bây giờ? Sự dễ dãi khiến nghệ thuật trở nên lố lăng và rẻ rúng”.
Tuy nhiên, nhạc sĩ Hoàng Lân cũng đồng ý với quan điểm của nhạc sĩ Đức Trịnh, mọi thứ sẽ được sàng lọc bởi thời gian và công chúng. Những gì là ngọc quý có giá trị sẽ trường tồn với thời gian. Còn những gì phản cảm, vô giá trị sẽ nhanh chóng bị rơi vào quên lãng.
Ảnh hưởng thẩm mỹ người trẻ
Trái với quan điểm này, nhạc sĩ - nhà lý luận âm nhạc Trần Xuân Tiến lại cho rằng, nếu chờ đợi thời gian để những giá trị đích thực trở lại thì không biết đến bao giờ. Vì trong khoảng thời gian chờ đợi ấy, lứa trẻ lớn lên với thể loại âm nhạc này sẽ bị bại hoại tinh thần.
Bởi âm nhạc là vũ khí sắc bén, ảnh hưởng tới tinh thần của con người và nếu chúng ta tiếp thu, tiếp cận với một loại âm nhạc nào lâu dài sẽ trở nên đồng cảm. Khi đó, âm nhạc đó sẽ phản ánh tư tưởng, cuối cùng sản sinh ra hành động phù hợp. Âm nhạc nào sẽ có công chúng nấy.
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến bày tỏ nỗi lo cho nền âm nhạc nếu mọi thứ cứ ngày càng phát triển theo xu hướng như hiện tại. Ông khẳng định, điều quan trọng là cơ quan chức năng phải biết tầm quan trọng của âm nhạc với sự phát triển tư tưởng, đạo đức của con người chứ “đừng vì đồng tiền mà cho phép những bài hát lệch lạc ra đời, bởi chính con em mình là người lĩnh hậu quả”.