Tạm biệt một kỳ EURO... vô cùng lạ

Sau tròn 1 tháng tranh tài, EURO 2021 cuối cùng đã khép lại. Kết thúc những hỉ nộ ái ố của người thắng và kẻ thua, ký ức còn đọng lại trong người hâm mộ về EURO sẽ là giải đấu có một không hai. Lịch sử bóng đá thế giới sẽ không bao giờ có một ngày hội như thế nữa.

Phản khoa học nhưng vẫn làm

"Chúng tôi sẽ không bao giờ tổ chức một giải đấu tương tự EURO 2021, quá thiếu khoa học và quá bất công cho những đội tuyển tham dự". Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin đã phải thốt lên như vậy chỉ ít ngày ngay trước khi trận chung kết giữa Anh và Italia diễn ra. Ceferin có quyền nói lên điều đó ở trên cương vị người tổ chức, vì rốt cục đây không phải ý tưởng của ông.

Từng có một câu chuyện cười, đại ý nói đừng bao giờ để người Pháp làm công tác tổ chức sự kiện vì làm thế sẽ thành thảm họa. Cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini đã chứng minh định kiến đó... là sự thật bằng việc quyết định tổ chức một kỳ EURO diễn ra trên toàn cõi châu Âu kèm tuyên bố: "Đây là sự kiện lãng mạn kỷ niệm 60 năm ra đời EURO".

Platini, một người thi đấu ở vị trí tiền vệ tấn công lúc còn là cầu thủ, rõ ràng mang toàn bộ tư duy lãng mạn phi logic của một người Pháp điển hình. Hẳn khi quyết định tổ chức một kỳ EURO không chỉ ở 1 hay 2, mà hơn 10 quốc gia, ông chưa bao giờ tính đến mức độ khó khăn và phức tạp sẽ phải giải quyết. May cho Platini vì ông không còn ở cương vị người đứng đầu nữa.

Là một người thực tế, Ceferin khác hoàn toàn với Platini. Vị luật sư 54 tuổi chỉ có trong đầu những tính toán về chi phí, con người và cơ sở vật chất. Ông chẳng mảy may quan tâm đến một kỳ EURO đẹp và lãng mạn như Platini từng nói, bởi giấc mơ đó thực tế là một cơn ác mộng. 10 quốc gia đăng cai tổ chức đồng nghĩa với 10 đội hoạt động sự kiện được lập ra, quy mô nhân sự cần làm vì thế cũng nhân lên gấp 10 lần.

Khoảng cách địa lý cũng là một vấn đề nan giải khi sắp xếp lịch thi đấu cho các đội tuyển. Ba Lan và Thụy Sĩ hẳn không có lý do gì để xấu hổ khi bị loại sớm. Họ là những đội phải di chuyển nhiều nhất ngay từ vòng bảng. Ba Lan phải ngồi máy bay đi khoảng 11 ngàn km, con số này của Thụy Sĩ là 10 ngàn. Thật khó để đảm bảo thể lực thi đấu khi phải liên tục di chuyển rồi ra sân như vậy.

Ở chiều ngược lại, có một số đội tuyển lại được nhận ưu đãi nhiều... đến mức nghi ngờ. Đội tuyển Anh chính là minh chứng rõ rệt nhất. Hành trình từ vòng bảng đến trận chung kết của Tam Sư có 6 lần họ được thi đấu trên sân nhà Wembley, và chỉ có đúng 1 chuyến hành quân đến Rome đá tứ kết với Ukraine. Trung vệ Chiellini thậm chí còn mỉa mai: "Đương nhiên Anh phải vào chung kết, họ đá sân nhà mà".

EURO 2021 khiến Ban tổ chức cũng bở hơi tai vì lịch thi đấu.

EURO 2021 khiến Ban tổ chức cũng bở hơi tai vì lịch thi đấu.

Tranh cãi và chuyện ma làm

Tại World Cup 2018, FIFA chính thức đưa vào áp dụng công nghệ VAR. Mục đích đưa ra rất rõ ràng và chính đáng: Hạn chế tối đa những quyết định sai lầm nhằm giảm thiểu tranh cãi sau khi trận đấu kết thúc. Tuy nhiên đã 3 năm kể từ đó, VAR thực tế chỉ khiến mỗi trận cầu nóng hơn theo quyết định của những ông vua áo đen.

"Chúng tôi rất thất vọng với quyết định của trọng tài", HLV trưởng ĐT Đan Mạch đã lắc đầu ngán ngẩm nhận xét như vậy ở buổi họp báo sau trận bán kết gặp Anh. Khi thế trận đang cân bằng, trọng tài chính Makkelie bất ngờ cho Tam Sư nhận một quả phạt đền gây tranh cãi. Sau khi tham khảo quyết định từ tổ VAR ông vẫn bảo lưu quyết định.

Những ai xem trực tiếp trận Anh - Đan Mạch hẳn cũng bất ngờ vì quả phạt đền cho Tam Sư. Tình huống diễn ra khi có 2 quả bóng trên sân, lẽ ra trọng tài phải cắt còi tạm dừng nhưng ông vẫn để trận đấu tiếp tục diễn ra. Pha ngã của Sterling cũng không rõ ràng khi va chạm không thực sự mạnh với Maehle.

Ngay cả những CĐV ĐT Anh cũng nghĩ họ không xứng đáng với quả phạt đền đó. Nhưng ở chiều ngược lại, họ nghĩ trọng tài đã sai khi không cho Tam Sư hưởng phạt đền cuối hiệp 2, lúc Harry Kane bị đốn ngã trong vòng cấm. 2 tình huống khó hiểu xảy ra trong cùng một trận đấu cho thấy VAR dường như không phải công nghệ phù hợp để hạn chế sai lầm và tranh cãi đúng như mục đích ban đầu.

Bên cạnh những tranh cãi xung quanh trọng tài và VAR, không thể không nhắc tới những chuyện "ma làm" ở EURO 2021. Tính đến trước thời điểm trận chung kết giữa Anh và Italia diễn ra, EURO năm nay đã ghi nhận 11 tình huống đốt lưới nhà, nhiều hơn tất cả các vòng chung kết trước đó cộng lại (9 bàn). Trận Bồ Đào Nha - Đức và Slovakia - Tây Ban Nha còn gây khó hiểu với 2 tình huống đốt đền chỉ trong 1 trận.

Những người duy lý sẽ giải thích số pha đốt nhà tăng lên do các đội chuyển sang lối đá triển khai bóng từ sân nhà, chuyền ngắn căng ngang vào vòng cấm nên số lần sai sót đốt nhà sẽ tăng lên. Việc này nghe qua khá lọt tai, nhưng không thể giải thích được những pha đốt nhà có một không hai của Dubravka (nhảy lên đấm bóng... thẳng vào gôn nhà) hay Pedri (Simon đỡ hụt đường chuyền về).

Bên cạnh đó, lý trí không thể giải thích cho hiện tượng tỷ lệ đá hỏng phạt đền cao kỷ lục: 8/17 lần bỏ lỡ. Thật khó tưởng tượng xác suất ghi bàn dễ ăn như đá phạt đền chỉ có 50%. Ngay cả những chân sút hàng đầu như Bale, Morata và Kane cũng thất bại trên chấm 11m. Có lẽ những người như Sterling sẽ phải cân nhắc kiếm phạt đền ở những giải đấu sau, bởi ngay khi họ thành công, chưa chắc sẽ có bàn thắng.

UEFA kiếm bộn tiền nhờ "thiên vị" ĐT Anh

Khi UEFA công bố lịch thi đấu EURO 2021, tranh cãi đã nổ ra vì cho rằng đội tuyển Anh được ưu ái rõ rệt. Ở khía cạnh tài chính, những nhà quản lý bóng đá lo ngại việc này có thể gây thiệt hại tài chính nghiêm trọng nếu như Tam Sư bị loại sớm. Nỗi lo này có cơ sở bởi trong lịch sử các kỳ EURO trước đây, ĐT Anh chưa bao giờ lọt vào chung kết. Họ thường bị loại ở tứ kết, thậm chí sớm dừng bước ngay từ vòng bảng.

Tuy nhiên, trái với dự đoán của những người bi quan, Tam Sư đã chơi một kỳ EURO ấn tượng nhất từ trước đến nay. Họ kết thúc vòng bảng ở vị trí dẫn đầu cùng mạch 3 trận giữ sạch lưới. Thành tích đó tiếp tục duy trì ở vòng 1/8 (thắng Đức 2-0) và tứ kết (thắng Ukraine 4-0).

ĐT Anh chỉ bị thủng lưới ở trận bán kết với Đan Mạch. Việc Tam Sư lọt vào chung kết đã giúp UEFA thu về tổng cộng 25 triệu bảng Anh tiền vé, vượt xa kỳ vọng của họ (10-15 triệu bảng).

* Truyền thông Hà Lan vừa tiết lộ một sự thật bất ngờ về việc Frank de Boer được bổ nhiệm làm HLV trưởng. Theo đó, không phải LĐBĐ Hà Lan mà chính các cầu thủ đã đồng loạt bỏ phiếu cho cựu HLV trưởng Ajax lên ngồi ghế nóng. Họ muốn một HLV "hiền hòa hơn Koeman", nhưng cuối cùng lại phản tác dụng khi sớm bị loại ở EURO.

* UEFA chính thức đưa ra án phạt ĐT Anh vì để CĐV chiếu đèn laser vào mắt thủ môn Kasper Schmeichel trong trận bán kết EURO. Hành vi này cùng các tội huýt sáo la ó quốc ca Đan Mạch và đốt pháo sáng trên sân Wembley khiến Tam Sư bị phạt tổng cộng 30 ngàn euro.

* Chủ tịch UEFA Alexsander Ceferin gửi lời cảm ơn đến ĐT Anh và Italia vì đã "giúp bóng đá thế giới nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm". Ông cũng đánh giá cả hai đội tuyển đều xứng đáng vào chung kết với màn trình diễn họ đã thể hiện suốt từ đầu giải.

* Hàng ngàn CĐV Italia đến Anh xem chung kết EURO 2021 đã phải ngồi ngoài sân vì không có vé. FA chỉ phân bổ đúng 1.000 vé cho các fan Azzurri. Trong khi đó, người hâm mộ Tam Sư đã lên tiếng phàn nàn vì trang web đặt vé của UEFA bị sập đúng lúc họ truy cập đặt mua.

* Đi cùng ĐT Italia đến Wembley dự trận chung kết EURO còn có Leonardo Spinazzola. Hậu vệ cánh trái của Azzurri bị đứt gân gót chân ở tứ kết và phải phẫu thuật khẩn cấp. Anh không thể thi đấu nhưng vẫn ngồi trên khán đài sân Wembley cổ vũ cho các đồng đội.

An Khánh

Nguồn: [Link nguồn]

Roy Keane, Mourinho chê SAO ĐT Anh hèn nhát, đùn đẩy đàn em đá 11m

Cựu danh thủ Roy Keane và HLV Jose Mourinho chỉ trích những ngôi sao thành danh của ĐT Anh vì không dám xung phong đá luân lưu ở...

Theo An Khánh ([Tên nguồn])
Euro 2024: Hành trình khốc liệt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN