Về thăm quê hương cố Tổng Bí thư Trần Phú

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - đồng chí Trần Phú (1.5.1904 - 1.5.2014) phóng viên đã về làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) ghi nhận những đổi thay trên quê hương của người.

Bến Tam Soa thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Nơi con sông La giao hòa cùng 2 nhánh sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu, được ví như 3 dải lụa uốn lượn rồi hợp về một mối, minh chứng cho một bề dày lịch sử, cũng là nơi hội tụ những người con kiệt xuất.

Thấm đẫm hồn quê

Làng Tùng Ảnh tựa lưng vào núi Tùng Lĩnh, nép mình bên sông nhìn ra dãy Thiên Nhẫn trập trùng. Tùng Ảnh cũng là chốn hội tụ núi sông, là đất sơn thủy hữu tình và trầm tích văn hóa sản sinh ra những người con ưu tú của dân tộc. Nằm trên đồi Hội Sơn-Cồn Nổi, soi mình xuống bến Tam Soa là nơi an nghỉ của Tổng Bí thư Trần Phú. 

Về thăm quê hương cố Tổng Bí thư Trần Phú - 1

Bến Tam Soa

Ông Phan Văn Khoa- Trưởng Ban quản lý Khu di tích Trần Phú cho biết: Trần Phú sinh ra tại xã An Dân, Tuy Hòa (Phú Yên) nhưng Tùng Ảnh là quê hương, nơi tiên tổ cha ông sinh sống. Tại đây còn lưu lại ngôi nhà thờ tiểu chi họ Trần, đây là nhà dân dụng được cụ Trần Viết Tân, cố nội của Tổng Bí thư Trần Phú xây dựng vào năm 1862, có kiến trúc cổ theo lối tứ trụ, 3 gian lớp ngói vảy, xây tường có sân bao quanh. Sau đó được cụ Trần Văn Phổ (thân sinh ra đồng chí Trần Phú) kế tự. 

Năm 1901 cụ Phổ mang theo cả gia đình vào Nam làm quan, ngôi nhà được giao cho chú ruột Trần Phú là ông Đồ Cầu. Dù đi xa, kể cả lúc Trần Phú đang học tại Trường Quốc học Huế (1918-1922) hay khi đi dạy ở Trường Cao Xuân Dục thành Vinh (1922-1926) mỗi dịp hè, lễ, tết, Trần Phú lại về quê và thường ra bến ông Đồ Cầu để tắm.

Sau này vào năm 1959 Bộ Văn hóa- Thông tin quyết định thành lập Khu di tích lưu niệm Trần Phú. Năm 1984, tỉnh Nghệ Tĩnh đầu tư xây dựng nhà trưng bày và cải tạo toàn bộ ngoại thất, hiện trạng cơ bản như bây giờ. 

Cũng theo ông Khoa, thể theo nguyên vọng của người thân, sau 70 năm xa cách ngày 12.1.1999, Đảng và Nhà nước đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu và an táng hài cốt đồng chí Trần Phú từ TP.HCM về quê nhà tại núi Quần Hội, nơi đây còn có khu mộ thân mẫu Trần Phú là cụ Trần Văn Phổ và bà Hoàng Thị Cát cùng khu mộ của chiến sĩ Trần Văn Danh (em út của Tổng Bí thư Trần Phú). 

Trong những ngày tháng lịch sử này, dòng người đổ về dâng hương tại quần thể mộ và Khu di tích Trần Phú ở xã Tùng Ảnh ngày một nhiều. Tổng hợp của Ban quản lý khu di tích từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 4.2014, đã có xấp xỉ 2.500 lượt khách với trên 100 đoàn về viếng thăm mộ và Khu di tích lưu niệm Trần Phú. 

Xuôi dòng La huyền thoại

Dòng sông La từ bến Tam Soa chỉ dài 12,5km qua huyện Đức Thọ rồi hợp lưu với sông Cả (từ Nghệ An chảy sang) tạo thành dòng sông Lam rộng lớn và một dải đồng bằng phù sa màu mỡ hàng năm bù đắp cho cuộc sống của người dân 7 xã ngoài đê thuộc huyện Đức Thọ. 

Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh- ông Nguyễn Năng Quê cho hay: “Ngoài nghề trồng lúa nước, hoa màu, người dân sinh sống ven sông La còn có nghề đóng thuyền, trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa và đan nón lá”. 

Ngay bên Tam Soa, dòng La chưa bao giờ vơi cạn, đây cũng là mạch nguồn nuôi dưỡng bao thế hệ của những con người hào kiệt như danh nhân Nguyễn Biểu thời Hậu Trần, lãnh tụ Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19 Phan Đình Phùng và sau này là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta - đồng chí Trần Phú. 

Cũng theo ông Quế, chính những mạch nguồn đó mà các thế hệ sau này ở Tùng Ảnh luôn đoàn kết trong xây dựng phát triển kinh tế xã hội địa phương. Minh chứng rõ nhất năm 2013, xã Tùng Ảnh là 1 trong 7 xã về đích nông thôn mới đầu tiên ở Hà Tĩnh. 

Xuôi dòng La từ những làng quê trù phú như Tùng Ảnh, Trường Sơn, chúng tôi về những xã vùng ngoài đê khó khăn hơn của huyện Đức Thọ. Ông Trần Quốc Phẩm- Phó Bí thư Đảng ủy xã Liên Minh chỉ về những cánh đồng lạc phủ xanh nói: “Cây cối hoa màu tươi tốt như vậy đều nhờ phù sa của sông La bù đắp. Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra ồ ạt khiến người dân vùng ngoài đê này phải chịu 3 tháng ngập lũ”. 

Thế nhưng, không chỉ ông Phẩm mà đa số người dân đều bình thản với cảnh sống chung với lũ. Họ còn cho biết, trước đây phải lo chạy lũ vì sợ trâu bò tài sản bị trôi mất. Còn bây giờ được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà tránh lũ, khi mùa lũ đến trâu, bò lên “nhà tầng” ở hết. 

Ông Phẩm còn cho biết, ngoài sản xuất hoa màu, 2 năm lại nay người dân bắt đầu tập trung lại sản xuất làm ăn lớn bằng việc xây dựng được 2 cánh đồng mẫu lớn trên 40ha trồng lúa và mở trang trại chăn nuôi lợn. Chính vì vậy mới mấy năm trước thu nhập đầu người không nổi 12 triệu đồng, nay tăng lên xấp xỉ 20 triệu đồng/năm. 

Ông Võ Công Hàm- Bí thư Huyện ủy Đức Thọ cho biết: Từ tháng 2.2014, huyện đã phát phát động phong trào thi đua toàn diện trên các lĩnh vực. Đến nay toàn huyện đã có 27 công trình chào mừng kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú với số tiền và ngày công huy động tương đương hàng chục tỷ đồng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Anh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN