Về Cò Phạt thăm tộc người "ngủ ngồi"
Trong chuyến hành trình xuyên Việt của tôi, điểm dừng chân đầu tiên là Con Cuông, Nghệ An, một vùng miền núi giáp Lào, và điều bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của tôi là được tới bản của người tộc Đan Lai – người tộc ít ỏi còn sót lại cuối cùng với thói quen ngủ ngồi nguyên sơ.
Trong làn mưa lất phất và sương mù bao phủ bến sông Giăng, anh chàng chủ thuyền người Thái nước da rám nắng và bắp tay săn chắc cùng mái tóc nhuộm hoe hoe đỏ nói giọng Kinh điêu luyện: “Đây là vùng biên giới nên đồn biên phòng yêu cầu phải lên xuất trình giấy tờ và yêu cầu cấm quay phim”.
Sau hơn 30 phút thủ tục rườm rà cam kết một số điều khoản, và được sự dặn dò kỹ lưỡng của chủ thuyền và phải tự túc đồ ăn theo vì trong bản không buôn bán gì, chiếc thuyền gỗ màu xanh thẫm cũng lướt êm trên sóng nước sông Giăng, bỏ lại phía sau hình ảnh chiếc chòi gianh khuất trong sương mờ. Được biết, người tộc Đan Lai cư ngụ ở nơi sơn cùng thủy tận này, chỉ có một con đường duy nhất kết nối họ với cuộc sống bên ngoài, phải mất 1 tiếng rưỡi đồng hồ vượt qua đoạn đường 14 km sông Giăng qua muôn ghềnh, thác mới vào tới bản Cò Phạt, bản Búng (thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) nơi người tộc Đan Lai sinh sống. (Trước đây phải chèo thuyền độc mộc mất 4-5 tiếng đồng hồ).
Con đường duy nhất vào bản - đi thuyền trên sông Giăng
Khi đến bờ bên kia bản, chúng tôi lại một lần nữa theo anh lái thuyền đến trình diện thượng úy đồn trưởng Đồn biên phòng Môn Sơn (Đồn 555) – trông như kiểu gác cửa vào bản trong một ngôi nhà trên đồi nổi bật giữa bản với sắc sơn xanh đỏ tím vàng đối lập với những ngôi nhà sàn thấp thoáng trong lùm cây. Nhưng thượng úy đi vắng nên điểm đầu tiên chúng tôi gặp là trường tiểu học Cò Phạt và 6 cô giáo cắm bản tại trường ở thị trấn Con Cuông tình nguyện vào đây dậy. Khi được chúng tôi giới thiệu trong đoàn có nhà báo, nhà văn, đạo diễn, kiến trúc sư, các cô giáo đã nhanh nhảu phát hiện ra ông đạo diễn nổi tiếng trong đoàn khi được xem những phim của ông đạo diễn nên đã nhiệt tình mời đoàn vào lán gianh phía sau trường ăn bữa cơm trưa “thịnh soạn” với thịt heo núi, cải mèo luộc đã trổ bông, xà lách đồi để dành dùng cho cả tuần.
Trường tiểu học 3 Môn Sơn, điểm bản Cò Phạt
Các cô giáo đang làm bữa cơm đãi khách
Ngồi trong căn nhà gianh đơn sơ của các cô bên cạnh bếp lửa nghi ngút khói, phóng tầm mắt là mấy đứa trẻ con người tộc hết giờ học vẫn đang còn chơi lò cò cuối sân trường, vừa nghe chúng tôi hỏi về người tộc Đan Lai, cô giáo Vi Thị Chiến, giáo viên tiểu học 3 Môn Sơn, điểm bản Cò Phạt kể lại truyền thuyết của dân tộc mình: “Cội nguồn của người Đan Lai sinh sống ở huyện Thanh Chương (Nghệ An). Vào khoảng thế kỷ thứ 16, người được giao đọc chiếu chỉ của nhà vua đã “dịch” nhầm lệnh vua, yêu cầu dòng họ La là phải nộp khẩn cấp 100 cây nứa và chiếc thuyền có mái chèo, nếu kháng lệnh sẽ bị trừng phạt.
Nhưng người đọc dịch nhầm thành 100 cây nứa bằng vàng thật và một chiếc thuyền liền mái chèo. Những thứ trên không có, sợ bị thảm sát, cả dòng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi, chạy mãi, chạy mãi đến thượng nguồn con sông Giăng - nơi không còn nghe thấy tiếng người - mới dám dừng chân, lập bản.
Cuộc đào tẩu vào giữa đại ngàn Trường Sơn của tộc người Đan Lai đã được đưa vào bài cúng tổ tiên: “Theo dấu chân nai/ đi gieo hạt lúa/ theo dấu chân hổ/ đi trồng hạt ngô/lang thang đầu suối/ bâng khuâng lưng đèo/ sống đời nghèo khổ/ như dòng suối nhỏ/ như gió rừng chiều...”.
Theo nhà nghiên cứu văn học dân gian Trần Vương, thì cuộc chạy trốn bất đắc dĩ và đầy bi thương này đã đẩy tộc người này cách ly với đời sống xã hội đương đại của dân tộc khiến họ rơi vào cảnh bần cùng, khốn khó giữa chốn rừng thiêng, nước độc. Cùng từ đây tục ngủ ngồi ra đời, nó xuất phát từ việc phải thường trực ý thức trốn chạy thật nhanh nếu bị quan quân chế độ phong kiến vây bắt. Đó cũng là cách để giúp họ hàng ngày chống chọi với muông thú hoang dã đang rình rập. Để tồn tại và duy trì nói giống của mình, những con người thậm khổ này bắt buộc phải quay trở lại kiếp sống hái lượm của thời hồng hoang. Hằng ngày họ phải vạt cây gỗ để làm dụng cụ săn bắt, hái lượm, lấy vỏ cây rừng làm khố, đào củ mài, tìm củ nâu trong rừng để sống qua ngày.
Cô giáo Vi Thị Diện giải thích thêm: Đến nay, nhiều người phụ nữ chưa từng được ra trung tâm xã hay thị trấn huyện bao giờ. Họ lầm lũi làm việc trong rừng, nơi không điện, không tivi, chưa có sóng di động… Như chúng tôi từ thị trấn Con Cuông cách đây khoảng 40 km nhưng phải đi hết 1 ngày vào đây vậy, cũng không có sóng điện thoại, ở trong đây cả tuần, chỉ thứ 7, Chủ nhật mới về nhà. Nam, nữ Đan Lai lớn lên là kết hôn với nhau dẫn đến hệ lụy tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Tôi nghe mẹ kể lại, trước đây, phụ nữ sinh con ra liền đưa con nhúng vào nước lạnh sông Giăng để “thử” sức mạnh của người con đại ngàn, sống thì lớn lên thích nghi với môi trường thiên nhiên, chết thì đó là theo ý trời định.
Tôi theo con đường mòn được đổ bê tông, hai bên là rào gianh nứa dẫn vào bản, ở ngã ba là những đứa trẻ trong cái lạnh 10 độ trên núi vẫn quần áo phong phanh, khuy trước lệch khuy sau, lấm lem mủ cây và nhọ nồi cùng nước mũi, nước dãi từa lưa chơi đùa với nhau, trên tay chúng mỗi đứa cầm mỗi trái mào gà chín dở, thấy người lạ xuất hiện ở bản thì dừng ăn ngơ ngơ nhìn.
Trẻ con trong bản cứ nhìn thấy người lạ là tròn xoe mắt ngơ ngác…
Tôi nhìn ánh mắt của chúng, sự ngô nghê của chúng, thấy chúng còn nguyên sơ quá. Chúng khác những đứa trẻ tôi gặp ở thị trấn Sapa hay ở Tả Van Sapa, thấy khách du lịch thường lẽo đẽo theo để xin tiền – điều đó làm tôi chạnh lòng, nói đúng hơn là xót xa. Những đứa trẻ ở đâu cũng vậy, chúng đều hồn nhiên như cây như cỏ, chỉ có người lớn chúng ta là làm hư chúng. Tôi đưa máy lên định chụp hình chúng, chúng toét cười. Phía trước có một ngôi nhà sàn lưng chừng con đường dốc. Có 2 đứa trẻ đứng thấp thoáng bên cây đào phai nở muộn, chúng thấy tôi đưa máy hình lên thì toét cười, chạy vào trong liếp sàn rồi lại chạy ra thập thò… nụ cười ngô nghê của chúng cứ ám ảnh tôi suốt cả chuyến đi.
Tôi lên dốc rồi lại thả dốc, hai bên đường không lá vàng rực lưng đồi, sườn núi. Không nắng hanh lè lưỡi, liếm môi thấy ram ráp vì nẻ, chỉ là những ngôi nhà sàn thấp thoáng trong cây, những cái cây được trồng thưa chứ không chi chít giống như những bản tộc khác ở miền núi phía bắc mà tôi đi. Cơ hồ tạo nên sự khoáng đãng của một bản làng. Tôi băng qua những hàng rào tre, cũng đan thưa, rẽ vào một nhà sàn, những ô cửa vuông vức chỉ bằng lỗ chui của một con lợn là cô gái còn rất trẻ má hây hây đỏ ngồi bế con.
Bên đống lửa một cụ già nước da rám nắng đặc trưng của người tộc với những rãnh nhăn như sóng ngồi như pho tượng tạc, hình như ông đang ngủ ngồi. Nghe tiếng bước chân lạo xạo, ông liền mở mắt rướn người về phía tôi. Từ chỗ ông già ngồi bên bếp lửa nhìn thẳng vào chính diện ngôi nhà sàn, trống hoắc, ngoài một cái giường kê ngay ngắn. Ông già nhìn theo hướng mắt của tôi rồi nói: “Có giường đó nhưng không quen ngủ, ngủ ngồi thôi, ngon hơn”.
Rồi ông nói: “Tục ngủ ngồi đã được truyền qua bao đời nay nên người dân trong bản không có thói quen nằm giường. Cả bản Cò Phạt có hơn 70 nóc nhà, nhưng chẳng nhà nào mua sắm giường chiếu. Mới đây, do được tuyên truyền vận động, cũng có nhà trong bản sắm giường, nhưng khi ngả lưng nằm lại thấy rất khó chịu, đau lưng nên đã quay sang ngủ ngồi”.
Những người già trong bản vẫn còn giữ thói quen ngủ ngồi
Tôi nhìn ra phía trước nhà nơi những đọt cải đang mùa rộ hoa là con lợn nái mọi mẹ dẫn theo một đàn con, nó cứ nhích cái bụng lên tẹo nào, đàn con lại víu lại để bú, trông thật vui mắt và buồn cười. Có lẽ mấy đứa trẻ con người tộc đã quá quen với hình ảnh này rồi nên mắt chúng nhìn ngác ngơ.
Rời Đan Lai khi chiều buông, những túp lều mốc thếch lùi xa trong khói sương bảng lảng đại ngàn, bỏ lại những ánh mắt trẻ con người tộc trong veo dài dại và nụ cười hồn nhiên đến ngô nghê cùng những người phụ nữ… trẻ con địu con tuổi đời 13, 14 với đôi mắt to, trong xanh như nước sông Giăng và má đỏ hây hây, trên khuôn mặt vẫn còn in đậm nét trẻ thơ cùng hình ảnh ngủ ngồi của ông già tôi gặp trong bản và cuộc sống như bộ lạc của tộc người này ám ảnh tôi trong suốt cuộc hành trình…