Ninh Thuận: Vẻ đẹp tiềm ẩn
Nằm giữa 2 địa phương nổi tiếng về du lịch biển của khu vực Nam Trung bộ là Bình Thuận và Khánh Hòa, Ninh Thuận ẩn sâu trong vẻ khô cằn là sự duyên dáng, quyến rũ và mặn mà bởi những nét đẹp riêng vốn có.
Tuy chỉ là mảnh đất “đầy nắng, gió và cát” nhưng Ninh Thuận lại có nhiều địa điểm tham quan để du khách có thể thoải mái lựa chọn.
Ngỡ ngàng vẻ đẹp của vịnh Vĩnh Hy
Vịnh Vĩnh Hy là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận với một bên là vịnh biển trong xanh êm ả, một bên là rừng núi bạt ngàn với nhiều hang động kỳ bí, tạo nên khung cảnh vừa nên thơ vừa hùng vĩ. Là một trong những vịnh biển đẹp nhất Việt Nam, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 42km, vịnh Vĩnh Hy xinh đẹp, duyên dáng nhưng vẫn còn lưu lại những nét hoang sơ hiếm có.
Ấn tượng đầu tiên đối với du khách khi bắt đầu hành trình khám phá vịnh chính là con đường ven biển vừa được hoàn thành. Con đường mới trải nhựa phẳng phiu men theo sườn Núi Chúa tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình đặc sắc. Đứng trên đỉnh dốc dọc con đường ven biển, du khách sẽ được thưởng ngoạn toàn cảnh vịnh Vĩnh Hy nhộn nhịp với thuyền ghe tấp nập.
Vườn quốc gia Núi Chúa
Xuyên qua những cung đường đèo với 2 bên đường là những hàng mai rừng vàng rực, làng chài Vĩnh Hy ẩn hiện trên những dải cát trắng mịn màng, tiếng sóng vỗ bờ không ngừng nghỉ bao bọc xung quanh bởi những núi đá, làn nước trong xanh với từng đàn cá tung tăng bơi lội.
Ở đây, trong không gian tĩnh lặng, du khách có thể thỏa sức dạo chơi bên bờ cát trắng, tắm biển hoặc thư giãn bằng thú câu cá. Sóng ở vịnh không quá to, một vài nơi làn nước trong vắt còn tạo thành những vũng nhỏ để bạn thỏa thích tắm biển mà không sợ bất kỳ điều gì. Đối với những người ưa mạo hiểm thì có thể leo lên những vách núi chênh vênh bên bờ biển hoặc khám phá những hang động thiên nhiên tuyệt đẹp.
Du khách cũng có thể gặp gỡ và tìm hiểu cuộc sống cũng như nghề đánh bắt hải sản của người dân vạn chài… Nếu có thời gian ở lại Vĩnh Hy qua đêm, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội đi xem rùa biển đẻ trứng. Người dân trong vùng kể rằng, vào những đêm trăng sáng, tại những bãi cát vắng vẻ xa khu dân cư, từng đàn rùa biển kéo lên bờ cát tìm nơi đẻ trứng. Nếu chọn đúng địa điểm và thời gian thích hợp thì du khách có thể tận mắt chứng kiến.
Nhưng hấp dẫn nhất có lẽ là lặn biển để chiêm ngưỡng vẻ đẹp muôn hình của san hô. Theo các nhà nghiên cứu, khu bảo tồn biển Vĩnh Hy là vùng biển có rạn san hô đẹp và đa dạng nhất Việt Nam với trên 300 loài san hô cứng có nhiều hình dáng, sắc màu phong phú.
Vịnh Vĩnh Hy
Vườn quốc gia Núi Chúa
Với diện tích tự nhiên trên 23 ngàn héc-ta, Vườn quốc gia Núi Chúa đang thực sự cuốn hút khách du lịch với những giá trị nổi bật về địa hình địa thế, khí hậu và tính đa dạng sinh học.
Vườn quốc gia Núi Chúa là nơi có hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng hiếm thấy ở nước ta với nhiều loài sinh vật quần tụ rất phong phú và đa dạng về số lượng cũng như chủng loại, đặt biệt có nhiều loài động thực vật quý hiếm.
Chạy dọc theo tuyến đường 702, qua những đoạn đường quanh co uốn khúc với những địa danh như: núi Ðá Vách, suối Ðông Nha… nổi tiếng, hệ núi nằm sát bờ biển tạo nên nhiều thắng cảnh rất đẹp.
Núi Chúa, trung tâm của vườn quốc gia, có một núi Chúa Anh ở giữa và ba núi Chúa Em xung quanh. Đỉnh cao nhất là Chúa Anh, cách mặt biển 1.039,72m. Do đó, nhiệt độ nơi đây thường thấp hơn ở bãi biển khoảng trên dưới 20 độ. Điều kỳ thú đặc biệt là, trên những con đường dẫn lên đỉnh núi, ta được chứng kiến 6 kiểu rừng. Từ kiểu rừng khô hạn cho đến kiểu rừng nhiệt đới. Ở độ cao trên 800m bắt đầu xuất hiện kiểu rừng lá kim với các loại như kim giao, hoàng đàn, thanh tùng, thông tre…
Đặc biệt sâu trong rừng núi là một thác nước đẹp như tranh vẽ nằm trong khu vực Ao Hồ. Ao Hồ đẹp nhất vào mùa mưa khi màu xanh của thảm thực vật bao trùm. Hồ có chiều dài chừng 80m, ngang 50m, sâu 1,5m, ở độ cao 236m so với mực nước biển. Mặt hồ có nhiều vỉa đá nổi lên như những hòn non bộ xen lẫn những tán cây truông gai, găng néo... đẹp như bonsai soi bóng quanh hồ. Điểm tô trên mặt nước là những dây rau muống tạo đường xanh mềm mại, uốn lượn.
Hoang sơ hang Rái
Hang Rái nằm trên cung đường tỉnh lộ 702, đoạn đường qua thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Đến đây du khách sẽ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ song cũng đầy sự thanh bình của hang Rái. Nơi đây với những tảng đá co cụm thành từng nhóm, nằm rải rác bờ biển như những con thú nhảy sóng ngộ nghĩnh, hay xếp chồng lên nhau tạo nên những hang động đẹp, hướng ra biển đón sóng gió nổi bật trên màu xanh của nước biển và của bầu trời. Dưới cái nắng gắt, bãi biển trở nên lung linh với con suối Nước Ngọt nên thơ. In dưới bóng nước là những rặng dương xanh ngắt, rặng xương rồng gai chi chít.
Nơi đây địa thế núi chắn sóng, nhiều hang động, là nơi sinh sống của rái cá nên cái tên hang Rái cũng bắt nguồn từ đây. Hang Rái là điểm đến đầy thử thách hấp dẫn thu hút những tay du lịch bụi, nhiếp ảnh gia hay những người thích quăng cần câu cá… đến đây để khám phá hết nét đẹp của biển. Phần lớn các du khách thường chọn những hang động mát giữa các vách đá làm nơi ngơi nghỉ.
Người mê câu chỉ cần chiếc cần trúc là có thể tha hồ trổ tài ở những ghềnh đá nước xanh biếc. Ngoài ra du khách còn có thể chinh phục các tảng đá cao thấp, luồn lách trong các hang lớn nhỏ nghe tiếng sóng vỗ ì oạp vào vực núi. Sau khi thưởng ngoạn hết vẻ đẹp của đá, du khách còn có dịp ngâm mình trong bãi biển nhỏ bên cạnh. Hang Rái còn được xem là nơi có bãi san hô đẹp nhất. Với cặp kính lặn và ống thở, bạn có thể khám phá rạn san hô nổi trên mặt nước, kéo dài cả cây số, lặn ngắm những đàn cá sặc sỡ bơi lội hay đi dọc trên những tảng đá cạy ốc vú nàng.
Phía bên kia sườn núi, nơi hàng loạt phiến đá hình thù kỳ dị nhô ra biển là những đàn dê thơ thẩn kiếm ăn trên những vách đá dốc đứng, cảm nhận vẻ đẹp đối lập của vách đá khô cằn và màu xanh của cây cối.
Làng gốm Bàu Trúc – nơi lưu giữ nét văn hóa người Chăm
Nằm ven quốc lộ 1A, làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 10km về hướng nam. Từ quốc lộ 1 đi vào chẳng bao xa, du khách sẽ thấy những ngôi nhà, những cửa hiệu đặc trưng theo phong cách của người Chăm cùng những hàng cây Chămpa tươi mát. Trong cái không gian ngập tràn nắng gió, du khách sẽ ấn tượng bởi những chiếc bình, những bức tượng hay những tấm phù điêu nhiều kích cỡ nằm im lìm trong những ngôi nhà.
Gốm Bàu Trúc
Là một trong hai làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á, Bàu Trúc còn được coi như một bảo tàng mang đặc tính gốm truyền thống của dân tộc Chăm. Khác với nhiều địa phương làm nghề thường dùng bàn xoay để nặn gốm, các nghệ nhân gốm Chăm vẫn dùng đôi tay khéo léo để tạo nên những tác phẩm tuyệt vời với mẫu mã phong phú.
Các hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường khắc vạch hình sông nước, chấm vỏ sò và hoa văn thực vật; có cả hoa văn móng tay trên vai cổ gốm rất mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng. Sản phẩm gốm được nung lộ thiên ở nhiệt độ khoảng từ 500 - 6000C trong vòng 6 giờ, sau đó được lấy ra để phun màu (loại màu này được chiết xuất từ trái dông, trái thị ở trên rừng) rồi được tiếp tục nung lại trong vòng 2 giờ. Vì vậy, gốm Bàu Trúc có màu đặc trưng vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo, mang theo vẻ “lung linh của nền văn hóa Chămpa”.
Đến với làng gốm Bàu Trúc, ngoài việc nhìn ngắm những sản phẩm mang đậm nét văn hóa dân dụng của bà con người Chăm Ninh Thuận, khách du lịch còn thỏa thích đến mê say khi được chiêm ngắm những bàn tay tài hoa của những nghệ nhân cần cù tạo ra sản phẩm mỹ nghệ từ những hòn đất thô mộc, tưởng như vô giá trị. Thậm chí du khách còn có thể tự mình nhào nặn nên một sản phẩm cho riêng mình dưới sự chỉ dẫn tận tình của các nghệ nhân làng gốm.