Nhật ký trên những đôi giày (P.3)
Cùng đồng hành có hai nhân vật là lạ, một đến từ Việt Nam với quyết tâm dùng xe Gold Wing chu du đến cuối đời, người kia đến từ Mỹ đang trong hành trình du lịch khắp thế giới bằng xe gắn máy. Và, trải nghiệm trên cung đường đẹp như tranh ở biên giới Thái Lan – Myanmar cùng những buổi thưởng trà đặc sản ngay vương quốc trà Thái.
Kỳ cuối: “Chiến binh” ngàn dặm lên Tam Giác Vàng
Bốn năm trước, khi nhóm môtô phân khối lớn Việt Nam đầu tiên xuất ngoại, tay lái nài chiếc Gold Wing 1.600 phân khối luôn dẫn đầu đoàn xe, Trần Phúc Tiến, thành viên của nhóm Anh chị em môtô Sài Gòn (ACE), một ông anh tận tuỵ vừa làm nhiệm vụ dẫn đoàn, vừa là “bác sĩ” sửa xe với các ngón nghề không thua gì thợ chuyên nghiệp.
Theo “đôi cánh vàng” và gã Lalo
Khi hỏi về chiếc Gold Wing – “đôi cánh vàng”, Trần Phúc Tiến cho biết: “Những năm 2000, sở hữu xe phân khối lớn khó lắm, nhập về Việt Nam xe này đã qua sử dụng, hư đủ chỗ, mình phải tự mày mò sửa. Khi điều khiển thuần thục rồi đâm ra quý mến, coi xe như người bạn đồng hành trong mỗi chuyến đi”.
Bước qua tuổi 53, Phúc Tiến là thành viên cao tuổi nhất đoàn chinh phục Mae Hong Son. Tony, tay lái người Mỹ thấy Phúc Tiến nài xe Gold Wing cũng phải thán phục: “Không biker nào có đủ trí tưởng tượng và dám tự tin chinh phục đường đèo dốc Mae Hong Son bằng Gold Wing như gã này”.
Chiếc Gold Wing của Phúc Tiến dẫn đầu trong hành trình lên Mae Hong Son
Ngày khởi hành từ Pai có một nhân vật nhập đoàn ACE lên Mae Hong Son – Lalo, gã biker lãng tử đến từ California, Mỹ. Qua trò chuyện biết được lý lịch trích ngang của Lalo: tự đẩy mình vào cảnh vô gia cư, không nghề nghiệp, bởi vừa bán hết nhà cửa, xe cộ, và quyết định nghỉ việc chỉ để thực thiện giấc mơ đi du lịch vòng quanh thế giới bằng xe môtô. Khởi hành cách đây 1,5 năm, Lalo đã chinh phục hết các nẻo đường trên các quốc gia vùng châu Mỹ. Kế đến, Lalo chuyển con BMW qua Tây Ban Nha để bắt đầu hành trình chinh phục châu Âu và đã qua các nước Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức… đến Hy Lạp thì dừng lại vì châu Âu đã vào đông. Lalo chuyển sang khu vực Đông Nam Á.
Những ngày trước Lalo mua chiếc cào cào 250 phân khối – xe mà Lalo sẽ dùng để chinh phục mười nước Đông Nam Á trong thời gian dự kiến ba tháng. Được biết kế hoạch hành trình sau Chiang Mai của Lalo sẽ là Lào, Việt Nam, Campuchia, Malaysia… Lalo nói: “Tôi thật bất ngờ khi có thêm những người bạn mới từ Việt Nam”.
Chủ nhân của Mae Salong Villa pha trà đãi khách
Mae Salong – vương quốc trà Thái
Tam Giác Vàng, điểm nối ngã ba biên giới của Thái Lan, Lào và Myanmar, nơi đây hội tụ vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, núi đồi trùng điệp, hoà cùng đời sống đậm nét văn hoá riêng biệt của các dân tộc miền núi như Shan, Khơ Mú, Dao, La Hủ, Lô Lô, Hoa…
Khi dãy núi Daen Lao trải dọc biên giới Myanmar và Thái Lan sừng sững trước mặt, cung đường chuyển hướng vào một địa danh đang được dân du lịch bụi bình chọn là một trong mười điểm đến kỳ thú nhất trên đất Thái, đó chính là Mae Salong, thuộc tỉnh Chieng Rai, đồng hồ báo độ cao khi ấy là 1.800m so với mực nước biển.
Dân du lịch quốc tế đã ví von Mae Salong là một Thuỵ Sĩ thu nhỏ bởi vẻ đẹp dịu dàng, thanh khiết của làng mạc hoà trong màu xanh của rừng núi, của những vùng trà bạt ngàn. Ở khía cạnh lịch sử, Mae Salong từng là căn cứ của Quốc dân đảng, nơi 12.000 quân của Tưởng Giới Thạch đóng đô ở đây trong thập niên 1950. Khi quân đội dời đi, một phần thân nhân của họ ở lại lập nghiệp, hình thành nên một cộng đồng mà đi trong đó, cứ ngỡ như đang lạc bước đâu đó miền Vân Nam, bởi kiến trúc nhà cửa, liễn đối, ngôn ngữ, phong cách sống… rặt một phong thái người Trung Hoa xưa.
Mae Salong còn gọi là Santikhiri – “núi hoà bình”, một vùng đất trồng thuốc phiện từng bất khả xâm phạm, nhưng ngày nay, cánh đồng thuốc phiện bạt ngàn ấy được thay bằng cây trà.
Mae Salong nằm trong dải trà cổ thụ hàng trăm năm tuổi, giống với loại trà Shan Tuyết mọc ở vùng núi cao Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên của Việt Nam. Với mối quan hệ lịch sử để lại giữa Mae Salong và Đài Loan, các nhà trồng trà, sản xuất trà từ Đài Loan đã tiếp tay biến Mae Salong thành cái nôi của ngành trà Thái.
Trà phủ xanh khắp các sườn đồi, các trà quán, các nhà máy sản xuất trà mọc lên san sát. Bữa trưa của nhóm môtô Việt Nam ở Mae Salong Villa cũng là một trà thất nổi tiếng trong vùng. Chủ nhân – người gốc Vân Nam, sau khi giới thiệu phong vị ẩm thực đặc trưng Mae Salong là món chân giò heo hầm chín rục, đã pha trà mời khách thưởng thức các giống đặc hữu như Olong, Thiết Quan Âm, Đại Hồng Bào, Phổ Nhĩ, Mạt trà, Shan Tuyết…
Từng chén trà mời khách, kéo theo là cả câu chuyện thú vị được gia chủ giới thiệu. Có hai giống trà gây ấn tượng là trà gạo – trà xanh, khi pha uống có mùi thơm của lúa non; loại thứ hai là giống Olong hồng ngọc – trà pha ra có màu hồng trong, mùi thơm đượm và vị thanh ngọt sảng khoái.
Nhìn từ xa ngôi làng Mae Salong trên dãy Daen Lao
Dọc đường biên giới
Tạm biệt Mae Salong, những “chiến mã” tiếp tục theo cung đường biên giới không thua kém phần hiểm trở và đèo dốc so với Mae Hong Son. Đoàn xe đi trên đường biên giới xuyên rừng, bên là lãnh thổ Thái Lan, bên là Myanmar. Ở trạm gác đầu tiên, khi thấy các tay súng mặc đồ rằn ri đứng giữa đường án ngữ ra hiệu dừng lại, ai cũng “rét”. Nhưng chỉ sau vài câu hỏi han, biết đoàn môtô đến từ Việt Nam, nhóm lính trực vui ra mặt, niềm nở chuyện trò... Ai nấy thở phào nhẹ nhõm.
Đoàn môtô tiếp tục lên cột mốc Tam Giác Vàng, qua đến hai trạm kiểm soát tương tự, chẳng ai làm khó dễ. Đến trạm cuối, anh lính biên phòng còn ồ à, ngạc nhiên: “Vui quá, chưa bao giờ thấy xe môtô lên đây đông thế này, anh em đi cẩn thận nhé, phía trước có nhiều đoạn dốc và cua gắt!” Một tình cảm gây ấn tượng cho đoàn, bởi mọi người nhớ lại chuyến đi đường 14 ở quê nhà, cung cách ứng xử và thái độ của lính biên phòng khác hẳn, phải mất nhiều thời gian giải thích, năn nỉ, thậm chí có chút quà mới được cho đi tiếp.
Rời cung đường biên giới đầy hiểm trở, tiến vào Mae Sai – cửa khẩu sầm uất nhất dọc biên giới Myanmar và Thái Lan. Đến được cột mốc Tam Giác Vàng khi ánh chiều khuất hẳn, những tấm hình lưu niệm ở ngã ba biên giới trong ánh đèn môtô, các tay lái khép lại một hành trình thú vị trên dặm đường biên giới Myanmar và Thái Lan.