Ngày xuân ném pao ở Hang Kia
Trò chơi ném pao thường được tổ chức trong các ngày Tết, các lễ hội truyền thống của người Mông như Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Nào Sồng, ngày mừng nhà mới hay Lễ cúng bản…
Trò chơi được diễn ra ở những khu đất rộng, người chơi được chia làm hai bên. Khoảng cách hai đội cách nhau khoảng 5 - 7m. Tài khéo léo của người ném pao là không để cho pao rơi xuống đất. Họ ném đến khi nào thấy nhắm mắt lại cũng có thể bắt được quả pao
Trong những ngày lễ hội, người đàn ông Mông đều mang theo khèn và biểu diễn những điệu múa khèn mạnh mẽ thể hiện sự trai tráng của mình thì người phụ nữ phải mang theo quả pao để đối xứng. Quả pao thể hiện sự cần cù, chăm chỉ và khéo léo của phụ nữ Mông và nó còn như một biểu tượng đẹp của phụ nữ Mông và tình yêu của đôi lứa.
Trong khi chơi, họ giao ước với nhau về số lần ném, số lần bắt được pao, nếu bên nào thua thì phải hát một bài hoặc làm một điều gì đó mà bên thắng quy định
Ngày nay, các thiếu nữ Mông còn dùng thổ cẩm của người Thái, hay lụa tơ tằm để tạo sắc màu cho quả pao. Quả pao của các thiếu nữ màu sắc bắt mắt, sặc sỡ hơn, còn pao của các cô bé mới lớn đơn giản hơn và thường có màu đen
Có khi hai người cùng lúc ném và nhận pao. Hai quả pao bay ngược chiều trên không trung khá đẹp mắt