Mùa vàng sơn tra

Những ngày cuối tháng 9, ai có dịp lên Tây Bắc, dừng chân ở Mù Cang Chải (Yên Bái) sẽ được hoà mình vào không khí tấp nập thu hoạch quả sơn tra trên núi cao của người Mông. Sắc vàng của táo hoà vào màu vàng của nắng đầu thu với mùi hương sơn tra nồng nàn làm cho không gian thêm đậm chất vùng cao.

Cây sơn tra hay còn gọi là cây táo mèo vốn là loại cây thường mọc ở sườn núi cao các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu. Trong những năm gần đây, người dân tộc Mông ở Mù Cang Chải đã đầu tư phát triển giống cây này cho hiệu quả kinh tế cao.

Trước đây, cây sơn tra mọc tự nhiên trên núi cao, người Mông thường lên hái quả về ăn và làm thuốc. Khi sơn tra ra trái nhiều, họ mang ra chợ bán cho người Kinh và khách du lịch.

Lợi thế địa hình ở núi cao, quanh năm khí hậu mát lạnh của các tỉnh nói trên thuận lợi cho cây sơn tra sinh trưởng và phát triển. Táo mèo ra hoa vào mùa xuân và thu hái quả vào mùa thu. Tháng 9, tháng 10 là tháng quả táo mèo chín rộ. Trước đây, cây sơn tra mọc tự nhiên, khi ấy đồng bào Mông thường hái quả vào tháng 6, tháng 7 trong năm. Nhưng hiện nay, căn cứ vào lợi ích kinh tế cũng như thị trường tiêu thụ, được sự định hướng của trạm khuyến nông huyện, nông dân Mông đẩy mạnh việc khoanh vùng, trồng và chăm sóc cây sơn tra.

Mùa vàng sơn tra - 1

Quả sơn tra hay còn gọi táo mèo – đặc sản vùng cao Tây Bắc.

Hiện ở Mù Cang Chải có gần 1.000ha diện tích cây sơn tra vừa là tự nhiên, vừa được nông dân trồng tại khu vực đồi núi thấp. Hàng năm, diện tích sơn tra cho thu hoạch tới hơn 2.000 tấn quả tươi. Với đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây sơn tra ở vùng cao, có thể phát triển tốt trên đất khô cằn, không cần bón phân và chăm sóc nhiều. Người dân chỉ cần phát quang tạo thế và không gian cho cây phát triển, thời gian cho thu hái ngắn nên dễ dàng cho việc trồng và thâm canh. Các xã Nặm Khắt, Púng Luông, Zế Xu Phình và La Pán Tẩn là những nơi có diện tích cây sơn tra lớn nhất huyện Mù Cang Chải.

Vào dịp này, ở Mù Cang Chải, nông dân người Mông tấp nập thu hái và bán quả sơn tra ngay tại chân núi và chợ. Tuỳ vào kích cỡ của quả mà phân loại sơn tra thành nhiều cấp. Loại to, quả đẹp bán với giá 50.000 – 60.000 đồng/kg, loại trung bình từ 20.000 – 30.000 đồng/kg. Như thế, một gia đình người Mông có thể có thu nhập tới vài chục triệu đồng từ thu hái sơn tra. Thời gian thu hái thường duy trì từ tháng 7 – 10. Hiện nay, quả sơn tra được thị trường ưa chuộng. Các lái buôn từ thành phố Yên Bái lên tận Mù Cang Chải thu mua quả. Ở Ngã Ba Kim và Km 9, thành phố Yên Bái vào thời gian này quả sơn tra được bày bán la liệt bên ven đường. Ngoài ra, quả sơn tra còn được đưa về xuôi trở thành một đặc sản vùng cao.

Không chỉ phát triển cây sơn tra gắn với mô hình kinh tế hộ gia đình, hiện cây sơn tra còn được Mù Cang Chải phát triển gắn với du lịch để huyện thu hút du khách ở mọi nơi, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân.

Mùa này, từ Mù Cang Chải xuôi theo đường đèo núi uốn lượn, qua “tấm thảm vàng” lúa nếp Tú Lệ, dọc đường đi, hương táo Mèo và không khí thu hoạch sơn tra như níu chân du khách. Quả sơn tra theo người dân về thành phố Yên Bái làm cả phố phường như tràn ngập sắc vàng sơn tra và hương thơm hoà vào cái bảng lảng của chiều thu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thế Lượng (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN