Lên núi Muối không nhặt muối

Bát Xát (tỉnh Lào Cai) một huyện vùng núi cao ngất khi hơi thở của tôi đầy khói vừa chạm mây miền trời Y Tý; nơi có đỉnh núi Muối mà dân bản địa vẫn gọi đỉnh Ky Quan San (Bạch Mộc Lương Tử) cao 3.046m. Ngọn núi này cao thứ hai nếu so sánh với đỉnh Fansipan.

Những cây nấm đất và những chiếc mũ lạ đời

Y Tý ám ảnh tôi không phải ngọn núi, không phải nơi từng có tuyết mùa đông như bạn chợt gặp ở trời Âu, mà Y Tý ám ảnh da diết nhất đó là những ngôi nhà đất thó, tường trình dày, mái phủ đầy rêu, cây leo còn mọc cả trên lớp lá, đó là những ngôi nhà nom rất giống cây nấm của người dân tộc Hà Nhì. Những ngôi nhà lưng tựa vào núi, mặt hướng ra thung lũng mờ sương, mái lá mòn ải liêu xiêu mà vững chãi vô cùng.

Lên núi Muối không nhặt muối - 1

Những ngôi nhà đất thó, tường trình dày, mái phủ dầy rêu, cây leo còn mọc cả trên lớp lá, đó là những ngôi nhà nom rất  giống cây nấm của người dân tộc Hà Nhì.  Ảnh: Trần Hậu

Còn rất sớm để gặp hoa đỗ quyên, cây đỗ quyên cổ thụ tím đỏ trên núi đổ xuống lối đi, các cô gái Hà Nhì, Dao đỏ, Mông, Giáy, thi nhau chưng diện áo mũ đi chợ huyện. Anh Chảo Duồn Liềm ở xã Bản Xèo, Bát Xát cho hay, phụ nữ thì thích áo mũ; chưng diện ngày hội cấp sắc... 

Y Tý neo vào giấc ngủ của tôi cái rét khắc nghiệt, cũng với nỗi khắc khoải của đất thó, sự xộc xệch của tường trình, mái lác đác khói loãng. Trời đất Y Tý lạ nhất có màu xanh của cây mọc trên mái nhà mà thôi. Màu lác đác xanh này hình như vừa thức giấc mời bạn nếm rượu thóc Sim San, uống vào lịm đi, để chiêm nghiệm khám phá văn hoá Ky Quan San, Bát Xát.

Lạ nhất và bắt mắt nhất là những chiếc mũ vấn tóc và quả bông đen nặng trĩu tay của cô gái Hà Nhì đội trên đầu. Tóc và khăn, và quả bông nặng tới vài ký; với họ thời trang xanh đen và mũ tóc đều đen là của văn hoá gốc Hà Nhì, họ coi đó là thời trang mũ tuyệt đẹp của một thời thiếu nữ. Khác biệt hẳn với vẻ dẹp của người Dao đỏ, người Dao thì chiếc mũ phải đính rất nhiều hoạ tiết bằng bạc trắng thứ thiệt, trùm kín trên đầu. “Có chiếc mũ nặng từ 7 hoặc 8 lượng bạc, có chiếc mũ nặng hơn, và nhiều tiền hơn. Tiền mua mũ không nhớ được đâu, có khi phải trả nợ dần, mới có mũ bạc đội đầu, có khi là của hồi môn, mẹ cha cho đấy!”.

Cũng vậy, khuy áo và trang sức trên ngực bằng bạc trắng. Trắng xoá lấp ló mấy vệt đỏ của khăn và áo. Tôi hỏi em Tẩn Mẩy Nhàn, cả khuy áo bạc và mũ là bao nhiêu lượng bạc. Tẩn Mẩy Nhàn ở bản Xèo, đáp: “Nhiều lắm, tiền cũng nhiều lắm, không nhớ hết đâu, trên này đám cưới và lễ hội mới mặc thôi”.

Còn rất sớm để gặp hoa đỗ quyên, cây đỗ quyên cổ thụ tím đỏ trên núi đổ xuống lối đi, các cô gái Hà Nhì, Dao đỏ, Mông, Giáy, thi nhau chưng diện áo mũ đi chợ huyện. Anh Chảo Duồn Liềm ở xã Bản Xèo, Bát Xát cho hay, phụ nữ thì thích áo mũ; chưng diện ngày hội cấp sắc. Lễ hội cấp sắc duy nhất ở nơi đây được gìn giữ và là nếp văn hoá tiềm ẩn nhất của người Dao.

Lên núi Muối không nhặt muối - 2

Sơn nữ Hà Nhì. Ảnh: TL

Người Dao coi lễ cấp sắc cho mọi người cực kỳ linh thiêng. Đó là lễ cấp sắc 3 đèn, 7 đèn, và 12 đèn. Lễ cấp sắc 12 đèn ít có lắm, lễ cấp sắc 12 đèn có khi phải hàng trăm năm mới làm được một lần. Tốn kém lắm, phải có 100 triệu đồng mới làm được cấp sắc này. Còn thường thường thì chỉ cấp sắc 3 đèn, ví dụ như cấp sắc cho người con trai sang tuổi làm người lớn; ví dụ như nhà ai đó có người mất đi, lễ cấp sắc cho họ được lên thiên đàng để được tổ tiên chứng cho đi khỏi dương gian thanh thản. Ngày lễ cấp sắc phải dược ăn mặc đẹp nhất, linh thiêng nhất với người Dao, Bát Xát.

Những món ăn có vị để đời

Người Dao đỏ rất coi trọng văn hóa ẩm thực, có nhiều món ngon trong lễ dâng bái tổ tiên. Theo anh Chảo Duồn Liềm thì món ngon là những món đồi hoa chuối, đậu phụ hoa, cá suối nấu bằng ống tre, thịt gà đen nướng với lá rừng, lạp sườn treo gác bếp, và xôi ngũ sắc.

Để chuẩn bị cho lễ hội cúng rừng hay lễ hội mùa cơm mới, người Dao đỏ lội suối bắt cá và chặt những ống tre xanh đem về, cùng với nhiều thứ lá rừng. Lá và rau xanh, rau thơm họ cho xuống phía dưới ống tre, cho muối, hạt tiêu xanh rồi cho cá suối vào. Họ chặt một khúc chuối úp lên ống và nướng ống tre trên lửa. Việc này chỉ có người Dao biết làm nhất, món này uống với rượu thóc nương. Còn món dồi hoa chuối làm cũng công phu không kém. Tiết heo trộn với hoa chuối và trộn với 10 thứ rau thơm cho vào ruột lợn. Hấp trong chõ gỗ như đồi xôi, rồi đem ra thái xếp hình hoa chuối. Thịt gà đen cũng nướng với lá thơm, quết mật ong vào con gà cho món ăn dậy mùi. Mâm cỗ của người Dao có xôi ngũ sắc rượu đựng ống tre nướng, rượu nướng và thịt nướng và bánh hoa dổi, bánh giầy đậu đỏ cũng ngon nức tiếng Bát Xát.

Những hạt lúa nương đã làm nên vị của rừng Y Tý, của thác bản Vược, nó làm cho bạn trân quý sự kỹ càng trong từng lá cây ngọn cỏ của rừng; nó giống như dưới xuôi, món thịt vịt phải có rau húng quế, món thịt chó phải có riềng, món gà phải có lá chanh.

Đường vẫn gập ghềnh, giá rét, có thể gặp tuyết ở Y Tý, nhưng tuyết ở Việt Nam sẽ gặp những chiếc bếp chất đầy củi lửa và gương mặt thiếu nữ ửng hồng vì rượu thóc, tình cảm của họ mộc mạc như hạt lúa, tấm lòng họ nồng ấm, thành thật như hạt lúa chưa qua xay giã giần sàng, vẫn còn nguyên vị của lúa nương trên núi cao; miền Ky Quan San “em trai” của ngọn núi Fansipan hùng vĩ. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Việt Hằng (Dân Việt)
Khám phá du lịch Sapa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN