Du khảo trên cung đường Quyết Thắng
Không phải ai cũng phân biệt được rõ ràng các cung trên toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, bởi trong những năm dài kháng chiến, quân và dân Việt Nam với ý chí xẻ dọc Trường Sơn đã tạo nên những con đường huyền thoại như tuyến quốc lộ 1, đường 15, đường 20...
Trong đó, đường 20 xuất phát từ thôn Phong Nha lên Cà Roòng, chọc thủng dãy đá vôi của Trường Sơn, nối liền với đường 128 ở ngã ba Lùm Phùm (Lào), có chiều dài 123km được tôn danh thành đường Quyết Thắng. Đi trong núi rừng ngày nay, trên cung đường trải nhựa phẳng phiu, hậu thế chẳng thể nào hình dung hết nổi sự tàn khốc của thời lửa đạn ngày xưa. Những gian khó và hy sinh, những mất mát và ý chí của một thời ngày nay chỉ còn biết tới phần nào khi xem lại tư liệu, vào nghĩa trang Trường Sơn thắp hương trên bạt ngàn mộ chí, nghe các cựu chiến binh kể về thời xưa.
Đắm trong hang động và sông suối
Song đường Quyết Thắng đâu chỉ có những di tích chiến tranh, ngày nay đã trở thành cung du khảo khá lý thú cắt ngang qua khu vực vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Tại đây đang ẩn tàng những cảnh sắc tuyệt đẹp của hệ địa hình karst bao phủ rừng nguyên sinh, một bề dày văn hoá độc đáo của các tộc người Bru Vân Kiều, Rục…, đồng thời cũng không thiếu sản vật địa phương “ngon rụt lưỡi”.
Đành rằng đã tới đây ai cũng mong muốn được vào thăm động Phong Nha, song với những người đi nhiều lần, Phong Nha không còn độ bí ẩn như động Thiên Đường, hang Én, hang Tú Làn... đang tỏ ra có sức hút mạnh mẽ với những tay thám hiểm chuyên về hang động. Các hang đó, ngoại trừ Thiên Đường đang được khai thác quá ư bài bản, đều là những địa danh còn khá xa lạ và đòi hỏi mức độ gan lỳ khi đi theo thổ địa để tìm tới tận cùng các kỳ quan tạo hoá. Bởi vậy, trên cung đường này, nếu không chuẩn bị tinh thần và thể lực cho những cuộc băng rừng dài ngày, nên khám phá vẻ đẹp cuộc sống ở các khía cạnh khác, nhẹ nhàng và không kém phần thi vị, mà vẫn chứa chất đầy phong cách Trường Sơn. Suối nước Moọc là một ví dụ điển hình.
Suối nước Moọc – một địa danh ở Quảng Bình trở thành khu
đón du khách đến tham quan
Mới nổi lên mấy năm gần đây như một địa chỉ dã ngoại hiếm hoi giữa rừng núi Quảng Bình, suối nước Moọc thật ra là một khúc chi lưu của sông Chày, được vườn quốc gia quy hoạch thành khu đón khách tới tham quan. Còn thô sơ lắm những khu nhà đón tiếp và nhà xây trên mặt nước, song khu vực đi xuyên trong rừng, những cây cầu gỗ liên tiếp dài 2km đưa bước chân vượt qua mặt nước lổng chổng đá tảng thì lại đẹp tuyệt vời. Mùa khô nước lấp xấp, mùa mưa nước tràn bờ, nhưng lúc nào khu vực này cũng có vẻ đẹp của dòng nước sôi sục khi băng qua đá, hung dữ cuộn trào và đột ngột lặng như tờ ở một vùng lòng suối mở bung. Chỉ trong phạm vi nhỏ mà cảnh quan của nước suối tạo thành đã đủ để du khách thoả sức chơi, vừa có chỗ để dầm mình bơi lội, vừa có chỗ để bơi thuyền kayak trong nước xiết. Rất thú vị khi đi trên cầu tre, xuyên qua tán rừng rậm rạp, ngang qua những tán đỗ quyên màu cam pha đỏ, vào mùa hoa nở kín cả tán rừng. Theo giới thiệu, tại đây rất phong phú các loài chim, bướm, nhưng trên thực tế chẳng thể nhìn thấy chúng ở khu vực khách hay đi lại. Chơi chán trong khu rừng thì quay ra những nhà tre dựng trên mặt nước, ở đó có thể nhấm nháp gà nướng, cá suối nướng, cơm lam... Toàn những món quen thuộc của các khu du lịch mà ở đây bỗng thấy có phong vị rất riêng.
Sống và trải nghiệm trên cung đường
Thật thanh bình trên con đường du khảo |
Hệt như món cá chình mù ở các nhà hàng ven sông Son, gần bến đò Xuân Sơn. Theo dân địa phương truyền tụng, tuốt sâu trong hang núi của hệ hang động Phong Nha – Kẻ Bàng có loài cá chình, đời đời kiếp kiếp sống trong bóng tối nên thị giác bị suy thoái, lâu dần thành cá mù. Giống chình đó tuyệt ngon, nấu lẩu hay om đều tuyệt. Cả chục năm nay, mấy nhà hàng lớn đều ra sức mời khách đánh chén cá chình mù, sẵn sàng mang cả cá sống ra làm minh chứng. Ăn ròng rã cả chục năm mà đến bây giờ vẫn thấy còn, kể cũng lạ. Nhưng kể cả là chình thường thì cũng đâu có vấn đề gì, bởi dân thành phố có mấy khi gặp chình tươi mà thưởng thức.
Đã tới đường 20, không mấy ai không ghé thắp nhang ở di tích hang Tám Cô. Câu chuyện cảm động và bi tráng về tám nam nữ thanh niên xung phong ngày nay đã trở thành huyền thoại, và tại nơi này đã được dựng nên ngôi đền thờ khá quy mô. Cư dân quanh vùng và khách thăm chiến trường luôn có niềm tin chắc chắn về sự linh thiêng của các chiến sĩ được thờ cúng tại đây. Thậm chí còn kể rành rọt bữa nào đó gã lái xe chở khách tới không chịu vô thắp nhang, còn tỏ ý đùa cợt, lập tức xe cứ tự lùi dần suýt rơi khỏi mặt đường… Những huyền thoại như vậy trên khắp dãy Trường Sơn đâu cũng có, càng làm tăng thêm khí vị bi hùng cho hành trình Trường Sơn.
Rải rác trong vùng Phong Nha – Kẻ Bàng là các bản làng của người Bru Vân Kiều, ở đó phong tục tập quán từ bao đời trước vẫn còn đậm đặc. Rất thú vị cảnh các chị phì phèo điếu thuốc đứng tán chuyện, càng ấn tượng hơn cảnh ông thầy cúng tóc xoã ngang vai trong lễ cúng ven dòng suối. Tương truyền, thầy cúng cao tay có phép giữ một con dao thẳng đứng, trên đó buộc lủng lẳng mấy món lễ vật như thịt, trứng… mà không cần dùng tay đỡ. Chuyện thực hư này có lẽ ít ai từng chứng kiến, nhưng cũng khoác lên cho cộng đồng Bru Vân Kiều những màu sắc bí ẩn lạ lùng. Tất cả, từ truyền thống cách mạng, phong cảnh thiên nhiên, phong tục tập quán đồng bào… đã hoà quyện nhau, tạo thành một dấu ấn khó quên với những du khách đã dành thời gian để sống và trải nghiệm trên cung đường huyền thoại.