Check-in vùng quê yên bình, đẹp ngơ ngẩn trong phim Tuổi thanh xuân 2
Sau những cảnh quay về cuộc sống của bố mẹ Linh trong phim Tuổi thanh xuân 2 ở một vùng quê thanh bình, thư thái đậm chất làng quê Việt Nam, nhiều bạn trẻ phải trầm trồ thích thú và tò mò về vùng đất này.
Không ai ngờ rằng đây là ngôi làng cổ cách Hà Nội 44 km, thuộc huyện Sơn Tây, Hà Nội. Một ngôi làng cổ kính với nhiều mái ngói đỏ xưa cũ. Đến với làng Việt cổ đá ong Đường Lâm, bạn sẽ được hòa mình, chiêm ngưỡng một “bảo tàng sống” về lối sống nông nghiệp – nông thôn Việt Nam.
Cổng làng Mông Phụ sẽ là nơi đầu tiên bạn được thăm quan khi đến với Đường Lâm. Với kiến trúc bằng gỗ có mái ngói, một bên là cây Đa, một bên là ao Sen sẽ cho các bạn cảm giác tuyệt vời khi đến với Đường Lâm. Ảnh: ĐSPL.
Junsu dừng chân trước cổng làng nơi bố mẹ Linh ở để tìm gặp Linh trong phim Tuổi thanh xuân 2. Ảnh. Cắt từ clip.
Từ cổng làng đi vào làng là những con đường lát gạch sạch sẽ, giữa những bức tường đá ong có màu vàng sậm khiến cho du khách cảm nhận được sự ấm cúng, bình yên của ngôi làng. Đường xá ở đây được xây dựng theo hình xương cá với nhiều đường ngõ nhỏ với đình làng Mông phụ là khu vực Trung tâm. Ảnh: Vietkings
Làng cổ Đường Lâm có tổng cộng 956 ngôi nhà cổ, nằm ở các làng Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh. Có nhiều ngôi nhà được xây dựng từ rất lâu đời, từ những năm 1649, 1703, 1850... đều được xây dựng bằng loại vật liệu truyền thống của xứ Đoài là: đá ong, tre, gỗ xoan, nứa, gạch đất nung, ngói, đất nện, trấu, mùn cưa.. Ảnh: Muadulich
Ngôi nhà mà bố mẹ Linh đang ở trong phim Tuổi thanh xuân 2 là một trong số ngôi nhà cổ đẹp và lâu nhất ở đây được xếp hạng nhà cổ dân sinh loại 1. Ngôi nhà gây ấn tượng mạnh cho khách tới thăm bởi màu xanh cây cối, các vại tương màu nâu trầm xếp hàng đều tăm tắp trên khoảng sân gạch. Ảnh cắt từ clip.
Những ngõ cụt tại Đường Lâm luôn khiến cho nhiều du khách thích thú. Các con đường ở đây đều là ngõ cụt để phòng trộm cướp. Đặc biệt, nhà nào cũng có cửa bí mật và đường tắt ra sân đình. Du khách tới đây có thể thuê xe đạp để thăm thú ngôi làng. Ảnh: Hồng Trang
Khu trung tâm của đường Lâm là đình Mông Phụ. Đây là công trình tiêu biểu của nông thôn Bắc Bộ được xây dựng từ năm 1684. Có diện tích 1.800m2, đình được xây dựng tại khu đất cao nhất trong làng với mặt tiền hướng về phía Tây Nam. Năm 1984, đình Mông Phụ được Bộ Thông tin – văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: I.T
Làng cổ cũng là địa điểm lý tưởng cho các bạn trẻ muốn chụp những bộ ảnh cưới với một không gian cổ kính đầy hoài niệm – nét đặc trưng của làng quê Việt Nam. Ảnh. Picel stadio
Ngoài cổng làng Mông Phụ, đình Mông Phụ, khi đến thăm ngôi làng cổ Đường Lâm này bạn sẽ được ghé thăm Nhà thờ cụ Thám hoa Giang Văn Minh, chùa Mía, đình Cam Thịnh, đình Đoàn Giáp, đình Phùng Hưng, đền - lăng Ngô Quyền, đền phủ Bà Chúa Mía, chùa Ón, các nhà thờ họ, quán...Các loại hình di tích ấy có mặt ở tất cả các thôn của làng cổ. Trên ảnh là chùa mía. Ảnh: Hoàng Tuấn Ninh