Bức tranh đa sắc về xứ Vạn Đảo

Đã được tôn làm quốc giáo, tất nhiên Hồi giáo hiện hữu khắp nơi trên đất nước Indonesia với những thánh đường nghiêm trang, lộng lẫy. Giữa Jakarta, nhà thờ Istiqlal cực đẹp, là thánh đường Hồi giáo rộng nhất Đông Nam Á, gian thờ chính có thể chứa hơn 120.000 người cùng tới cầu nguyện.

Với mái vòm và những hàng cột đỡ tráng lệ, nhà thờ Istaiqlal thu hút hàng vạn người tới cầu nguyện mỗi ngày, chỉ riêng hệ thống hành lang bao quanh gian chính cũng đủ để đi mỏi chân. Tại đó, tôi thấy những tín đồ có thể ngồi chơi, thậm chí không ít người nằm ngủ trên thảm ở hành lang, trong khi phía trong đang hành lễ. Người ở đây khá thân thiện, ai muốn vào tham quan, chụp ảnh cứ tuỳ thích, chỉ tuân thủ nguyên tắc không đi giày dép và không làm ồn trong thánh đường là được.

Bức tranh đa sắc về xứ Vạn Đảo - 1

Thánh đường Hồi giáo rộng nhất Đông Nam Á có thể chứa hơn 120.000 người

Sự thân thiện của nhiều giáo phái

Bức tranh đa sắc về xứ Vạn Đảo - 2

Đội quả lên chùa cúng dường

Trong khi hầu hết các vùng ở Indonesia đều theo Hồi giáo thì tại Bali, đa số người dân theo Hindu giáo, bởi như lời giải thích của gã xe ôm, gốc gác xa xưa tại đây là vùng ảnh hưởng của đạo Hindu. Tuyệt đẹp những ngôi đền ở Bali, khắp nơi đều là đền thờ, nhỏ của quy mô gia đình và to thì của hoàng gia xưa. Được biết tới như thiên đường du lịch, tất nhiên Bali đậm đặc chất nghệ thuật dân gian, tràn ngập đời sống hướng ngoại ở những khu resort, nhà hàng, bar, shop hàng hoá, song vẫn tĩnh lặng những khoảng không gian của thờ phụng. Ngồi lặng giữa một đền thờ nhỏ ở góc đường mà thấy sự náo nhiệt dừng lại hết sau bờ tường, chỉ còn ánh nắng đổ xiên...

Rồi có người tới dâng đồ lễ, không hề ngạc nhiên hay phản đối sự có mặt của khách lạ, tôi dõi theo người đàn ông cứ lặng lẽ thực thi công việc thành kính của mình. Sửa soạn đồ ăn và hoa trên những chiếc dĩa nhỏ trang trí bằng lá dừa tết lại, ông ta nghiêm cẩn dâng lễ vật tới từng điện, sau đó sắp một phần lễ vật dưới mặt đất và cầu khấn thật lâu. Rải lễ vật dưới đất là một tục lệ ở Bali, và trước mỗi cửa hàng, càphê, tiệm ăn… nơi nào ta cũng có thể bất cẩn dẫm phải phần lễ vật đó.

Không có nhiều lắm các chùa Phật giáo ở những nơi tôi đã đi qua, duy tại khu phố Tàu ở Makassar có một chùa và một miếu Thiên hậu. Cũng hơi lạ là miếu Bà Thiên hậu này, dù có cánh cổng và cột phía trước đúng truyền thống người Hoa, nhưng bên trong lại là một toà building, và muốn thắp nhang chiêm bái thì phải băng qua khoảng sân đậu xe, vô sảnh, bấm thang máy lên lầu 4. Còn các lầu khác chắc thuộc về khu căn hộ, văn phòng gì đó. Những người trông coi miếu Bà khá thân thiện, cư xử nhã nhặn với khách viếng thăm. Trên đất nước này, dù vào thánh đường Hồi giáo, chùa Phật giáo hay đền Hindu giáo, chưa bao giờ tôi gặp một sự hỏi han hay ác cảm nào, thật dễ chịu, điều này cân bằng lại những nỗi bực bội khi phải đối phó với mấy ông bạn xích lô lắm điều ngoài phố.

Chuyện ngao du bằng xích lô…

Bức tranh đa sắc về xứ Vạn Đảo - 3

Cẩn thận ngã giá trước với
dịch vụ xích lô.

Phía ngoài thánh đường luôn túc trực một đám người lăng xăng, đa phần phụ nữ và trẻ em. Tay cầm túm túi nilông, họ ra sức chào mời du khách mua, mỗi túi 1.000 Rp, gần 3.000 đồng. Té ra do chính việc không được mang giầy dép vào nhà thờ và phải gửi ở quầy trước cửa nên cánh bán túi có việc làm. Thật ra không cần cho giầy dép vô bao cũng có thể gửi, nhưng du khách chẳng rành. Kệ, mất 1.000 Rp cho chắc ăn.

Nhưng đó là chuyện nhỏ, chứ cánh xe ôm, xích lô ở vùng khác còn ma mãnh hơn trong việc vòi tiền du khách. Một buổi chiều, ngán ngẩm với pháo đài Port Rotecdam trống huếch ở Makassar, tôi đã xiêu lòng nghe theo gã xích lô rủ rê ra bến cảng chơi. Ngồi trên xích lô bò chậm rì rì đã thấy hơi hối hận, ra tới cảng mới thật sự bực mình, vì chẳng có quái gì ngoài vài chiếc tàu neo đậu, khi về, lại được rù qua chợ cá. Loanh quanh khoảng hai tiếng cho cuốc xe vừa chậm vừa chán. Khi về tới trung tâm thì được nhẹ nhàng xin 100.000 Rp, mặc dù lúc đi chỉ thoả thuận 10.000 Rp. Thế là cãi nhau, chí choé tiếng Anh tiếng Tàu một hồi, hai bên đành cưa đôi, chấp nhận 50.000 Rp! Thôi cũng được, coi như city tour bằng phương tiện giao thông truyền thống. Hoặc cánh taxi không bao giờ thối tiền dư, câu cửa miệng là “xin lỗi, không có tiền nhỏ”. Chuyện này gây nhiều bực bội cho du khách và cũng được khuyến cáo ở các ấn bản hướng dẫn du lịch, song nếu cẩn thận và đủ độ lì một chút cũng… êm thôi.

Chỉ lướt qua Indonesia trong chuyến du hành ngắn ngủi, chưa biết rành rọt lắm. Song từng đó thời gian cũng tạm thấy một bức tranh đa sắc về xứ vạn đảo, một nơi tuy khá xa Việt Nam nhưng rất lạ, lại có nhiều nét tương đồng. Chưa kể tới các món cari rất ngon, hầu hết các mặt của cuộc sống ở đây đều tạo sự thú vị cho tôi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái A (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN