Sự thật cái chết bí ẩn của ngôi sao điện ảnh Lý Tiểu Long

Sự kiện: Lý Tiểu Long

Đúng 45 năm sau cái chết của Lý Tiểu Long, ngày 20.7.2018, Tiến sĩ Lisa Leon, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Y học môi trường, Mỹ, cho công bố một bản báo cáo, trong đó tiết lộ nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của thiên tài võ thuật này…

11 giờ 30 phút tối ngày 20.7.1973, Lý Tiểu Long, ngôi sao điện ảnh nổi tiếng trong lĩnh vực phim võ thuật Kung fu qua đời tại bệnh viện Queen’s Elizabeth ở Hongkong. Cái chết của ông đã gây ra rất nhiều lời đồn đoán, chẳng hạn như một đại gia phim ảnh Nhật Bản thuê ninja giết ông để loại ông ra khỏi thị trường giải trí, bị người tình là Betty Ting Pei (Đinh Phối) đầu độc, chết vì dùng ma túy quá liều…, còn Y học  kết luận ông chết vì phù não do dị ứng với thuốc giảm đau.

Sự thật cái chết bí ẩn của ngôi sao điện ảnh Lý Tiểu Long - 1

Lý Tiểu Long diễn xuất trong phim “Long tranh Hổ đấu”

Đúng 45 năm sau cái chết của Lý Tiểu Long, ngày 20-7-2018, Tiến sĩ Lisa Leon, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Y học môi trường, Mỹ, cho công bố một bản báo cáo, trong đó tiết lộ nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của thiên tài võ thuật này…

Cái chết bí ẩn ở nhà người tình

Sáng 20-7-1973, Lý Tiểu Long - khi ấy 32 tuổi - có cuộc hẹn với diễn viên George Lazenby, người đã đóng vai James Bond 007 trong phim “Điệp vụ bí mật” để bàn về việc hợp tác thực hiện bộ phim “Game of Death - Trò chơi tử thần” do Lý Tiểu Long làm đạo diễn đồng thời cũng là diễn viên chính. Thời điểm ấy, họ Lý đã rất nổi tiếng - không chỉ ở châu Á mà còn ở châu Âu, châu Mỹ với những bộ phim võ thuật nổi tiếng.

Sau khi gặp Lazenby rồi ngỏ lời mời ông này ăn tối, Lý Tiểu Long ghé thăm người tình Đinh Phối - cũng là diễn viên điện ảnh lừng danh tại nhà riêng của bà mặc dù Lý đã có vợ, 2 con. Khoảng 6 giờ chiều, Raymond Chow, chủ Hãng phim Golden Harvest đồng thời là đối tác kinh doanh của Lý Tiểu Long đến nhà Đinh Phối.

Tại đó, Lý, Chow và Đinh Phối trò chuyện về bữa ăn với Lazenby, cũng như việc mời Lazenby tham gia bộ phim “Trò chơi tử thần”. Tuy nhiên, khi chuẩn bị đi thì Lý Tiểu Long kêu nhức đầu nên Đinh Phối đã đưa cho ông mấy viên thuốc giảm đau có chất Acetylsalicylic (thường được biết đến dưới cái tên thương mại là Aspirin). Uống xong, Lý Tiểu Long nằm xuống giường rồi bảo Chow và Đinh Phối cứ gặp Lazenby như đã hẹn.

10 giờ tối, Đinh Phối về nhà. Thấy Lý Tiểu Long nằm bất động, không thể đánh thức được nên Đinh Phối hốt hoảng điện thoại cho nhà hàng, nhờ gọi Raymond Chow - lúc này vẫn đang ăn với Lazenby. Khi Chow đến và khi biết Lý Tiểu Long đã chết, để tránh dư luận xấu vì Lý Tiểu Long chết tại nhà Đinh Phối, Chow gọi xe cấp cứu, đưa Lý Tiểu Long vào Bệnh viện Queen’s Elizabeth.

Các bác sĩ ở bệnh viện cho biết họ “tiến hành xử lý trên một cái xác vô hồn”. Đến 11 giờ 30 phút, họ chính thức tuyên bố ngôi sao điện ảnh võ thuật Hongkong Lý Tiểu Long đã tử vong. Bác sĩ Donald Teare, chuyên gia pháp y được Cảnh sát Anh Quốc - Scotland Yard cử đến vì Hongkong khi đó là nhượng địa của Anh Quốc, kết luận Lý Tiểu Long chết vì “phù não do phản ứng với thuốc giảm đau”.

Donald Langford, bác sĩ riêng của Lý Tiểu Long phản bác: “Chẳng ai chết chỉ vì hai viên Aspirin. Người ta không dám nói thẳng là Lý Tiểu Long chết vì nhai cần sa, tìm thấy trong bao tử. Lý đã sử dụng nó thường xuyên trong một thời gian dài do căng thẳng danh vọng…”.

Sự thật cái chết bí ẩn của ngôi sao điện ảnh Lý Tiểu Long - 2

Đinh Phối trước tấm áp phích có hình Lý Tiểu Long

trong lễ kỷ niệm 10 năm ngày Lý Tiểu Long từ giã cuộc đời

Sinh ngày 27-11-1940, Lý Tiểu Long tên thật là Lý Chấn Phiên còn tên tiếng Anh là Bruce Jun Fan Lee. Năm 13 tuổi, họ Lý theo học môn võ Vịnh Xuân quyền với võ sư Diệp Vấn, là chưởng môn hệ phái Vịnh Xuân quyền Hongkong.

Năm 1959, Lý Tiểu Long sang Mỹ, học tại Trường Trung học Công nghệ Edison rồi tiếp theo là khoa Triết, Đại học Washington. Cũng thời gian này, họ Lý nhận võ sư Thiệu Hán Sinh làm sư phụ để được truyền dạy các bài quyền “Tinh võ hội tiết quyền”, “Thất tinh Đường lang băng bộ quyền”. Phối hợp tất cả những tinh hoa của những bài quyền nói trên với Thái Cực đạo của Hàn Quốc, Nhu thuật của Nhật Bản, Lý Tiểu Long cho ra đời một môn võ mới là Triệt quyền đạo.

Sự nghiệp điện ảnh của họ Lý bắt đầu rực sáng sau bộ phim võ thuật “Đường Sơn đại huynh”, phát hành năm 1971, doanh thu đạt hơn 3,5 triệu USD chỉ sau 3 tuần công chiếu, và lên đến đỉnh cao danh vọng với những phim “Tinh võ môn”, “Mãnh Long quá giang”, “Long tranh hổ đấu”, “Trò chơi tử thần”.

Năm 1972, với phim “Tinh Võ môn”, Lý Tiểu Long nhận liền một lúc 2 giải, là Giải Kim Mã cho phim Hoa ngữ xuất sắc nhất và Giải Kim Mã của Hội đồng giám khảo đặc biệt. Sau khi chết, năm 1994, Lý Tiểu Long còn nhận được giải Thành tựu trọn đời, được Tạp chí Times đưa vào danh sách “100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20”.

Nhận xét về ngôi sao tài hoa bạc mệnh này, diễn viên Chuck Norris, người đóng chung với Lý Tiểu Long trong phim “Long tranh hổ đấu” nói: “Đó là một con người đầy nhiệt huyết và năng nổ. Bất cứ ai đã từng có cơ hội làm việc với Lý đều khâm phục khả năng sáng tạo của anh ấy trong lĩnh vực điện ảnh. Lý là người mà tôi luôn ngưỡng mộ dù anh ấy không còn nữa…”.

Nghi vấn bị đầu độc

Ba ngày sau khi Lý Tiểu Long qua đời, một phóng viên của tờ Ngôi sao Trung Hoa phát hiện tình tiết Lý chết tại nhà riêng của Đinh Phối chứ không phải tại bệnh viện như thông báo chính thức nên đã cho đăng bài với cái tít: “Betty Đinh Phối giết chết con rồng trên giường ngủ nhà mình”.

Sự thật cái chết bí ẩn của ngôi sao điện ảnh Lý Tiểu Long - 3

Vợ, 2 con và một số bạn bè của Lý Tiểu Long tại lễ tang ông

Ngay lập tức, nhiều tờ báo khác ăn theo với những chuyện giật gân, chẳng hạn như Lý bị Đinh Phối đầu độc bằng thuốc kích dục, Lý bị ninja Nhật ám sát để diễn viên Nhật Bản Toshiro Mifun độc quyền trong thể loại phim Kung fu, Lý bị “tẩu hỏa nhập ma” do đã phản bội lời thề với sư phụ khi đem võ công học được ra kiếm tiền, Lý chơi ma túy quá liều…

Hệ quả là tại Hongkong, Kuala Lumpur, Bangkok, Đài Bắc, Jakarta…, những người hâm mộ Lý Tiểu Long đã tổ chức những cuộc tuần hành với biểu ngữ “Betty giết Lý Tiểu Long”. Ngay ở Sài Gòn, một số tờ báo lá cải hồi ấy cũng giật tít: “Lý Tiểu Long chết vì thượng mã phong trên giường Đinh Phối”, hoặc “Con rồng nhỏ họ Lý đột tử vì lạm dụng “xây xập dì” (là tên một loại thuốc nhằm kéo dài thời gian giao hợp).

Đầu tháng 8, cảnh sát Hongkong nhận được điện thoại, cho biết có một quả bom đặt ở quảng trường trung tâm thành phố với một mẩu giấy viết bằng tiếng Trung Quốc: “Betty Đinh Phối giết Lý Tiểu Long”. Tuy nhiên khi cảnh sát kiểm tra thì bên trong chỉ là một viên gạch. Đến giữa tháng 8, lại có thêm 3 quả bom nữa được tìm thấy với dòng chữ “Trả thù cho Lý Tiểu Long” nhưng cũng như quả bom đầu tiên, tất cả đều là bom giả!

Về phía Chính phủ Anh, thời điểm ấy Hongkong là nhượng địa của Anh Quốc nên cái chết của Lý Tiểu Long là chuyện không thể bỏ qua. Bằng cách mở một cuộc điều tra toàn diện, sau nhiều ngày tìm hiểu thực tế lâm sàng, đối chiếu hồ sơ bệnh án và biên bản tử vong, hầu hết các chuyên gia y tế đều thống nhất rằng họ Lý chết vì phù não do dị ứng nghiêm trọng với Aspirin.

Và bởi vì không có kết luận nào hợp lý hơn nên Chính phủ Anh đồng ý với nhận định ấy mặc dù Donald Langford, bác sĩ riêng của Lý Tiểu Long đã phát biểu trong buổi họp điều trần về cái chết của Lý: “Lý là một võ sĩ hạng nặng, uống Aspirin ngay từ khi trưởng thành để làm giảm chứng đau cơ bắp do tập luyện quá nhiều mà không gặp phải bất kỳ phản ứng phụ nào. Hơn nữa, sốc phản vệ nghiêm trọng hầu như luôn đi kèm với các biểu hiện ở khí quản, cổ, lưỡi và môi, cũng như phát ban trên da. Thế nhưng kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy họ Lý không bị phù khí quản, dẫn đến ngạt thở và phù não nên không thể nói Aspirin đã giết chết Lý Tiểu Long được….”.

Sự thật sáng rõ

Cuối cùng, hồ sơ về cái chết của Lý Tiểu Long khép lại và theo thời gian, nó dần đi vào quên lãng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Lisa Leon, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Y học môi trường, Mỹ, lại nghĩ khác. Bà nói: “Có vẻ như người ta chẳng chú ý nhiều đến tiền sử của Lý Tiểu Long, nhất là về mặt sinh lý cơ thể. Các chuyên gia y tế đều tập trung vào việc trước lúc chết, họ Lý đã uống thuốc gì rồi kết luận cái chết xảy ra bởi loại thuốc đó…”.

Để tìm hiểu và chứng minh cái chết của Lý Tiểu Long có nguồn gốc từ những nguyên nhân sâu xa hơn, Tiến sĩ Lisa Leon đã bỏ ra gần 10 năm, gặp gỡ những người thân cận với ông, tiếp xúc với những bác sĩ đã từng khám và điều trị cho ông, những diễn viên đã từng đóng phim chung với ông.

Qua những nhân chứng ấy, Tiến sĩ Lisa phát hiện một điểm mấu chốt: Đó là Lý Tiểu Long mắc chứng tăng tiết mồ hôi, đặc biệt ở vùng nách và điều này đã gây ra nhiều phiền toái cho ông không những về mặt thẩm mỹ, mà còn là khi tiếp xúc với công chúng cũng như khi đóng phim hành động. Chin Feng, phụ trách đạo cụ phim “Tinh võ môn” cho biết trong một trường đoạn quay cảnh Lý Tiểu Long giao đấu với 6 người, Lý đã phải đề nghị đạo diễn ngừng quay 3 lần để ông thay áo vì hai bên nách chiếc áo thun trắng mà ông mặc, ướt đẫm mồ hôi.

Cũng trong quá trình tìm hiểu cái chết của họ Lý, Tiến sĩ Lisa Leon còn phát hiện đầu năm 1973, Lý Tiểu Long đã đến bệnh viện làm phẫu thuật cắt hạch thần kinh giao cảm nhằm làm cho mồ hôi không tiết ra nữa.

Chưa hết, 10 tuần trước khi chết, lúc vào phòng thu âm để lồng tiếng cho bộ phim “Mãnh long quá giang”, các chuyên viên âm thanh đã tắt toàn bộ hệ thống máy lạnh để tiếng rì rào của nó không làm ảnh hưởng đến lời thoại và nhạc nền. Sau khoảng 30 phút, nhiệt độ trong phòng tăng lên khiến Lý Tiểu Long co giật rồi ngất xỉu. Được đưa vào bệnh viện, các bác sĩ trực tiếp điều trị cho Lý chẩn đoán Lý bị phù não vì sốc nhiệt nhưng may mắn là Lý Tiểu Long qua khỏi.

Vẫn theo Tiến sĩ Lisa Leon, hồ sơ lưu trữ tại Đài Khí tượng, Thiên văn Hongkong cho thấy ngày 20-7-1973 (ngày Lý Tiểu Long chết) là ngày nóng nhất trong năm với nhiệt độ lên đến 37oC.

Raymond Chow, chủ Hãng phim Golden Harvest nhớ lại: “Lúc tôi gặp Lý ở nhà Đinh Phối, Lý nói không khỏe và tôi cũng cảm thấy khát nước. Sau khi tôi và Lý uống hết hai ly nước đầy, Lý lấy lại vẻ hăng hái, luôn miệng nói về sự thành công của phim “Trò chơi tử thần” nếu có sự tham gia của diễn viên Lazenby. Trong một lúc phấn khích, Lý đứng dậy, diễn xuất các thế võ sẽ có trong phim giống như đang đóng phim thật. Theo tôi, chắc vì sự gắng sức nên Lý mới kêu mệt, nhức đầu…”.

Cuối cùng, Tiến sĩ Lisa Leon kết luận: “Không ai nhận ra cái chết của Lý Tiểu Long là phù não do sốc nhiệt, và nguyên nhân dẫn đến sốc nhiệt phát xuất từ việc cắt hạch giao cảm cộng với 2 viên Aspirin Đinh Phối đưa. Bản chất của Aspirin là hạ nhiệt bằng cách toát mồ hôi trong lúc hạch giao cảm - cơ quan điều khiển việc toát mồ hôi của Lý đã bị cắt mất. Khoảng hơn 4 tiếng trước khi chết, Lý đã có một sự vận động quá mức bằng những thế võ trước mặt Raymond Chow. Hậu quả là nhiệt độ cơ thể của Lý tăng lên nhưng chỉ được giải phóng bằng hơi thở nên vùng điều hòa thân nhiệt nằm ở hành tủy trong não bị phù, dẫn đến phù não. Đó là lý do Lý chết nhưng nếu may mắn không chết, họ Lý vẫn sẽ phải đối mặt với nguy cơ tàn tật suốt đời vì liệt toàn thân hoặc liệt nửa người…” 

Cái chết trùng hợp và chuyện kỳ lạ chưa có lời giải của ê kíp Tây Du Ký 1986

Nhiều sự trùng hợp kỳ lạ qua lời kể của dàn diễn viên Tây Du Ký khiến mọi người rất khó tin nhưng lại là chuyện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Cao -theo History Bruce Lee’ Death Report ([Tên nguồn])
Lý Tiểu Long Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN