DANH MỤC

Chí Trung là một cái tên lớn của giới nghệ sĩ sân khấu phía Bắc. Trong dàn nghệ sĩ Táo quân, anh giống như người anh cả, thiếu Chí Trung với những câu tung hứng và đùa nhạo tinh tế, mâm cỗ Táo quân dường như thiếu đi một chén nước chấm cay. Ở cương vị Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Chí Trung cũng là một đầu tàu gương mẫu và năng động. Ít ai ngờ trong suốt thời gian các nhà hát kịch phía Bắc sống lắt lay, thì sân khấu nhà hát Tuổi trẻ vẫn luôn sáng đèn, dù không thường xuyên hàng đêm nhưng cũng vài đêm hàng tuần.

Chí Trung lăn lộn, chạy chỗ nọ, tới chỗ kia, tìm hết mọi cách để các nghệ sĩ của anh ở nhà hát Tuổi trẻ được sống đúng với nghề nghiệp và khát vọng của họ, thăng hoa dưới ánh đèn sân khấu. Ở gần anh mới biết, hai chữ “sân khấu” trong anh thiêng liêng lắm, nó như một mỏ neo để giúp anh níu giữ con tàu mà trên đó, Chí Trung là một thuyền trưởng, tay năm miệng mười, vừa chỉ đường, vừa sẵn sàng vào vai một thủy thủ hay người quét dọn trên boong. Tất cả chỉ vì một tình yêu với sân khấu.

NSƯT Chí Trung: "Tôi luôn nói chia tay Táo quân mà lòng rất đau!" - 2

- Sau vai Táo quy hoạch trong Gặp nhau cuối năm 2018, anh có chia sẻ đây là năm cuối cùng anh tham gia Táo quân. Một mùa Táo quân nữa lại sắp tới, cảm xúc của anh ra sao?

Đó là cảm xúc về độ lan tỏa, về giá trị của 15 năm Táo quân mang lại. Táo quân, tức Gặp nhau cuối năm đã có được những thành công, trong đó tôi chỉ là một phần đóng góp nhỏ bé. Cảm xúc trong tôi về Táo quân vẫn tốt lắm, vẫn thích lắm. Bởi không chỉ dành vinh dự, vinh quang cho Đài truyền hình Việt Nam hay cá nhân ê-kíp Táo quân đâu, mà đó còn là tiếng nói của cả đất nước sau 1 năm tổng kết được đạo diễn chương trình và chúng tôi làm “mềm hóa” bằng niềm vui, câu từ, nhân vật. 80% người dân Việt Nam thấy rằng đêm 30 Tết thiếu chương trình Táo quân giống như bữa cơm ngày 30 mà không đầy đủ các món.

- Khán giả luôn thắc mắc vì sao nghệ sĩ Chí Trung lại bỏ dở không đóng Táo quân nữa. Lý do thực sự là gì đã khiến anh rút khỏi ê-kíp Táo?

Thực ra 3 năm nay tôi chia sẻ việc tôi muốn chia tay Táo quân mặc dù lòng rất đau. Nhiều khi mình yêu quá mà mình cứ dọa chia tay thì đó là một sự giận hờn, chứ không nhất thiết phải chia tay. Giống như một cô gái nói “Em muốn chia tay anh” trong lúc đang nồng ấm, bạn đừng nghĩ đó là lời chia tay thật. Đuổi tình - tình chạy, chạy tình – tình theo mà. Chỉ vì yêu quá nên không muốn ảo ảnh của cá nhân tôi hay chương trình làm mất đi cảm xúc của cảm giác.

Có một thực tế tôi thấy 3 năm gần đây, chương trình Táo quân hơi đuối một chút. Cá nhân tôi thấy thế và tôi cũng chia sẻ điều ấy với Giám đốc Đài truyền hình VN là anh Trần Bình Minh hay đạo diễn chương trình là anh Đỗ Thanh Hải. Tôi nói Chí Trung vẫn yêu lắm, thích lắm vì thực ra chẳng mất gì cả, vừa được tiếng lại vừa được cả… tiền (cười) dù không nhiều. Chỉ mất “một chút” sức về đêm tập khoảng 1 tháng trời thôi. Đổi lại, hình ảnh được nhiều hơn mất.

Nhưng tại sao lại từ giã? Vì Chí Trung nghĩ, 15 năm là một đỉnh. Chúng ta có thể làm 16, 17 năm hay làm mãi được không? Thêm vào đó, những niềm vui đọng lại của mọi người là chuyện quan trọng nhất. Bên kia đỉnh là triền dốc. Bạn cứ thử ngó mà xem. Vậy thì đừng lên nữa. Cứ ở trên đỉnh rồi thì đừng đi tiếp, kẻo lại bị tụt xuống. Đấy là suy nghĩ cá nhân, nó có phần mang tính ích kỷ.

Nếu kịch bản hay, nếu nhân vật hay, tôi vẫn muốn đóng. Đó là điều suy nghĩ thật.

NSƯT Chí Trung: "Tôi luôn nói chia tay Táo quân mà lòng rất đau!" - 3

NSƯT Chí Trung: "Tôi luôn nói chia tay Táo quân mà lòng rất đau!" - 4

- Táo quân đã trải qua 15 mùa, trong đó khán giả ấn tượng với một nghệ sĩ Chí Trung trong nhiều vai Táo, nhất là Táo Giao thông. Với bản thân mình, anh thích làm Táo nào nhất?

Nhiều người nói vai Táo Giao thông là vai khiến tôi “chết vai”. Vai Táo Giao thông nếu được coi là thành công thì điều đó thuộc về chính khán giả. Bởi hàng ngày các bạn phải ra đường, phải nuốt từng hạt bụi, lau từng giọt mồ hôi. Điều đó diễn ra hàng ngày, hàng giờ, không ai có thể “dỗi” đường để không ra đường được. Thế nên tự nhiên khán giả thấy “yêu nó” khi tôi nói về “nó”.

Nhưng 3 năm gần đây tôi không đóng Táo Giao thông nữa. Một phần vì giao thông của chúng ta đã tương đối tốt lên. Thứ hai liên quan tới lý do cá nhân, với người anh của tôi mà tôi không muốn nói đến vấn đề đó nữa. Năm vừa rồi tôi cũng từ chối vai Táo Giao thông. Tôi về nghỉ 3 ngày tôi không đóng tiếp. Sau đó đạo diễn Đỗ Thanh Hải gọi điện nói: “Em chấp nhận đổi sang Táo Quy hoạch”. Tôi liền bảo: “Ừ, thế thì anh lại lên đóng”. Khi đó tôi nhất quyết không đóng Táo Giao thông, bảo đạo diễn kêu ai đóng thì đóng.

Trong 15 năm làm Táo, tôi có tới 6 năm làm Táo Giao thông. Đó cũng là giai đoạn thành công nhất của tôi và là vai Táo tôi thích nhất. Tôi có 1 năm đóng Ngọc hoàng, hình như năm 2004 hay 2005. Tôi từng đóng Táo quy hoạch, Táo cơ chế, Táo thổ… nhiều Táo rồi. Nhưng 6 năm đóng Táo Giao thông là 6 năm đất nước chuyển mình, giao thông của Việt Nam tốt lên, chuyển đổi từ Bộ trưởng này sang Bộ trưởng khác, mà mình lại nói về những vấn đề bức xúc của người dân, cùng với sự sáng tạo của tập thể nên đã tạo nên một Táo Giao thông ấn tượng. Chính vì ấn tượng nên tôi không muốn xóa đi điều lưu giữ đó trong lòng khán giả.

NSƯT Chí Trung: "Tôi luôn nói chia tay Táo quân mà lòng rất đau!" - 5

- Nếu đây là năm đầu tiên không tham gia Táo Quân nữa, anh có điều gì muốn nói với các đồng nghiệp thân thiết của mình như Xuân Bắc, Vân Dung, Tự Long… Những người đã cùng từng anh 15 năm qua làm nên thương hiệu Táo Quân?

Tôi có thể năm nay cũng không đóng nữa mà có thể sẽ đóng tiếp đến 10 năm nữa nếu kịch bản tốt. Mọi người có thể thấy 3 năm nay tôi đều nói không đóng Táo quân nữa. Nhưng không có nghĩa Chí Trung nói mà không làm. Một lời hứa có thể chẳng là gì nếu như mình có thể cống hiến cho mọi người. Đấy là vì cái chung thôi.

Với những người đồng nghiệp trong Táo quân, chúng tôi là những người đồng lứa, đồng trang. Có một số người nhỏ hơn về tuổi nhưng về tuổi nghề, các bạn ấy đều có độ chín.

NSƯT Chí Trung: "Tôi luôn nói chia tay Táo quân mà lòng rất đau!" - 6

- Trong những năm tham gia Táo quân, Chí Trung mang đến hình ảnh một Táo vừa vui tính vừa hay chống chế bởi những câu nói ngu ngơ nhưng kỳ thực ẩn giấu nhiều ý nghĩa thâm thúy. Có nhiều câu thoại trong nhân vật Táo do anh đóng đã trở thành xu hướng trên mạng, được cộng đồng mạng yêu thích. Bản thân anh ấn tượng nhất với câu thoại hài hước nào trong sự nghiệp làm Táo?

Cách đây 2 năm, tôi vẫn nhớ nhất 2 câu thoại nhân vật Táo của mình. Đó là “Giàu thì nó ghét. Đói rét thì nó khinh. Mà thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt”. Hay như câu “Nước trong thì không có cá. Người tốt quá thì không có ai chơi”. 2 câu đó ngẫm ra thấy đúng với số phận của nhiều hào kiệt lẫn người dân trong cuộc sống hàng ngày. Những câu đó tôi tâm đắc, tôi vẫn đi khắp đất nước nói cùng các bạn trong những cuộc nhậu hay những buổi trò chuyện với ấm nước chè.

Mọi người vẫn hay nói với nhau như thế, càng nói càng ngấm nhưng chẳng ai nói đúng được bằng nguyên bản Chí Trung nói. Bởi vì đơn giản, tại sao Chí Trung lại được yêu mến qua một số vai của Táo quân? Không đơn giản vì Chí Trung là người nổi tiếng đâu. Cái phong cách của tôi là một loại hài… thâm (thâm thúy- PV).

Tôi không duyên dáng bằng em Xuân Bắc, em Tự Long hay em Công Lý, Vân Dung, Quang Thắng. Tôi không được nổi tiếng như anh Quốc Khánh hay chị Minh Vượng, chị Minh Hằng nhưng tôi có style (phong cách) đặc biệt.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải bảo tôi như một “trụ đế” mà khi thiếu trụ đế ấy, mọi cái lung linh khác trở nên dễ đổ vỡ. Đó là lý do mà 3, 4 lần từ chối nhưng đạo diễn vẫn thuyết phục tôi ở lại. Năm nay cũng vậy, đạo diễn Đỗ Thanh Hải lại bảo tôi. Nếu trụ đế ấy còn giá trị thì tôi vẫn sẽ tiếp tục làm trụ đế cho các bạn ấy.

NSƯT Chí Trung: "Tôi luôn nói chia tay Táo quân mà lòng rất đau!" - 7

NSƯT Chí Trung: "Tôi luôn nói chia tay Táo quân mà lòng rất đau!" - 8

NSƯT Chí Trung: "Tôi luôn nói chia tay Táo quân mà lòng rất đau!" - 9

Trong các nghệ sĩ anh từng đóng chung trong Gặp nhau cuối năm, với mỗi nghệ sĩ hẳn sẽ để lại ấn tượng riêng với anh. Anh nhận thấy “Ngọc hoàng” Ngọc Khánh, “Bắc Đẩu” Công Lý hay “Nam Tào” Xuân Bắc là những người như thế nào? Và anh kỳ vọng điều gì ở Táo quân năm nay?

Đây cũng là lần đầu tiên tôi trả lời về những đồng nghiệp của mình. Bởi tôi có một nguyên tắc sống ít khi nhận xét về bạn diễn, nhất là bạn cùng trang lứa. Nhưng hôm nay tôi sẽ trả lời một chút. Tôi không phải đạo diễn chương trình, không phải người thầy hay người quản lý các bạn ấy. Tôi chỉ là người thành công cùng các bạn ấy trong chương trình Táo quân. Nhưng phải thừa nhận rằng để có được một dàn Táo như hiện nay là điều rất khó khăn. Đã rất nhiều lần đạo diễn nhân dân Khải Hưng – cha đẻ của Táo quân – cho đến đạo diễn Đỗ Thanh Hải muốn thay đổi dàn diễn viên, muốn đưa những gương mặt mới vào.

Thay đổi là nhu cầu tự thân không chỉ của mỗi cá nhân mà còn của tập thể, nhất là với một thương hiệu. Nhu cầu muốn thay đổi diễn viên thuộc về rất nhiều khán giả. Họ nói: “Dàn Táo này cũ thế”. Đạo diễn đã thử “cấy” diễn viên mới vào từ năm 2010, 2011… nhưng có lẽ dàn Táo hiện nay đã quá “bắt nhau”. Ê-kíp tạo nên thành 5 ngón tay, thậm chí 10 ngón tay rất khó thay thế. Điều đó do cả lối diễn của diễn viên cho tới định hình trong tâm trí của khán giả.

Như Ngọc Hoàng phải là Quốc Khánh. Bỗng nhiên vì lý do gì Chí Trung “lobby” (phong bì) giỏi mà chạy sang vai Ngọc Hoàng thì khán giả nửa đất nước sẽ phản đối ngay. Hay như Nam Tào phải là Xuân Bắc mà Bắc Đẩu phải là Công Lý.

Tôi nghĩ, với dàn Táo như vừa rồi, tôi vẫn đề nghị các bạn ấy: Một là phải có kịch bản thật hay trong năm 2019 hay 2020, sau đó ta thay toàn bộ lớp diễn viên trẻ vào để chúng ta làm lại từ đầu thì sẽ thành công trong 3 năm tiếp.

NSƯT Chí Trung: "Tôi luôn nói chia tay Táo quân mà lòng rất đau!" - 10

- Là giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, trọng trách trên vai rất nặng nề khi khán giả vẫn còn chưa mặn mà với sân khấu kịch. Anh giải quyết vấn đề bài toán doanh thu của nhà hát ra sao?

Năm nay là một năm chứng kiến nhiều chuyển biến của Nhà hát Tuổi trẻ trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà hát. Cột mốc này vừa là may mắn vừa là trách nhiệm và vinh dự đối với cá nhân tôi. Thêm vào đó, năm 2018 kỷ niệm 30 năm ngày mất của tác giả Lưu Quang Vũ. Vừa rồi Nhà hát có tổ chức 20 suất diễn các vở kịch của Lưu Quang Vũ, khán giả xếp hàng mua vé rất đông. Ngoài ra tôi có họp, xin ý kiến và cho ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới của Nhà hát. Với một Nhà hát công lập ngoài Bắc, tôi là người đầu tiên cho bán vé online. Nếu người ngoài nhìn vào cứ nghĩ Nhà hát Tuổi trẻ chỉ có kịch. Không phải thế! Nhà hát có 2 bộ phận: ca múa nhạc và kịch nói. Trong thời gian tới, tôi sẽ đưa 40 nghệ sĩ vào TP. HCM để biểu diễn tại Nhà hát, đồng thời tổ chức lưu diễn các chương trình chào Tết, diễn ở 18 tỉnh thành phía Bắc…

Với những vở diễn có các diễn viên đang hot như Thu Quỳnh (vai My sói của Quỳnh búp bê) hay Bảo Thanh (phim Sống chung với mẹ chồng), phải chăng đó là điều mà Nhà hát Tuổi trẻ muốn kéo khán giả đến với kịch nhiều hơn?

Nếu nói về việc đưa diễn viên hot thì Chí Trung là… hot nhất Nhà hát. Rồi Vân Dung hot hơn Thu Quỳnh nhiều. Diễn viên truyền hình nổi lên rồi lại chìm ngay. Ngay cả những vai Táo của tôi, lên rồi lại xuống. Hơn ai hết, chúng tôi hiểu nó chỉ là bong bóng xà phòng. Là một giám đốc Nhà hát, một người hoạt động lâu năm, một nghệ sĩ già của Nhà hát, tôi xin nói rằng 40 năm qua chúng tôi chưa bao giờ dùng ảo ảnh đến với khán giả. Trong những dàn viên ngọc quý của chúng tôi phải kể đến nghệ sĩ Lê Khanh, Vân Dung, Minh Hằng, Ngọc Huyền, Lan Hương… Với tôi, diễn viên nào cũng rất quan trọng nhưng cũng không có một ngôi sao nào trở nên quan trọng. Đơn giản vì chúng tôi là một tập thể. Mỗi vở diễn, mỗi nhân vật đều được tập luyện chu đáo. Trách nhiệm lớn nhất là diễn dành cho khán giả, chứ không phải là bắn từng ngôi sao của Nhà hát lên gắn trên màn bạc.

NSƯT Chí Trung: "Tôi luôn nói chia tay Táo quân mà lòng rất đau!" - 11

- Anh từng nói vui vào đầu năm 2016 khi anh là phó giám đốc lương chỉ có 7 triệu. Giờ đây mức lương của anh và các nghệ sĩ tại Nhà hát có cải thiện ra sao? Các nghệ sĩ trong Nhà hát chia sẻ khó khăn đó với anh ra sao?

À, giờ lương được tăng lên 8 triệu rồi! Thực ra lương của chúng tôi không thay đổi được vì theo chế độ hạch toán kinh tế nhà nước. Chúng tôi có bảng lương, cứ nhảy theo bậc thôi. Nếu có một ngôi sao bỗng nhiên xuất hiện trên đỉnh đầu thì lương cũng không thể nhích lên. Nhưng chế độ bồi dưỡng biểu diễn, lương thưởng thì đỡ hơn một chút. Một Nhà hát ở phía Bắc diễn không đông khách lắm, với 160 người cùng sinh hoạt tại đây thì khó khăn chồng chất lên chúng tôi như thế nào, chắc các bạn cũng phần nào hiểu được. Nhưng phải thừa nhận rằng niềm vui lấp lánh trong những khuôn mặt của các nghệ sĩ chúng tôi, sự nô nức làm việc cả ngày cuối tuần hay khi anh em không có việc gì vẫn tới đây trò chuyện với nhau bởi họ coi Nhà hát là ngôi nhà của họ. Ở đây tôi chỉ lưu giữ “phần hồn” của họ còn “phần xác” họ phải đi kiếm ăn kiếm sống.

NSƯT Chí Trung: "Tôi luôn nói chia tay Táo quân mà lòng rất đau!" - 12

- Hai người con của anh đều đã lập gia đình, nhưng còn điều gì anh vương vấn phải lo cho các con?

Tôi thực ra không vướng bận điều gì ở các con. Tôi còn 3 năm công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ. Với gia đình, mọi chuyện đều tốt cả. Vợ cũng đã nghỉ hưu rồi. Hai con cũng đã trưởng thành và sắp có con. Tôi chỉ lo cho người con gái lớn của tôi và môi trường để chuẩn bị cho thế hệ giám đốc tiếp theo của Nhà hát. Tôi là đời giám đốc thứ 7 của Nhà hát nên luôn giữ những giá trị tốt đẹp truyền thống và phát triển nó tốt lên.

Tôi không đặt ra kỳ vọng gì ở các con mình. Bố mẹ của tôi cũng có kỳ vọng gì ở tôi đâu. Tại sao phải đặt ra trách nhiệm đó làm gì?! Mỗi cây mọc lên, khi bạn cắm xuống đất, bạn mua cây đó nhưng khi nó nở hoa thế nào làm sao bạn biết được.

- Là người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ ảnh trên mạng xã hội, có lúc nào anh cảm thấy chán, không muốn sử dụng Facebook? Không ít người nổi tiếng bị lợi dụng hình ảnh trên Facebook. Bản thân anh đã bao giờ gặp phải tình huống bị lợi dụng tên tuổi như vậy hay chưa? Nếu có, anh xử lý tình huống đó ra sao?

Thực ra ở trong một xã hội, chúng ta phải chấp nhận quy luật “Black & White” – Có trắng có đen. Nếu chúng ta cứ cay cú về việc đó thì sẽ mỏi mệt. Nhưng không vì thế mà chúng ta không giữ hình ảnh bản quyền. Cá nhân tôi đôi lúc nhìn thấy hình ảnh của mình bỗng nhiên đi quảng cáo cho một vài sản phẩm nhưng đó đều là sản phẩm không mang tính bền lâu, họ chỉ mang tính chộp giật. Tôi cũng thông cảm vì ai cũng phải kiếm sống. Nhưng với một thương hiệu lớn, họ tìm đến tôi để làm thương hiệu cho những sản phẩm sạch thì tôi đồng ý. Bản thân mình cũng phải sống sạch để nhân cách, hình ảnh của mình phát triển theo cùng sản phẩm mình đồng ý quảng cáo.

NSƯT Chí Trung: "Tôi luôn nói chia tay Táo quân mà lòng rất đau!" - 13

- Mạng xã hội Facebook tại VN đang bị coi là nơi để cộng đồng mạng sẵn sàng “ném đá”, làm “anh hùng bàn phím”. Anh nghĩ gì về việc người dùng Facebook dựa vào sự ẩn danh của mạng xã hội để cho mình quyền được xúc phạm người khác?

Trang mạng xã hội như một con đường ngoài phố. Nếu mình bức xúc với nó, mình không tham dự nó thì mình không có đường đi. Ngược lại, mình cũng không nên cãi nhau với một người xa lạ. Đường mình đi thì mình cứ đi. Tôi không đánh giá cao những mặt tích cực của trang mạng xã hội ở việc làm cho tôi rối trí. Bởi đó là con đường chúng ta buộc phải đi. Tôi vẫn lợi dụng con đường đó để đi được đến đích. Đó là quảng bá thương hiệu Nhà hát và của tôi. Tôi không nên cãi nhau với những người đi ngược chiều hay vượt đèn đỏ làm gì cho mất công.

- Thú vui của anh trong cuộc sống đời thường là gì?

Thú vui của tôi là xem bóng đá, đi nhậu cùng bạn bè và có một thú vui cá nhân là mang đàn guitar ra ngồi hát, nếu ứa được lệ thì càng tốt.

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

 

Bài viết : Thu Vũ

Ảnh: Hoàn Như

Thực hiện: Nãm Trung Nguyên

Thứ Ba, ngày 01/01/2019 00:06 AM (GMT+7)
Theo Thu Vũ - Hoàn Như ([Tên nguồn])