DANH MỤC

Căng thẳng Nga - Ukraine, ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam?

Trong ngày 24/2, Nga tuyên bố tiến quân vào miền đông Ukraine, điều này đã gây ra những lo lắng ban đầu về những tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia điều này không ảnh hưởng lớn đến kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam? - 1

Căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam? - 2

Căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam? - 3

Từ châu Á, Âu tới Mỹ, các thị trường tài chính chủ chốt đều chìm trong sắc đỏ sau khi Nga tấn công Ukraine do tâm lý chung mọi người đều lo ngại tác động tiêu cực tới nền kinh tế, nhưng càng về cuối phiên dòng tiền bắt đáy càng tham gia mạnh.

Thị trường tài chính Việt Nam và thế giới có ngày biến động mạnh

Sáng 24/2, ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở phía đông Ukraine thị trường tài chính thế giới đã được "nhuộm đỏ" với biên độ giảm sâu. Chứng khoán Việt Nam ngay lập tức cũng phản ứng mạnh đỏ lửa trong xu thế chung của toàn thế giới.

Kết phiên giao dịch ngày 24/2, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 17,45 điểm tương ứng 1,15% còn 1.494,85 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 16,79 điểm tương ứng 1,09% còn 1.522,04 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 7,66 điểm tương ứng 1,73% còn 434,88 điểm; UPCoM-Index giảm 1,19 điểm tương ứng 1,05% còn 112,32 điểm. 

Trong khi giá vàng thế giới vượt mốc 1.970 USD/ounce, giá vàng miếng tại một số doanh nghiệp trong nước đã lên trên 67,5 triệu đồng/lượng (thời điểm 18 giờ ngày 24/2), đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên sau đó, nền tài chính thế giới và Việt Nam cũng đã nhanh chóng phục hồi sau những thông tin tiêu cực về xung đột tại Nga và Ukraine.

Theo đó, thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm (24/2), đảo ngược sự giảm điểm chóng mặt vào đầu phiên, khi nhà đầu tư bớt lo về ảnh hưởng của việc Nga tấn công Ukraine.

Căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam? - 4

Giá dầu thô quay đầu đi xuống, không giữ được mức giá 100 USD/thùng. Cụ thể, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London chỉ còn tăng 2,24 USD/thùng, tương đương tăng 2,3%, chốt ở 99,08 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt 105,79 USD/thùng.

Giá dầu WTI giao sau tại New York cũng chỉ tăng 0,71 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở 92,81 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI đạt 100,54 USD/thùng. 

Về giá vàng thế giới sau khi liên tục leo cao lên đỉnh 20 tháng, có lúc đạt mức 1.976 USD/ounce, giá vàng thế giới đêm 24/2 (giờ Việt Nam) bất ngờ quay đầu lao dốc mạnh có lúc xuống còn 1.877 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 trên sàn Comex cũng bốc hơi mạnh xuống còn 1.891 USD/ounce.

Tại thời điểm 6 giờ 30 sáng 25/2/2022, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.910 USD/ounce, thấp hơn khoảng 75 USD/ounce so với mức đỉnh đạt được hôm qua.

Giá vàng trong nước cũng không còn “nhảy nhót” như trong ngày 24/2 khi giá vàng được niêm yết theo xu hướng giảm mạnh ở chiều bán ra ở một số thương hiệu.

Căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam? - 5

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số sau phiên rung lắc mạnh hôm qua, thị trường đã dần ổn định trở lại trong sáng 25/2 và các chỉ số đồng loạt tăng điểm ngay từ những phút mở cửa. với việc nhiều nhóm ngành đồng thuận bứt phá, chỉ số VN-Index tăng hơn 10 điểm, vượt mốc 1.500 trong phiên giao dịch buổi sáng.

Kết thúc phiên giao dịch VN-Index đóng cửa tăng 4,04 điểm (0,27%) lên 1.498,89 điểm. Trong khi đó HNX-Index đóng cửa ở mốc trên 440 điểm, tương ứng tăng 5,28 điểm (1,21%) trong ngày. UPCoM-Index hôm nay tăng 0,3% lên 112,66 điểm.

Những tác động tiêu cực chỉ là nhất thời

Theo giới chuyên gia, việc thị trường phản ứng với tin tức này là điều có thể dự báo được trước đó tuy nhiên đây hoàn toàn là những ảnh hưởng về tâm lý. Ngay trong bối cảnh Nga - Ukraine có xung đột kéo dài, kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt cũng ít bị ảnh hưởng. Do đó, những ảnh hưởng về kinh tế hoàn toàn nhẹ và được khoanh vùng.

Các chuyên gia chứng khoán nhìn nhận thị trường trong nước vẫn chưa quá tiêu cực, tuy nhiên nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng tiền mặt và hạn chế margin.

Về tác động của sự kiện này tới thị trường chứng khoán, các chuyên gia chứng khoán nhìn nhận thị trường trong nước vẫn chưa quá tiêu cực, tuy nhiên nhà đầu tư nên giữ tỷ trọng tiền mặt và hạn chế margin.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập của FIDT cho rằng, nếu như xảy ra xung đột giữa Ukraine và Nga sẽ tác động tới tâm lý của thị trường tài chính và giới đầu tư là trọng yếu. Về kinh tế, những tác động tiêu cực sẽ được khoanh vùng ở khu vực xảy ra cuộc chiến.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định trong lịch sử, các sự kiện chính trị thế giới thường chỉ tác động tới tâm lý thị trường trong một vài phiên ngắn sau đó đều ổn định dần và đi lên.  

Theo vị chuyên gia này, vấn đề địa chính trị sẽ chỉ ảnh hưởng đến tâm lý đến thị trường cho nên trong thời gian vừa rồi dòng tiền lớn vào thị trường rất yếu, thị trường chưa có sự đồng thuận lên. Sự phân hoá giữa các nhóm cổ phiếu rất rõ nét, nhóm vốn hoá lớn tăng thì nhóm vốn hoá nhỏ và vừa giảm. Ngược lại nhóm vốn hoá vừa và nhỏ tăng thì nhóm vốn hoá lớn lại đi ngang hoặc giảm. Lý do một phần đến từ việc dòng tiền lớn chưa sẵn sàng vào thị trường. Căng thẳng Nga - Ukraine cũng tác động tới quyết định xuống tiền của dòng tiền lớn.

Ông Nguyễn Duy Anh - CEO AF1 cũng đánh giá, sự kiện Nga - Ukraine hoàn toàn là yếu tố tâm lý có thể được lợi dụng để tạo ra các cú "giật rút" mà chúng ta đã từng chứng kiến chứ ít có tác động trực tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Giá vàng trong nước sẽ có khuynh hướng tăng theo giá vàng thế giới và theo nhu cầu trong nước”.

Phân tích về những tác động của xung đột giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng như thế nào tới các lĩnh vực đầu tư trong nước, ông Lâm Minh Chánh, Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni, nhận định giá vàng sẽ có khuynh hướng tăng theo giá vàng thế giới, và theo nhu cầu trong nước.

Căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam? - 6

Tuy nhiên, theo ông Chánh thì giá vàng tăng bao nhiêu rồi ngừng hay giảm thì khó ai đoán được. “Vừa rồi, vàng ở Việt Nam ăn theo ngày thần tài nên đã lên khá cao so với giá vàng thế giới. Nay có thêm tin chiến tranh, giá vàng Việt Nam còn lên cao nữa. Nếu chiến tranh Nga - Ukraine còn kéo dài, cộng thêm tính lo xa của người Việt thì giá vàng Việt Nam sẽ khó xuống”, ông Chánh nhận định.

Phân tích về những tác động đến thị trường chứng khoán, ông Chánh cho rằng thị trường chứng khoán, tức là chỉ số VnIndex, giá cổ phiếu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi tin chiến tranh. Chỉ số VnIndex, giá cổ phiếu không hẳn cứ thế mà xuống, mà nó sẽ xuống rồi lên, lên rồi xuống, nhảy múa tưng bừng. Ai cũng đoán được cái trend là giảm, nhưng giảm đến mức nào, và khi nào sẽ phục hồi, thì khó ai đoán đúng.

Theo vị chuyên gia tài chính cá nhân này thì: “Thị trường này sẽ tạo sóng cho các anh tài lướt sóng, kinh doanh ngắn hạn. Nhưng hãy cẩn thận, nếu thị trường rớt sâu, thì cổ phiếu rác, cổ phiếu bơm thổi sẽ rớt sâu hơn thị trường, và có nguy cơ đi về nơi sâu lắm”.

Đưa ra lời khuyên với các nhà đầu tư dài hạn, ông Chánh cho rằng những nhà đầu tư cần trả lời được các câu hỏi về giá trị nội tại của các cổ phiếu/doanh nghiệp nhà đầu tư đang nắm giữ có thật sự bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh Nga - Ukraine?

Đối với những cổ phiếu/doanh nghiệp có giá trị nội tại - đo bằng giá trị hiện tại của dòng tiền lợi nhuận tư do - không bị ảnh hưởng nhiều, thì giá cổ phiếu có xuống theo thị trường, rồi cũng lên lại. Cổ phiếu có giá trị tốt sẽ bật tốt hơn thị trường sau khi hết bị ảnh hưởng của tin chiến tranh.

Danh mục có đủ đa dạng và có đều không, có bị lệch không? Theo ông Chánh thì danh mục càng đa dạng thì rủi ro càng thấp.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nga và Ukraine thế nào?

Theo giới chuyên gia, sự kiện Nga -Ukraine dường như chỉ tác động tới tâm lý nhà đầu tư mà ít tác động trực tiếp tới kinh tế Việt Nam hay doanh nghiệp Việt.

Một số chuyên gia lo ngại, các lệnh trừng phạt và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, qua đó trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao...

Ở phía nguồn cầu, lạm phát còn có thể làm cho tiêu dùng và tiến độ giải ngân đầu tư trong nền kinh tế bao gồm cả đầu tư công chậm lại, do mặt bằng giá tăng cao và biến động khó lường...

Căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam? - 7

Tuy nhiên, ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập của FIDT cho rằng, sự việc trên tác động tới nền kinh tế và doanh nghiệp là rất thấp, bởi giao thương giữa Việt Nam với Ukraine và Nga chưa tới 8 tỷ USD, tức chỉ đâu đó 1% kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021.

Ngược lại, các lệnh trừng phạt kinh tế từ phía EU – Mỹ sẽ đẩy giá các mặt hàng tăng cao và tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu khác. Điển hình, Nga là một trong những cường quốc xuất khẩu phân bón lớn, và với một đất nước sản xuất và xuất khẩu phân bón tốt như Việt Nam thì đây là một cơ hội rất sáng.

Ngoài ra, cũng không tác động kinh tế hay chính trị nên cần bình tĩnh và nhìn nhận đây là cơ hội bởi sự lo ngại về tâm lý.

“Cơ bản trong ngắn hạn, tài sản rủi ro đều giảm bởi tâm lý. Về tổng thể, cuộc chiến này không ảnh hưởng nhiều tới toàn cầu, chỉ khoanh vùng ở đây”- ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập của FIDT nhận định.

"Trong bối cảnh này cần giữ cái đầu lạnh và có nước đi quản trị danh mục hợp lí thay vì lo lắng. Không ai muốn cuộc chiến xảy ra vì thiệt mạng tới dân thường. Nhìn dưới góc độ nhà tư vấn, đây là cơ hội đầu tư rất tốt. Nhìn rộng hơn, chúng ta còn được hưởng lợi từ việc EU có thể dời hoạt động kinh doanh đến nơi có chính sách hợp lý và chính trị ổn định. Nên sau câu chuyện này có thể dẫn đến 1 điểm xoay chuyển gia tăng đầu tư FDI vào khu vực như Đông Nam Á, Đông Bắc Á", ông Tuấn nhấn mạnh.

Thực tế, kim ngạch xuất nhập khẩu, giao thương kinh tế của Việt Nam với các nước như Nga, Ukraine ở mức nhỏ so với tổng kim ngạch của Việt Nam năm qua. Do đó, trong trường hợp chiến tranh căng thẳng giữa hai bên kéo dài, những bất ổn này cũng sẽ không có tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD tăng 25,9% so với năm 2020 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Liên Bang Nga. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN và là đối tác lớn thứ 5 trong các nền kinh tế APEC (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản).

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Liên Bang Nga sang Việt Nam đạt 2,24 tỷ USD tăng 38,3% (đứng thứ 39 trong số các đối tác thương mại của Nga); kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 4,89 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2020 (đứng thứ 12 trong các đối tác nhập khẩu chính của Nga). Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD trong năm 2021.

Về đầu tư, cho đến nay, Ukraine có 27 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 30,1 triệu USD (theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài tính đến tháng 9 năm 2020), đứng thứ 67 trên tổng số 138 nước và vùng lãnh thổ đầu tư và Việt Nam.

Căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam? - 9

Theo Tổng cục Hải quan, tính cả năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 668,55 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, tương ứng tăng 123,23 tỷ USD. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19%, tương ứng tăng 53,68 tỷ USD và nhập khẩu đạt 332,23 tỷ USD, tăng 26,5%, tương ứng tăng 69,54 tỷ USD.

Như vậy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ukraine hay Nga chỉ vào khoảng 7,6 tỷ USD, chiếm khoảng 1,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2021.

Căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Việt Nam? - 10

Trung Kiên – Hồng Hương

Thứ Bảy, ngày 26/02/2022 20:47 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Hương - Trung Kiên ([Tên nguồn])