Tìm lại dung nhan: Khát khao được toàn vẹn

Dù phải trải qua bao nhiêu cuộc phẫu thuật đau đớn, dù nhiều bệnh viện đã lắc đầu, dù đã đi gần hết cuộc đời… nhưng họ vẫn kiên trì tiếp tục cuộc hành trình “nhặt” lại nhan sắc đã đánh mất.

Lần ấy, thạc sĩ- bác sĩ (ThS-BS) Nguyễn Anh Tuấn, đơn vị phẫu thuật - tạo hình - thẩm mỹ, Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TPHCM, khá bất ngờ khi bệnh nhân của mình là một cụ bà gần 70 tuổi. Cách đây mấy mươi năm, trong sự hỗn loạn của thời chiến, một viên đạn lạc đã khiến bà mất đi hoàn toàn vùng mũi.

Mũi của bà chỉ còn là một vùng phẳng có 2 lỗ sâu hoắm. Bà luôn phải sống với chiếc khẩu trang, vừa để che đi khuôn mặt với khiếm khuyết mà mình rất mặc cảm, vừa để ngăn khói bụi tấn công do không còn chiếc mũi để lọc không khí. Thời trẻ, vài lần tìm đến các BV nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu, nên bà cũng từ bỏ và trở về sống lầm lũi với khuôn mặt không bình thường.

Quyết tìm lại nhan sắc

Vậy mà ở cái tuổi gần đất xa trời, khi con gái út sắp lên xe hoa, lòng bà lại dậy ước mơ cũ. Dù chỉ một lần, bà cũng mong được bỏ chiếc khẩu trang, tươi cười với họ hàng, khách khứa. “Chúng tôi đã dùng sụn vành tai tái tạo khung xương, rồi ghép nhiều vạt da lấy từ trán để làm phần mềm; dùng các niêm mạc, sàn mũi… còn lại để tạo phần bên dưới mũi.

Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng người phụ nữ ấy đã phải trải qua đến 6 cuộc phẫu thuật trong vòng một năm để có được dung nhan như bây giờ” - BS Tuấn kể lại. Gương mặt toàn vẹn đã trả lại cho người phụ nữ nụ cười và những năm hạnh phúc cuối đời. Có lần, bác sĩ Tuấn gọi điện hỏi thăm thì bà vui lắm, còn khoe tăng được 5 kg…

Một nữ bệnh nhân khác cũng tìm đến BV Tai Mũi Họng tạo hình vành tai khi đã khá lớn tuổi. Bà bị dị tật tai nhỏ bẩm sinh nên đã mang trong mình mặc cảm suốt mấy mươi năm, phải để tóc che một bên mặt. BS Tuấn kể: “Lúc đó, tôi cũng khuyên cô ấy nên suy nghĩ kỹ vì cô đã có chồng con đề huề và người bạn đời cũng không hề chê bai; chi phí phẫu thuật lại rất đắt so với đồng lương công nhân của vợ chồng… nhưng cô ấy vẫn quyết làm”.

Tìm lại dung nhan: Khát khao được toàn vẹn - 1

Một người bị biến dạng khuôn mặt, cơ thể do phỏng được khám tại Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương

Còn cô gái trẻ N. (24 tuổi, ngụ tại Cà Mau) đang điều trị tại BV Cấp cứu Trưng Vương mà chúng tôi đề cập ở bài viết trước, đã dần hồi phục - một nỗ lực phi thường. Từ khi bị tạt axít năm 18 tuổi, cô trải qua 6 năm điều trị với gần 30 cuộc phẫu thuật. “Người bị phỏng rất dễ có các vết sẹo làm co kéo, ảnh hưởng nặng nề đến chức năng. Nhưng nếu họ có nghị lực vượt qua đau đớn và tập luyện, việc điều trị sẽ dễ dàng hơn rất nhiều” - TS-BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng Khoa Bỏng - Tạo hình - Thẩm mỹ của BV Cấp cứu Trưng Vương, cho biết.

“Cả đến giọng nói này cũng là nhờ em tập đấy. Hồi mới bị phỏng, phần cổ, miệng bị co kéo, tiếng nói không còn tròn, nói không ai hiểu, ăn uống còn khó… Đôi bàn tay này, nếu không tập chắc cũng khó cầm nắm được, nói gì đến viết. Lần này em đến mổ mấy vết sẹo sau cổ, rồi sẽ tiếp tục tập để có thể cúi, xoay cổ được…”.

Vừa nói, N. vừa cố trở mình chỉ những vết sẹo. Bên dưới lớp áo bệnh viện, cơ thể cô gái trẻ thấp thoáng những vết tích khủng khiếp. Nhưng cô luôn tin rằng sẽ có ngày mình trở lại với cuộc đời. Giọng nói nhẹ nhàng, thanh thoát và mạch lạc của N. như một bằng chứng sống động cho những gì cô đã tìm lại bằng nghị lực từ sau thảm kịch. Sau chừng ấy cuộc phẫu thuật, phần nào nhan sắc của cô cũng về dần trên khuôn mặt…

Mở cửa cuộc sống mới

Trần Mỹ Ph. (32 tuổi) đã trải qua hàng chục năm trong nỗi mặc cảm vì khuôn mặt hõm sâu hết một nửa bên phải. “Tôi bị tai nạn từ hồi 6 tháng tuổi nhưng nhà nghèo quá nên không được chữa trị. Tôi hầu như không có bạn bè, đi đâu cũng phải che mặt lại…” - cô ngậm ngùi. Mãi đến gần đây, Ph. mới có điều kiện phẫu thuật. Sau khi được tiêm mỡ vào má cùng một số thủ thuật thẩm mỹ khác, Ph. đã có gương mặt đầy đặn, cân đối.

PGS-TS-BS Lê Hành, Trưởng Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ BV Chợ Rẫy, Chủ nhiệm Bộ môn Phẫu thuật - Tạo hình - Thẩm mỹ, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, người đã phẫu thuật cho Ph., cho biết: “Ph. tự tin lên hẳn với gương mặt mới. Một khuôn mặt bị biến dạng khiến người ta gặp rất nhiều khó khăn, có người như bị cách ly khỏi xã hội, không dám đi đâu, làm gì. Trả lại gương mặt cho một người còn là trả lại cho người ấy một đời sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn”.

BS Lê Hành cũng là một trong những người tham gia phẫu thuật và đang tiếp tục theo dõi Kiều Thị Mỹ Dung, cô gái 22 tuổi có khối u khổng lồ được BV Chợ Rẫy phẫu thuật hồi đầu năm. Hiện tại, khuôn mặt Mỹ Dung vẫn mang nhiều sẹo lớn sau khi bóc tách khối u gần 2 kg nhưng cô đã vui sướng hòa mình vào cuộc sống bình thường.

“Cô bé kể với tôi rất nhiều chuyện, bảo rằng nay mỗi ngày cô đã tự do đi chợ, đi chơi, không phải mang cảm giác tủi hổ khi ra đường nữa. Dung còn khoe cả làng đều mừng cho dung nhan mới của cô. Do tính chất của ca mổ, một số sẹo lớn sẽ tồn tại trên mặt của Dung nhưng thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện tạo hình tai và một số phẫu thuật thẩm mỹ khác để dung nhan cô gái trẻ được hoàn thiện hơn” - BS Hành cho biết.

Cố cứu các chức năng

Cách đây không lâu, Khoa Răng Hàm Mặt BV Nhân dân 115 tiếp nhận một nữ công nhân 20 tuổi bị tai nạn giao thông gãy chân và biến dạng một nửa mặt bên trái. “Cô bé rất tội nghiệp, bị lép một bên mặt, lộ xương trán, lệch trục nhãn cầu và không còn phản xạ ánh sáng ở mắt” - BS Trần Xuân Thông, trưởng khoa, nhớ lại. Nhờ phẫu thuật tạo hình xương, các BS đã giúp cô gái tìm lại dung nhan xưa nhưng đôi mắt có thể không còn được thấy ánh sáng mới là điều họ quan tâm nhất. BS Thông trăn trở: “Chúng tôi quyết làm mọi cách để cứu lấy bên mắt trái ấy. Cô ấy còn quá trẻ và chính chúng tôi cũng không ít lần chứng kiến nhiều tai nạn làm thay đổi, dở dang cả cuộc đời các bạn trẻ mà cuộc sống đang phơi phới…”. Đối với các BS, thành quả lớn nhất của ca phẫu thuật chính là trả lại ánh sáng cho cô gái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Thư (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN