Xóm tôi đón bão

Cơn bão được dự báo là mạnh cấp 8 cấp 9, giật cấp 10 cấp 11, đổ bộ thẳng vào Sài Gòn khiến rất nhiều người trong đó có xóm tôi vô cùng hoang mang.

Đây không phải là cơn bão mạnh, nhưng với người dân miền Nam nói chung thì là rất mạnh vì họ không quen... sống chung với bão. Là người dân sống trong vùng sẽ có bão quét qua đương nhiên là tôi lo lắng, nhưng tôi đặc biệt lo lắng hơn cho người dân xóm tôi.

Xóm tôi trước đây là xóm nhà lá, giờ hiện đại hơn được đổi thành xóm nhà mái tôn. Người dân xóm tôi, nhất là phụ nữ, rất ít khi xem thời sự. Bật ti vi lên là họ dò cho bằng được kênh nào có cải lương, cùng lắm là xem tạm The voice hoặc phim chưởng bộ Hồng Kong chứ cái trò “dự báo thời tiết” nhàm chán đừng hòng họ để mắt tới. Vậy nên thông tin bão gió như nước sôi lửa bỏng thế này họ đâu có biết, thậm chí nhiều người còn chả biết bão là gì. Điếc không sợ súng, chủ quan là tự sát, rất nguy hiểm!

Nhận thấy nguy cơ, tôi họp mấy anh em trong xóm, chủ yếu là những người thạo tin và có tinh thần trách nhiệm cao, thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt Xóm nhằm ứng phó khẩn cấp với “siêu bão”. Nhiệm vụ trọng tâm là theo dõi sát các bản tin dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn để cập nhật cho bà con, nhắc nhở và hướng dẫn đến từng hộ việc che chắn nhà cửa, hỗ trợ kịp thời các trường hợp bị thiệt hại do bão... Phương hướng hoạt động được anh em nhanh chóng biểu quyết với kết quả 100% đại biểu nhất trí thông qua.

Vậy là anh em bắt tay vào việc. Khó khăn đầu tiên trong công tác tuyên truyền là anh em khá vất và để giải thích cho bà con hiểu bão là gì? Một số bà con thì lại thắc mắc là tại sao các ông biết bão về? Thậm chí có người tỏ ra nghi ngờ hỏi rằng khả năng dự báo có chính xác bằng các nhà ngoại cảm không? Nhưng cuối cùng, bằng các biện pháp nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm cao chúng tôi đã thuyết phục bà con hoàn toàn yên tâm là sẽ có bão về 100% (phải nói chắc chắn thế chứ nếu nói khả năng là 50-50 thì bà con lại nghi ngờ, sinh ra chủ quan là rất nguy hiểm).

Công tác chuẩn bị đón bão khiến không khí xóm tôi nhộn nhịp như ngày lễ. Đám học sinh được nghỉ sớm tỏ ra vui mừng lắm, trong khi phụ huynh lo sốt vó, nhiều người giật thót tim khi nghe thầy giáo đột nhiên gọi điện báo đến trường đón con về gấp, hú hồn tưởng là có chuyện gì, hóa ra là do bão được về sớm. Trước thực trạng trường học, cơ quan, xí nghiệp được nghỉ sớm, đồng thời ti vi ra rả đưa tin một số địa phương đang khẩn trương di dời bà con đến nơi tránh bão... thì mấy bà đã tin tưởng tuyệt đối là bão sắp về, mặc dù ít phút trước vẫn còn bán tín bán nghi. Thế là cả xóm trăm người như một, ai cũng tất bật chằng chống nhà cửa, thu gom đồ đạc ngoài trời như biển quảng cáo, cây phơi đồ, lồng chim, chuồng chó... khiến bộ mặt của xóm gọn gàng, rất xứng đáng với danh hiệu “khu phố văn hóa”. Nhiều bà còn chu đáo chuẩn bị mì tôm, nước suối, đèn cầy hệt như hồi nghe tin đồn tận thế năm trước. Ban chúng tôi tỏ ra khá yên tâm trước tinh thần phòng chống bão của bà con.

Đến 8h tối, theo dự báo thì chỉ còn mấy tiếng nữa là bão về, Ban chúng tôi “trực chiến” trong không khí rất căng thẳng. Chợt mụ Năm Rô ở đâu xía vô giọng chua loét:

- Trời quang mây tạnh thế này thì bão thế quái nào được?

 Ông Hai Râu tỏ ra nghiêm nghị:

- Đừng có hồ đồ! Người ta báo có bão là có bão. Kinh nghiệm cho thấy trước khi bão về mà trời đẹp thế này thì dứt khoát là bão lớn.

Anh Tư Vẩu đồng tình:

- Đúng thế! Con số 13 là con số rất nguy hiểm nên nó không giống cơn bão thông thường đâu. Phải thật uyên thâm thì mới hiểu được. Có thể là nó đang nghi binh đấy, không được chủ quan.

Không khí càng lúc càng trở nên nặng nề, bỗng đâu nàng Út Thơ đi đâu về mặt tươi hơn hớn xổ ra một tràng thơ lục bát:

 - Anh ơi tưởng bão thế nào
Hóa ra lấp lánh ánh sao đầy trời
Dịu dàng cơn gió buông lơi
Đường thông hè thoáng, cuộc đời mấy khi

Cứ thế này thì bão quanh năm cũng được các bác nhỉ?

Thiệt tình! Người ta đang như ngồi đống lửa thì nàng lại đi làm thơ. Ừ mà thật, Sài Gòn chả mấy khi đường xá thông thoáng dễ chịu như hôm nay. Nhưng mà nhà thơ thì làm sao mà hiểu sự phức tạp của bão.

Đến 10 giờ đêm vẫn chưa thấy hiện tượng gì, bà con bắt đầu tỏ ra sốt ruột, nhắn tin, gọi điện hỏi:

- Thế chính xác là mấy giờ bão về để chúng tôi còn biết đường đi ngủ đây?

Có bà còn bức xúc hỏi đểu:

- Thế bão nó đang tắc đường ở đâu mà giờ còn chưa về? Chúng tôi đóng kín cửa suốt từ chiều đến giờ, nóng ngộp muốn chết.

Bọn trẻ thì lo lắng hỏi:

- Trường cháu thông báo mai được nghỉ, thế chẳng may bão không về thì mai biết có được nghỉ không?

Tội nhất là bà Tám Béo bán quán nhậu vỉa hè ở đầu xóm. Do người dân ở nhà tránh bão hết nên chả ma nào ghé quán, đồ nhậu có nguy cơ ế chảy, mặt bả méo như cái bánh xèo. Chợt Tư Vẩu hào hứng:

- Đúng rồi, đây chính là người đầu tiên bị ảnh hưởng do cơn bão số 13 đấy, anh em chúng ta phải đến hỗ trợ ngay, phải thực hiện đúng phương trâm của Ban đề ra.

Vậy là mọi người đồng tình tắt hết điện thoại, kéo nhau ra quán bà Tám Béo nhậu, vừa giúp quán khắc phục hậu quả do bão, vừa để trốn sự truy vấn của bà con. Nhậu đến 12 giờ đêm vẫn chưa thấy mặt mũi bão đâu cả, một vài anh em chuyển từ trạng thái lo lắng do bão về sang trạng thái lo lắng nếu bão không về, sợ sẽ bị quê, sợ bị bà con chửi... Rõ khổ! Mấy ông chỉ vì sợ bị quê mà cũng mong bão về, chả trách nào thiên hạ đồn rằng có nhiều kẻ làm công trình mải mê rút ruột quá tay, sợ nó sập sớm nên cầu mong có bão về để... đổ thừa cho bão. Chợt Chín Ú đăm chiêu:

- Sao giờ này bão còn chưa về! Ngộ nhỡ bão không về thì biết ăn nói với bà con sao nhỉ?

Nhìn Chín Ú với vẻ căng thẳng, cái trán vốn đã ngắn lại nhăn lên khiến nó càng thêm ngắn, Hai Râu cười khùng khục:

- Đài đã báo về là phải về chứ! Nhưng mà nếu không về thì càng tốt chứ sao? Đây cũng là dịp tốt để bà con tập dượt tinh thần ứng phó với thiên tai. Cậu không nhớ cách đây mấy năm, một chủ tịch phường ở Đà Nắng bắc loa cảnh báo sóng thần khiến bà con chạy tán loạn, sau đó ông ta bảo tuy nhầm nhưng cũng rất mừng là bà con phản ứng rất nhanh, coi như là lần tập huấn vậy.

Lời chí lý của Hai Râu khiến anh em vỗ tay rào rào. Như vừa chút được gánh nặng, anh em hào hứng dzô dzô hết ly này đến ly khác, mặc kệ bão về hay không. Dzô đến khoảng 2h sáng, lúc đâu đấy ngoắc cần câu, ông Trưởng ban mắt lim dim cất giọng lè nhè:

- Ừm, chắc bão hôm nay hoãn rồi, chưa về đâu, anh em ta cứ về nghỉ ngơi, mai tính tiếp.

Thế rồi anh em khật khưỡng kéo nhau ra về. Ai về nhà nấy cứ vô tư gọi cửa mà không biết rằng  các bà đang cầm gậy đững đợi sẵn.

Bỗng đâu đồng loạt vang lên tiếng “bốp, bốp, rầm!” và ngay sau đó là giọng các ông đồng thanh hét lên: Ối! Ối! Bão về, bão về rồi!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN