Thoát y, phiếm

Thoát y, được hiểu nôm na là cởi bỏ một phần hoặc hoàn toàn y phục trên người.

Là con người hầu như ai cũng có ham muốn được xem những màn thoát y, miễn là nó đẹp, có văn hóa. Ví như xem trình diễn áo tắm trong các cuộc thi hoa hậu, hay xem biểu diễn thể hình của các lực sĩ. Tất nhiên cũng có người muốn xem thoát y ở khía cạnh chưa đẹp.

Các cụ ta xưa đã từng miêu tả cái sự thoát y trong ca dao:
“Yêu nhau cởi áo trao nhau
Về nhà mẹ hỏi, qua cầu gió bay”

Trang phục nửa trên của phụ nữ xưa chỉ có áo rồi đến yếm nên cái việc chỉ thoát y áo thôi cũng đã “bạo” lắm rồi.

Cụ Nguyễn Du chắc hẳn cũng có hứng thú ít nhiều với chuyện thoát y nên cụ đã miêu tả cảnh Thúy Kiều thoát y bằng một trong những câu thơ có thể coi là hay nhất Truyện Kiều, hay đến kinh điển:
“Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”.


Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung cũng miêu tả cảnh hai người gặp nhau trong tình trạng đỉnh điểm của thoát y (khỏa thân). Trên các trống đồng, phù điêu cổ cũng ghi lại nhiều hình ảnh thoát y. Nói túm lại, thoát y nó không mới, nhưng hết đời này đến đời khác người ta vẫn thích thoát y và thích ngắm thoát y bởi thoát y nghiêm túc nó rất đẹp, đẹp đến mức làm xao xuyến tâm hồn bao con người, từ kẻ phàm phu đến những bậc quân tử.

Mặc dù việc sáng tạo ra áo quần là một văn minh của nhân loại, nhưng việc cởi bỏ “văn minh” nhiều khi lại là nghệ thuật, thoát y là một bộ môn như vậy, nói hơi quá, có thể coi nó là môn nghệ thuật thứ 8, bởi nó có mặt trong tất cả các môn nghệ thuật khác như: Thi ca, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, múa, sân khấu - điện ảnh.

Thoát y nhiều khi đem lại rắc rối, nhưng cũng có khi không thoát y mới là phiền phức. Có câu chuyện thế này: Một cô người mẫu khỏa thân tới xưởng vẽ. Thấy còn khá sớm nên cô và ông họa sỹ ngồi uống cà phê với nhau trước khi làm việc. Đang cà phê dở thì nghe tiếng chân bước lên cầu thang, ông họa sỹ tái mặt nói vội với cô người mẫu cởi hết quần áo ra thật nhanh vì vợ ông đang lên cầu thang.
Vậy đấy, trong con mắt của vợ ông họa sỹ thì nghệ thuật là nghệ thuật, nghệ thuật không bao gồm chuyện cà phê tán gái.

Thoát y để làm người mẫu vẽ khỏa thân là một nghề lao động nghiêm túc trong các trường Mỹ Thuật, nhưng việc thoát y để chụp ảnh hay để họa sỹ vẽ trên người (body painting) lại không phải là nghề mà chỉ là sự ngẫu hứng của các cô gái có thân hình đẹp muốn lưu giữ lại hình ảnh cha mẹ sinh ra của một thời tuổi trẻ. Các cụ dạy: “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” thì hà cớ gì cơ thể em đẹp thế này mà cứ vải vóc kín bưng, che đậy hết cả những kỳ quan của tạo hóa – Đấy là lời các em người mẫu nhiếp ảnh hay người mẫu vẽ nói trước khi thoát y hoặc cũng thể đó là câu các vị “chụp ảnh gia” chưa chân chính xúi các em thế. Các em thì phần nhiều nói ngắn, làm nhanh, suy nghĩ tốc độ nên tác phẩm nghệ thuật thoát y của các em cũng khẩn trương ra đời, có em thì giấu riêng được cho mình để làm kỷ niệm, nhưng có khối em cũng nhanh chóng bị post hình lên mạng với tư thế phi nghệ thuật, hoặc bán nghệ thuật, những tác phẩm thoát y tơ hơ thế này đa phần đều dành cho mấy anh phàm phu tục tử vừa chiêm ngưỡng vừa nuốt nước dãi trong nỗi niềm phồn thực.
Sau khi trần trụi trên mạng, có em thì xấu hổ dọa tự vẫn - đó là một tai nạn của sự ngẫu hứng. Có em thích chí vì mình nổi tiếng – đó là tiếp thị thành công, cá biệt cũng có em tố mình bị ghép ảnh thì đó lại là Sự thật không biết đâu mà lần.
Chụp ảnh thoát y và vẽ thoát y trên cơ thể nghiêm túc nó có những quy định riêng của nó, ví như người chụp (vẽ) phải giữ được cái tâm trong sáng (cái này khó), hình ảnh phải không gợi dục (cái này đỡ khó hơn một tí) và người mẫu không được để lộ khuôn mặt sau khi lên hình (cái này dễ)... tất nhiên thoát y thế nào là đẹp còn phải có một hội đồng các chuyên gia chuyên ngắm ảnh thoát y rất “Pờ rồ” soi xét và comment, nhưng hiện tại chưa thực sự có hội đồng này (và nếu có cũng chưa ai dám nhận) vì vậy những tác phẩm thoát y vẫn còn nằm giữa ranh giới đẹp và “hư hỏng”.

Nói về sự “hư hỏng” thì trong cơ thể người đàn ông mắt chính là bộ phận “hư hỏng” nhất, nên có bà thấy lâu lâu chồng chẳng ngó ngàng gì đã quyết định thoát y trong phòng ngủ để kích thích sự hư hỏng trong mắt chồng. Thấy lạ ông chồng hỏi:
 “Hôm nay bà bị sao vậy? Có bình thường không đấy?”. Bà vợ ưỡn người tự tin trả lời: “Ông chẳng nắm được xu hướng thời trang gì cả, đây là mốt mới nhất đấy”. Ông chồng gật gù: “Cũng hay đấy, nhưng tốt nhất là bà nên dùng bàn ủi, ủi sơ qua một chút thì tốt hơn”.
Ra là vậy, thoát y có đẹp thì mới nên thoát y, làm ẩu có khi phản tác dụng.

Cũng vì vậy nên mới có chuyện rằng: Có anh chàng bị tai nạn giao thông rất nguy kịch, nghĩ rằng mình sẽ không qua khỏi, chàng bèn đưa ra một đề nghị cuối cùng của cuộc đời, đó là được nhìn thấy cơ thể của bạn gái mình trước lúc nhắm mắt. Vì tình yêu cô gái đã cho chàng thỏa ước nguyện. Bất ngờ thay, như có một sức mạnh vô hình, sau khi ngắm cơ thể người yêu chàng trai đã hồi tỉnh dần, chàng sống lại và hai người sau đó đã nên vợ nên chồng sống với nhau vô cùng hạnh phúc.
Một cặp vợ chồng già khác, ông chồng cũng bị tai nạn khá nặng, nhớ câu chuyện cảm động trên, bà vợ đã không ngần ngại đứng trước giường bệnh của chồng mà thoát y. Nhưng cũng thật bất ngờ ông chồng chỉ trố mắt nhìn cơ thể vợ được chừng vài giây và “hức hức” lên vài tiếng rồi ra đi luôn không một lời trăng trối.


Nhớ xưa, khi tờ tạp chí Playboy còn là ngôi sao, một mình một chợ nên rất “tinh tướng”, mặc dù hình ảnh thoát y của nó tỉ lệ da thịt trên áo quần chỉ là 1:1, nghĩa là đồi núi phương bắc đã rực rỡ dưới ánh đèn flash nhưng ruộng đồng phương nam vẫn chưa có điện, tối hù, chả ai nhìn thấy gì nhưng đã làm mê mẩn cả thế giới. Nhưng rồi nhu cầu xem thoát y của con người ngày một cao, Playboy đã trở nên “lúa”, giờ người ta thoát y cả nghệ thuật hay gừng thuật thì cũng đã tới bến, tất cả đều “no clothes”. Nhưng thoát y nhiều quá, thoát y liên tục, thoát y khắp nơi thì dễ sinh nhàm. Vậy nên các chị em hay thoát y hoặc sắp có nhu cầu thoát y cũng nên “tiết kiệm hình ảnh”, kẻo quá lên thì đến một ngày thế giới lại chỉ ao ước được nhìn thấy… bộ ngực lép kẹp của đàn ông.

Thoát y, cái từ hình như đại đa số dùng cho phái nữ, hiển nhiên rồi, bởi phụ nữ là phái đẹp, các đường cong, các chỗ nhô ra, lõm vào của phụ nữ đều là những kỳ quan của tạo hóa, đẹp đến mức làm đàn ông bần thần, đẹp đến đần mặt ra. Phụ nữ còn thích ngắm phụ nữ thoát y huống hồ đàn ông, nhưng nếu cứ là phụ nữ thoát y mãi sợ rằng bất công quá, thôi thì thoát y cho đàn ông chút xíu, các vị đàn ông nam giới không khoái cũng kệ thây các vị, cứ thoát y các vị một tẹo cho cân bằng âm dương:
Khách sắp đến nhà chơi thấy chồng vẫn diện xà-lỏn, vợ bực mình mắng:
- Ông tính mặc quần đùi để tiếp khách đấy à?
- Phải, tôi sẽ mặc thế này để cho người ta biết bà đã nuôi tôi tệ đến mức nào – Ông chồng hậm hực đáp.
- Được, nếu vậy thì ông cởi luôn cái quần đùi ra đi, để cho người ta thấy ông có đáng “nuôi” hay không!! - Bà vợ mỉm cười chế giễu.


Thoát y là một môn nghệ thuật, mà nghệ thuật thì có các thuộc tính của nó. Có câu danh ngôn rằng: “Nghệ thuật không có sự phi luân, sự tục tĩu xuất hiện khi mà nghệ thuật chấm dứt”. Nhưng thế nào là tục tĩu, thế nào là nghệ thuật thì lại khó phân biệt rạch ròi. Nghệ thuật là một quan điểm, định kiến văn hóa, mà văn hóa lại không có thang đo, không có tiêu chuẩn, số liệu cụ thể, nó hoàn toàn được hình thành dựa trên thói quen, quan niệm lâu đời của xã hội, của đám đông, vì vậy có thơ rằng:
“Ai ai mà cũng thoát y
Thì đứa mặc mặc gì là đứa rất hư!”


Vậy đấy, thoát y “hư” hay “ngoan”, đẹp hay dung tục hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm của xã hội. Vì vậy nếu bạn muốn thoát y để “vị nghệ thuật” hay “vị nhân sinh” thì tốt nhất hãy cân nhắc giữ gìn hình ảnh cho phù hợp với quan niệm đạo đức xã hội, đó chính là thuần phong mỹ tục của dân tộc. Chớ nên thấy tây tàu thế này thế kia mà ta cũng noi gương. Như vậy là “hư” đấy!

Cử Tạ

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN