Phiếm đàm táo quân
Theo truyền thuyết ông Táo phải "truổng cời", nên người ta cho ông mặc áo dài đen (vẫn không mặc quần) để che, để cho đỡ nóng (vì ông ngồi gần bếp) và để khỏi vi phạm thuần phong mỹ tục.
Ngày nay do văn minh nên ông Táo tự làm nhà thiết kế sáng chế ra cái quần đùi để diện bên trong tà áo lửng hệt như cái vụ chị em mặc váy ngắn phải diện thêm cái quần ren bên trong đề phòng hớ hênh vậy. Chỉ riêng ở chi tiết này đã có thể coi ông Táo là người thày dạy thẩm mỹ, dạy duyên dáng cho chị em phụ nữ hiện đại.
Cầu trời cho cái sự văn minh đừng đem tới cho ông Táo những bộ cánh kín đáo quá, e làm mất cảm hứng của của chị em.
Tin Vịt 24H đã có lần “vui miệng” kể rằng, sở dĩ ông Táo có tên là “Táo” và không mặc quần là bởi ông chính là một người đàn ông ham ăn vô độ, mấy ngày tết chỉ xơi thịt, chẳng chịu ăn rau nên bị táo… bón nặng, cứ chừng 5 phút lại vào nhà vệ sinh, chính vì tần suất “són” này quá cao nên ông Táo cũng chả mặc quần làm gì vì thấy quá bất tiện trong chuyện cởi. Ông Táo có tên như vậy và trang phục kỳ cục như thế là bởi câu chuyện trên, thực hư chưa rõ thế nào, tuy nhiên hiện tại chưa có một thuyết nào khác để phản bác lại nên ta cứ tạm tin là như thế.
Chuyện lý giải việc không mặc quần của ông Táo đã gây ra khá nhiều lúng túng. Để khắc phục điều này, nếu nhớ không nhầm thì có một năm Cười 24H đã tổ chức một cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu về trang phục của ông Táo với “bộ đề” như sau:
Ông Táo không mặc quần bởi lý do nào sau đây:
a) Do ông Táo có tính hay tắt mắt, lên thiên đình hay tiện tay nhét đồ vào túi quần nên Ngọc Hoàng thực hiện “biện pháp chống tham nhũng” không cho ông Táo mặc quần?
b) Trên thiên đình rất nóng, không mặc quần để tiết kiệm điện.
c) Không mặc quần để lấy... làm giá đỡ bản tấu.
d) Có bao nhiêu câu trả lời giống bạn?
Giải nhất là một chuyến du xuân lên Thiên đình cùng với ông Táo. Miễn phí ăn ở, hộ chiếu, thị thực. Xăng dầu do Petro tài trợ. (ghi chú: Không bao gồm tiền bo cho tiên nữ). Giải nhì là được “vui vẻ” cùng Táo bà 7 ngày, trong thời gian Táo ông về chầu.
Cũng liên quan đến cái tên ông Táo, có lần do sính ngoại ông Táo còn lấy tên tiếng Anh là Mr. Apple, lần khác lại lấy tên là Tony Táo. Cũng chính vì cái thói sính ngoại này mà có lần ông Táo đã gặp rắc rối trong việc khai báo xuất cảnh tại sân bay bởi người thì rõ ta, tên lại rõ tây. Nghe nói để tránh gặp rắc rối với hải quan và để “giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt” nên năm nay ông Táo chính thức khai báo tên của mình rất thuần Việt: Đào Lê Táo. Chưa rõ với cái tên đủ các loại hoa quả thế này ông có gặp rắc rối với đội kiểm dịch thực phẩm không?
Cũng có năm vào ngày 25 Tết, đội dân phòng quận Long Biên, Hà Nội tóm được một người đàn ông miệng đầy mùi rượu, nom khá kỳ dị, trong trang phục ông Táo, tuy nhiên đội dân phòng nghi đây là kẻ xấu nên mới đưa về trụ sở để thẩm vấn, tại đây tuy trong tình trạng khật khừ nhưng ông Táo nói trên vẫn lý luận: “Tôi chính xác là ông Táo và tôi không say rượu, người đời vẫn thường nói: Tỉnh Táo chứ có ai nói Say Táo bao giờ, đã là ông Táo thì luôn tỉnh không bao giờ say. Phi công lái máy bay người ta còn không được uống rượu bia huống chi tôi lái cá chép – một phương tiện bay cá nhân còn khó lái hơn nhiều. Nếu các anh mà còn không tin tôi là ông Táo, mặc dù đã bị mất giấy tờ tùy thân nhưng tôi sẽ chứng minh ngay bây giờ…” (ông Táo vừa nói vừa thò tay vào trong quần đùi định móc ra mấy trái Táo… tàu nhưng các cán bộ dân phòng ngăn lại). Hóa ra đây là ông Táo thật, số là ông đang chuẩn bị lên thiên đình từ “sân bay” Sông Hồng (đoạn dưới gầm cầu Long Biên), ai ngờ vừa leo lên cá chép thì bất ngờ bị đội SBC (săn bắt chép) phục sẵn ở đây gí điện, khiến cá chép lăn đùng ra, ông Táo cũng bị điện giật bắn mình ngã tòm xuống sông, đúng luôn vào chỗ người ta mới đổ rượu cúng xuống, rơi mất hết cả giấy tờ tùy thân, uống luôn mấy ngụm rượu pha nước suýt chết đuối. Năm đó ông Táo không lên thiên đình báo cáo được.
Theo tin mới nhất của nhóm phóng viên Kinh Tế: Năm vừa qua do kinh tế khó khăn nên nhiều ông Táo bị đói ăn, gầy ốm nên Tết năm nay các nhà sản xuất đồ cúng ông Công, ông Táo đã cho ra đời những bộ áo mũ giầy bé hơn mọi năm và giá còn rẻ hơn, thậm chí cá chép giấy cũng gầy hơn. Sáng kiến này khiến phục trang của các ông Táo trở nên vừa vặn hơn, đồng thời người mua cũng đỡ tốn tiền hơn, vẹn cả đôi đường.
Xin hẹn gặp lại quý độc giả trong các bài nửa tin nửa phiếm tiếp theo!
Cử Tạ
*
* *