Nhân ngày Giỗ tổ: Quê bạn, quê tôi, quê chúng ta

Nhiều lần đọc tờ Giấy khai sinh, đã bao giờ bạn thắc mắc rằng, cuối cùng thì "quê gốc" của mình ở đâu?

Quê bạn ở đâu?” là một câu hỏi vô cùng phổ biến trong đời sống của người Việt Nam ta. Xét về độ phổ biến thì có lẽ nó chỉ đứng sau câu hỏi “tên bạn là gì” và ‘bạn ăn cơm chưa?” mà thôi. Câu hỏi này phổ biến tới mức nó gần như không thể thiếu trong câu chuyện của hầu hết mọi người gặp nhau lần đầu, cùng lắm trong lần gặp thứ hai nếu lần đầu... quên chưa hỏi. Nói vậy để thấy quê hương (quê quán) đối với chúng ta nó quan trọng đến mức nào.

Có hỏi thì phải có trả lời. Nếu là trả lời trong một cuộc chuyện trò thông thường thì quá dễ dàng, có thể bật ngay ra mà không cần suy nghĩ. Sở dĩ như vậy vì trong sâu thẳm mỗi người, ta luôn ý thức được sự thiêng liêng của hai tiếng “quê hương”, đó là nơi xuất xứ gốc gác nhất của ta, được bố mẹ chỉ dẫn từ tấm bé, cứ thế ta trân trọng nâng niu suốt cuộc đời.

Tuy nhiên, về mặt hồ sơ giấy tờ mang tính pháp lý thì “quê quán” lại không đơn giản và dễ trả lời như vậy. Trên thực tế thì khái niệm “quê quán” chưa được định nghĩa một cách chính thức ở bất kỳ văn bản pháp lý nào, nên đôi khi có nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến áp dụng không thống nhất, và rắc rối cũng từ đó mà ra.

Theo cách hiểu thông thường, quê là nơi sinh sống ổn định nhiều đời từ cha ông đến cụ tổ, càng lâu đời thì càng được gọi là quê gốc, rất giá trị. Theo quan điểm này thì khái niệm “quê quán” chỉ mang tính tương đối, không có căn cứ xác định rõ ràng (vì không biết mấy đời và đời nào thì mới được gọi là quê?). Vì vậy, sẽ không thể xác định được đâu là quê nếu như những đời trước không ở ổn định đủ lâu ở một nơi nào đó. Giả sử ta có đời bố sống ở Sài Gòn, đời ông nội sống ở Đà Nẵng, đời cụ thì sống ở Huế, đời kị sống ở Hà Nội, đời cụ tổ thì lại ở Hải Dương... cứ như thế mỗi đời lại sống ở một nơi khác nhau, như vậy thì ta biết chọn đâu là quê?

Trên giấy tờ mang tính pháp lý thì không thể “ươm ướm” một cách tương đối như vậy được, mà cần phải có một khái niệm thật rõ ràng, để xác định được quê quán một cách chính xác, nhất quán. Mặc dù chưa được định nghĩa chính thức, nhưng về cơ bản ngành công an đã hướng dẫn trong đăng ký hộ khẩu hộ tịch, thì quê quán (nguyên quán) được định nghĩa là nơi bố sinh ra. Mỗi người chỉ có duy nhất một nơi mà bố của mình sinh ra, thế nên dựa vào khái niệm này, ta có thể xác định được quê quán một cách cụ thể, nhất quán. (Ấy thế nhưng lại có những chỗ hướng dẫn quê quán là nơi cha “sinh ra và lớn lên”, thêm vào chữ “lớn lên” nữa thì lại thêm rắc rối, không ổn, vì một người có thể lớn lên ở nhiều nơi, không xác định chính xác được).

Có người thận trọng hơn thì cho rằng nếu định nghĩa như vậy thì nên chọn quê quán là nơi sinh của mẹ thay vì của bố, vì mẹ mới là nguồn gốc huyết thống chắc chắn, chứ bố thì chưa chắc (?). Tuy nhiên, vì tập quán và lý do tế nhị, khái niệm quê vẫn được chọn là nơi sinh của bố. Thực tế người đó là bố ruột hay không đều được, miễn là người đó có đứng tên ở mục “bố” trong giấy khai sinh là hợp lệ.

Khái niệm quê quán trên giấy tờ như trên là rất cụ thể, rõ ràng,  nhưng có vẻ hơi máy móc, đôi khi trật lất với “tư tưởng” về quê hương của người dân trong thực tế. Với đa số người Việt, ý niệm quê hương phải gắn với cái gì đó thật gốc gác, như là sự sinh sống ổn định rất lâu của nhiều đời, là “quê cha đất tổ”, chứ không phải nơi sinh hoặc nơi sống tạm thời của cha.

Chẳng hạn, gia đình anh A đã 10 đời sinh sống ở Hà Nội. Theo quan niệm dân gian thì anh A được gọi là người “Hà Nội gốc”. Tuy nhiên, nếu như có một thời gian ông bà nội anh A phải tản cư lên tận Mù Căng Chải, thế là bố anh A được sinh ra ở đó. Vậy là theo “luật”, trên giấy tờ tùy thân, quê quán của anh A “bị ghi”  là Mù Căng Chải chứ không phải Hà Nội.

Có một thực tế khác mà người trong cuộc cảm thấy khó chấp nhận, đó là trường hợp của ông B. Ông B sinh ra và lớn lên ở Campuchia thì lại có quê quán là Việt Nam, trong khi đó con ông B sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, có tổ tiên gốc gác đều là ở Việt Nam thì lại phải ghi quê quán là Campuchia chỉ vì có cha sinh ra ở Campuchia.

Một định nghĩa “quê quán” mạch lạc là rất cần thiết, nhưng nếu chỉ đơn giản và máy móc là “nơi bố sinh ra” như hiện nay đang áp dụng thì có vẻ chưa ổn, có lẽ cần phải định nghĩa lại cho sát với “thâm tâm” của người dân hơn nữa.

Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi” là câu hát nói lên tình cảm sâu sắc đối với quê hương của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như trên, quê hương không chỉ có một, mà còn có quê trên giấy tờ và quê... thực tế. Ngay cả khi nói về “quê thực tế” thì cũng còn có quê và... quê gốc. Thực tế ta vẫn thường nghe một ai đó nói về quê của mình: “tôi quê Nam Định, nhưng quê gốc ở Thanh Hóa cơ”, hoặc “mặc dù em quê Cần Thơ nhưng quê gốc của em lại ở Quảng Ngãi ạ”...

Do đặc trưng của lối sống cát cứ theo văn hóa làng xã từ xa xưa, cộng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nên người Việt ta mới coi trọng và nhớ về nơi tổ tiên, ông cha đã sống và nằm lại ở đó. Có lẽ vì thế mà hai từ “quê hương” thường gắn liền với “quê cha đất tổ” và trở nên rất thiêng liêng  trong mỗi con người.

Thế nhưng, xã hội phát triển, xu thế tất yếu trong tương lai là con người thường xuyên thay đổi nơi cư trú, sẽ không còn được nhiều đời cùng sống trên mảnh đất quê hương như ngày xưa. Khi đó tư tưởng về quê hương có lẽ sẽ thay đổi theo, vì mỗi đời sống một nơi rất khó xác định đâu là quê theo quan niệm cũ?

Uống nước nhớ nguồn”, “chim có tổ, người có tông” là những tư tưởng vô cùng nhân văn và cao đẹp. Quan niệm về quê hương sẽ thay đổi thể nào thì đó là việc của tương lai. Chỉ biết rằng từ cổ chí kim và quan trọng là ngay lúc này đây, trong mỗi chúng ta “quê hương” luôn là hai tiếng thiêng liêng, nó nhắc chúng ta phải luôn nhớ về nguồn cội.

Quê bạn ở đâu? Quê thường hay quê gốc, và gốc bao nhiêu đời, có lẽ bạn cũng không dám chắc? Nhưng hãy chắc rằng tôi và bạn cùng quê đó, Phú Thọ đất tổ Hùng Vương là quê gốc của tất cả người Việt chúng ta, hãy tự hào vì điều đó, bạn nhé!

HienMQ

Nhân ngày Giỗ tổ: Quê bạn, quê tôi, quê chúng ta - 1

TOP CƯỜI 365 NGÀY

Nhân ngày Giỗ tổ: Quê bạn, quê tôi, quê chúng ta - 2

TOP CƯỜI ĐẶC BIỆT

Nhân ngày Giỗ tổ: Quê bạn, quê tôi, quê chúng ta - 3

KHO TRANH VUI

Nhân ngày Giỗ tổ: Quê bạn, quê tôi, quê chúng ta - 4

ẢNH VIỆT NAM

Xin trân trọng giới thiệu TOP 100 TRUYỆN CƯỜI HAY NHẤT trong 10 năm qua, từ 2004 - 2014. Có thể một vài truyện cười trong top sẽ bị chê là "cười kiểu cũ", nhưng những ngày đầu internet bùng nổ, chúng thực sự là những truyện cười "hot" với dân nghiện truyện cười, nhất là với độc giả Hội Quán Cười đã thường xuyên cùng Cười 24H Mất Giấc Ngủ Trưa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN