Lộ "Tâm thư gửi trai đẹp bị trục xuất"

Nhờ có Ngài mà tôi hiểu ra rằng phụ nữ ngày nay không chỉ còn quan tâm đến ví tiền của đàn ông nữa mà họ còn rất quan tâm đến “sắc đẹp”.

Kính gửi Ngài Omar!

Có lẽ khi nhận thư này, Ngài sẽ cười khẩy vì nghĩ rằng lại thêm một bức thư của một quý bà hay quý cô từ Việt Nam gửi đến bày tỏ lòng cảm mến sâu sắc với Ngài. Không phải, thưa Ngài, tôi là một người đàn ông chuẩn men và không phải gửi thư để kết bạn hay bày tỏ sự ngưỡng mộ, mà để chia sẻ một vài suy nghĩ sau sự kiện ầm ỹ của Ngài tại Việt Nam, và quan trọng là để gửi tới Ngài lời cảm ơn trân trọng nhất.

Và có lẽ Ngài cũng rất ngạc nhiên khi tôi sử dụng danh xưng “Ngài” với Ngài, đơn giản thôi, văn hóa ở nước tôi vốn thế, cứ là người Tây và hơi sang trọng một tí là chúng tôi hào phóng phong là “Ngài”, còn những người Việt Nam với nhau, dù có cao cấp đến đâu thì cũng chỉ được gọi “ông” là hết cỡ.

Thưa Ngài! Tôi cũng là một thằng đàn ông trên ria dưới râu như Ngài, nhưng quả thật Ngài đã làm tôi có phần ghen tị và nể phục cách làm thương hiệu của Ngài. Cho dù Ngài cũng khá đẹp trai nhưng thực tế thì không đến mức người ta phải trục xuất Ngài vì quá đẹp trai, tuy nhiên thương hiệu “trai đẹp bị trục xuất” đã thuộc về Ngài một cách ngoạn mục. Nếu lười cạo một chút thì bộ râu của tôi cũng rậm rạp không kém gì Ngài, và nếu không chạy bạc mặt kiếm tiền nuôi vợ con thì ánh mắt tôi cũng mơ màng sâu thẳm chẳng kém Ngài. Nói như vậy, có nghĩa rằng xét về độ đẹp trai thì có lẽ nếu không tự tàn phá sắc đẹp của mình thì tôi cũng không kém Ngài là bao. Thế nhưng Ngài thì được hàng triệu người hâm mộ săn đón và cuồng nhiệt, còn tôi thì chả có ma nào nhòm ngó, thậm chí ngay cả vợ tôi khi ngồi cạnh tôi cũng vẫn thao thao bất tuyệt nói về Ngài một cách say sưa. Tôi đã thua Ngài ngay trên sân nhà.

Ngài Omar ạ, ngay từ khi cộng đồng mạng dậy sóng vì thông tin Ngài bị trục xuất thì tôi cũng đã có chút chạnh lòng. Khi đó đương nhiên là trang Facebook của Ngài có rất nhiều người trên khắp hành tinh nhảy vào theo dõi và bình luận, nhưng điều đáng nói là trong đó chiếm đa số là người Việt Nam với một rừng avatar rực rỡ, như để chứng minh là không đâu trên thế giới hâm mộ trai đẹp như ở Việt Nam chúng tôi. Tôi nghĩ trai đẹp ở Việt Nam cũng không ít, nhưng lúc đó tôi vẫn băn khoăn chưa hiểu là có phải dân tôi vốn thích kiểu “hoạt động phong trào” và chuộng “hàng ngoại” hay là đàn ông Việt Nam đẹp một cách chưa thuyết phục?

Nhưng đấy mới chỉ là cảm giác khởi đầu thôi. Đến khi báo chí loan tin Ngài sẽ đến Việt Nam trình diễn theo lời mời của một công ty nào đó, và có cả chương trình bán đấu giá bữa ăn tối cùng Ngài với giá những 20 triệu nữa thì trong tôi như...sụp đổ. Sụp đổ cái gì thì tôi cũng không rõ, nhưng cảm giác tôi nó thế, vừa hoang mang, vừa lo lắng và lại vừa tiếc nuối, nói chung vừa như trống rỗng lại vừa như muốn nổ tung... rất khó tả.

Ngài Omar có biết không? Các cụ nhà chúng tôi có câu “trai tài gái sắc”, đại ý là phụ nữ thì nên chăm chút về sắc đẹp, còn đàn ông thì nên chăm lo cho tài năng và sự nghiệp. Bởi vậy tôi thấy xưa nay phụ nữ nước tôi chẳng mấy quan tâm đến đàn ông đẹp hay xấu, chỉ quan tâm đến tài nhiều hay ít, kèm theo đó là tiền ít hay nhiều. Tôi cũng vẫn sẽ chủ quan duy ý chí như vậy, nếu như không có sự hiện diện của Ngài. Nhờ có Ngài mà tôi hiểu ra rằng phụ nữ ngày nay không chỉ còn quan tâm đến ví tiền của đàn ông nữa mà họ còn rất quan tâm đến “sắc đẹp”.

Ngài Omar ạ, ở góc độ này tôi xin gửi đến ngài lời cảm ơn sâu sắc nhất. Ngài giúp tôi nhận ra thế giới đang thay đổi mạnh mẽ và nam nữ ngày càng bình đẳng cho dù trong cụm từ “nam nữ” thì chữ “nam” vẫn luôn đứng trước “nữ”. Sự hấp dẫn về cái đẹp thể xác của người đàn ông đối với phụ nữ là nhu cầu có thật mà trước đây vẫn tồn tại nhưng chỉ ở dạng... tiềm ẩn. Nhưng khi đã bình đẳng nó sẽ bùng phát mãnh liệt không kém gì cháy... trung tâm thương mại. Chẳng hạn trước đây, nếu một cô gái thích một chàng đẹp trai nào đó thì cô ta chỉ giữ kín trong lòng, cùng lắm là tối về tưởng tượng để vẽ tranh hoặc gọi tên trong cơn mơ... Nhưng ngày nay thì khác rồi, cô gái sẽ vùng lên và tấn công mãnh liệt, bằng mọi cách vồ lấy, tóm lấy, không còn sợ mang tiếng “cọc tìm trâu” nữa. Nhạy cảm hơn là chuyện mại dâm, trước kia nói về người mua dâm thì thường mặc định là nam, còn ngày nay bình đẳng hơn, nữ giới cũng có người đi mua dâm. Tương tự như vậy, khi nhắc đến tội cưỡng hiếp người ta thường liên tưởng ngay đến nạn nhân là các cô gái, nhưng giờ đây khi đã bình đẳng, các chàng trai cũng phải hết sức cẩn thận vì cũng có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào.

Ngài Omar ơi! Nói về sự bình đẳng trong việc thưởng thức vẻ đẹp khác giới tôi lại hình dung ra sự cần thiết về những cuộc thi hoa hậu giành cho nam. Trước kia chỉ có phụ nữ hì hục đi thi hoa hậu để cho đấng mày râu tha hồ ngồi thưởng thức. Nhưng giờ đây đàn ông không còn độc quyền trong việc ngồi đần người ra ngắm các cô gái trong trang phục áo tắm nữa. Đã đến lúc các chàng trai phải mặc đồ lót khép lép đi đi lại lại để trổ tài trước mặt các quý bà quý cô, và thậm chí nếu cần các anh còn phải sụt xịt khóc hoặc khóc nức nở khi đăng quang để đảm bảo tình cảm...

Ngài Omar thân mến ạ! Khi nói những chuyện thời sự xoay quanh câu chuyện của Ngài tôi hiểu rằng đàn ông chúng rôi cứ mãi phung phí sắc đẹp như thời gian qua là một hành động hoàn toàn ngớ ngẩn. Việc Ngài đi lưu diễn hốt bạc tỷ là một bằng chứng sống động cho sức mạnh của sắc đẹp đàn ông, và Ngài đã chứng minh một cách thuyết phục rằng câu nói “hồng nhan bạc tỷ” không chỉ đúng với phái đẹp mà còn là chân lý đối với cả... phái mạnh. Đẹp thì không cần mạnh, nhưng mạnh vẫn cần phải đẹp, và có đẹp là có tất cả. Tuy nhiên ta không chỉ bo bo nghĩ đến cái lợi, người đàn ông chân chính phải biết chăm sóc sắc đẹp vì đó vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ vừa là để đảm bảo bình đẳng giới.

Vậy nên tôi sẽ hứa với Ngài rằng kể từ giờ phút này, mỗi bước tôi đi, mỗi việc tôi làm, mỗi miếng tôi ăn... tôi sẽ đều lựa chọn phương án có lợi nhất cho sắc đẹp của mình. Tôi sẽ thay những điếu thuốc lá vốn đã làm vàng răng đen phổi bằng những thỏi son dưỡng môi. Khi đi nhậu với bạn bè, dù có bị áp lực và khích bác đến đâu (văn hóa chúng tôi là thế) thì tôi vẫn sẽ dùng sữa đậu nành để thay thế bia rượu, thậm chí khi vào bar tôi sẽ trung thành lựa chọn nước nhân trần hoặc sâm lạnh. Trà ư? Cà phê ư? Tôi sẽ thay thế toàn diện bằng nước cam ép, nếu hết tiền tôi sẽ hạ cấp xuống nước lọc chứ thề không đụng đến một giọt cà phê vốn được chế từ ngô (bắp) rang hóa chất. Tôi sẽ đi tập gym để cơ bụng nếu không được 6 múi thì ít nhất cũng phải được 3 múi. Trong tình trạng không khí bụi bẩn ô nhiễm và nắng nóng như hiện nay, tôi sẽ hạn chế ra đường, và mỗi khi phải ra ngoài tôi sẽ dùng khăn áo trùm kín để bảo vệ làn da của mình. Và nữa, bên cạnh việc vào quán nhổ râu, nhổ tóc sâu tóc bạc thì tôi cũng sẽ không quên việc đi spa, chăm sóc da mặt và tiến tới chăm sóc toàn, thân hút mỡ bụng, cạo vôi răng, cắt móng tay tỉa móng chân, chăm sóc lông chân và tỉa tót lông ngực... Nói chung tôi sẽ làm quyết liệt, dù có vất vả và tốn kém, tốn kém đến cả tháng lương thì tôi cũng cam lòng.

Vâng một lần nữa xin cảm ơn Ngài và chúc ngài luôn trẻ đẹp!

HienMQ

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN