Khi ngư dân giám định cổ vật

Sau khi vớt được một mớ cổ vật từ chiếc tàu đắm gần bờ, các ngư dân Bình Châu, Quảng Ngãi bối rối không biết nên bán chúng với giá nào mà không bị hớ.

Một cuộc nhậu có tên chính thức là “Hội nghị giám định cổ vật” được triệu tập. Ngư dân có thâm niên cao nhất tự đứng ra làm chủ toạ hội nghị:

– Trước hết, chúng ta phải biết niên đại của mớ cổ vật ni. Ở đây đứa mô có bằng đại học?

– Vứt! Một tổ chức uy tín về xếp hạng các viện, trường đại học bên Tây Ban Nha vừa cho biết trình độ nghiên cứu của nước mình ngày càng lẹt đẹt, nên chớ đem bằng cấp ra xài ở đây, không đáng tin!

– Nhưng nếu thế làm sao xác định tuổi của đống chén dĩa này? À, ở đây ai biết chữ nho?

Một ngư dân gãi đầu:

– Ông nội tôi có vốn chữ nho kha khá, nhưng đến đời tôi thì nghe nói thứ gì thuộc về Trung Quốc cũng độc hại, nên tôi không chịu học vì sợ... hư mắt!

– Thế ai rành chữ nôm?

– Cũng rứa, nhưng bảo đảm trong mười cổ vật có chữ nôm thì chín cái là câu “Nghêu ngao vui thú yên hà. Mai là bạn cũ hạc là người quen”.

Hội nghị quyết định bỏ chữ quay qua nghiên cứu hình, nhưng chỉ thấy loanh quanh những bát bảo, bát quả, tứ hữu, tứ thời... Chợt một ngư dân phát hiện có chiếc dĩa mang hình vị quan ngồi câu cá.

– Đây rồi, cái ni xưa nhất!

Cả bàn ngạc nhiên:

– Sao mi biết?

– Thứ nhất, quan là phải chơi golf, quan mà ngồi câu cá thì có nghĩa ông quan này vừa... từ chức, về quê vui thú điền viên!

– Nhưng việc từ chức liên quan gì đến niên đại?

– Thế đố tụi bây: trước vụ một cô giáo dạy văn ở Hà Nội xin thôi việc, có vụ từ chức nào không?

Nghĩ mãi không ra, cả hội nghị mừng rỡ:

– Nhớ không nổi, chứng tỏ đây chính là cổ vật lâu đời nhất! Dô!

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn])
Phiếm đàm Cuộc sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN