Có một thời ta đã sống (3): Cái đói và sự sĩ diện

9h sáng thứ 7 và chủ nhật hằng tuần, mời các bạn đón xem loạt blog vui dài kỳ về cuộc sống sinh viên xưa.

Cười suốt 24H
Hồi bấy giờ chưa có điện thoại di động cũng như thẻ ATM, ngân sách để duy trì sự sống hằng tháng đều được cha mẹ gửi ra theo đường bưu điện. Chốn đô thành đèn mờ ngọn xanh ngọn đỏ, đầy sa hoa cám dỗ, nhìn cái gì cũng thèm và thấy ham muốn nên nhiều thằng chúng tôi nhận trợ cấp của gia đình chưa được 2 tuần thì đã “móm”. Để khắc phục điều này, chúng tôi nghĩ ra một cách: Hễ nhận được tiền nhà là trích ra 90% mua hết phiếu ăn để đảm bảo chắc chắn rằng từ đó đến cuối tháng sẽ không có hôm nào đứt bữa.

Dĩ nhiên cách làm này vẫn không xóa bỏ được triệt để chuyện “viêm màng túi”, nhiều thằng túng quá vẫn đem phiếu ăn mua sẵn đổi ngược ra tiền để tiêu. Cái cảm giác buồn man mác nhớ cha, thương mẹ mỗi khi hết tiền ăn thường xuyên dâng trào trong chúng tôi vô cùng lãng mạn. Nhiều thằng hết tiền viết thư về nhà bao giờ cũng có phần “tái bút”, bố mẹ đọc được thư con sợ nhất là phần “tái bút” của nó, vì toàn thấy xin tiền. Mấy thằng nhà tương đối gần như Đông Anh, Phú Thọ là liên tục nhảy tàu (đương nhiên là trốn vé) về nhà cải thiện. Về một hai lần bố mẹ còn quý, từ lần thứ 3 đã thấy bị “hắt hủi”: “Mày lại về hả con. Nhà còn mỗi khoai thôi nhé!”.

Một lần tôi gửi về cho thằng bạn thân ở quê một lá thư dán kín nhờ mẹ chuyển hộ. Trong thư tôi thực tình kể cho nó nghe về sự đói khát, cái gì cũng thèm của cuộc sống sinh viên để nó chuẩn bị tinh thần. Ai ngờ mẹ tôi đọc trộm thư xong rồi mới chuyển cho nó, và kết quả thật bất ngờ, mặc dù tôi chẳng hề xin nhưng tháng đó bà gửi cho tôi thêm một cơ số tiền để ăn quà. Từ việc vô tình hưởng lợi đó tôi đã tư vấn cho mấy đứa trong phòng: Đừng bao giờ xin tiền trực tiếp bố mẹ, hãy dùng cách gửi thư cho bạn thân giống tôi, tả lại sự bần hàn của mình trong đó, hiệu quả sẽ nhìn thấy rõ. Nhớ dán thư… sơ sài thôi cho phụ huynh dễ đóng vai CIA và tất nhiên chớ có lạm dụng “kỹ xảo” này, nếu không bạn sẽ là một thằng con bất hiếu.

Thằng Thắng “lé” là cái thằng để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất mỗi khi nó hết tiền ăn. Những hôm đầu hết tiền thì nó còn vay tạm những đứa trong phòng nhưng sang đến những ngày sau là cu cậu không vay nữa, phần vì sợ ngại phiền và phần vì sợ không có khả năng trả nợ. Nhà Thắng “lé” nghèo lắm, mỗi lần bố nó xuống thăm toàn thấy đem sắn.

Tôi để ý thấy cứ đến ngày thứ 3 hết tiền là Thắng “lé” thường tắm rửa sạch sẽ, đầu bổ luống như nghệ sỹ, ngồi khoanh chân trên giường tầng 2, ôm đàn ghi-ta lặng lẽ hát, đến giờ cơm thằng nào rủ đi ăn nó đều cảm ơn rất lịch sự rồi bảo “tao ăn rồi,  tao không đói”. Thắng “lé” hát khá hay, lời hát, tiếng đàn của nó nghe rất nao lòng. Thắng “lé” chủ yếu hát nhạc Trịnh, thi thoảng còn thấy nó ê a bài hát chế về quê hương kiểu như: “Quê em miền trung du / Ngày hai bữa sắn dù...”. Mỗi lần như vậy tôi thường dúi vội vào tay nó một tờ phiếu ăn rồi chuồn luôn, tính nó dễ xúc động và sĩ diện, đứng lâu sợ nó lại lăn tăn.

Nói là thằng Thắng “lé” sĩ diện nhưng ngay chính bản thân tôi cũng đã từng như thế, có điều tôi khác nó ở chỗ là ăn xong mới sĩ.

Chuyện là, một lần cuối tuần tôi đến nhà ông chú họ ở Hoàn Kiếm chơi và được mời ở lại ăn cơm, đời sinh viên đói khát ai mời cái gì cũng đâu nỡ chối từ, trừ mỗi phân gà, lá xoan ra thôi chứ nghe nói đến ăn là cái mồm đã ướt nhẹp. Cơm nhà ông chú ngon thật, khác hẳn cơm sinh viên nên tôi làm một mạch mấy bát chẳng kịp đếm, mãi đến lúc bà thím đẫy đà nhìn tôi cười cười rồi nói: “Cái anh này trông gầy gầy mà ăn khỏe ra phết!” thì sự tự trọng trong tôi mới trỗi dậy. Cóc thèm ăn nữa, ngon thì người ta mới ăn nhiều chứ dở thì còn lâu nhé, người Hà Nội gì mà kém thanh lịch, ai lại nói thế bao giờ.

Tôi gác đũa, ngượng nghịu xỉa răng nhưng nhìn bát canh sườn nấu khoai tây, bắp cải vẫn còn thèm cao độ. Từ sau hôm đó tôi nhất quyết không đến nhà ông chú họ chơi nữa. Cái giống nghèo thì thường hay đi với sĩ diện!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cử Tạ ([Tên nguồn])
Có một thời ta đã sống Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN