Chuyện lớn của "đồ nhỏ"
Nguồn gốc của đa phần các chất lạ, vật lạ này khi được truy nguyên đều xuất phát từ Trung Quốc.
Đó là chuyện về những chiếc áo ngực chứa hạt lạ khiến chẳng những giới phụ nữ, mà cả cánh mày râu cũng phải nhấp nhổm không yên suốt tuần qua. Sự việc, đúng như cách miêu tả của một tờ báo, đã thực sự trở thành... lớn chuyện với "đồ nhỏ".
Hàng loạt các đợt "ra quân" rầm rộ truy quét, "thanh kiểm tra" đã được tiến hành tại nhiều tỉnh thành (không thể không gợi liên tưởng đến việc truy tìm người ngoài hành tinh). Và các cơ quan chức năng đồng loạt phát hiện, không chỉ các vùng nông thôn, mà ngay tại các chợ thành thị, thậm chí giữa trung tâm Thủ đô như ở Đồng Xuân, hàng Đào, "bọn lạ" này cũng ngang nhiên được bày bán, và đã bày bán từ... lâu.
Dẫu sao, đây đâu phải là lần đầu, càng không phải lần hiếm hoi chúng ta tìm thấy những thứ lạ có tìm ẩn nguy cơ gây hại chứa trong đồ ăn, uống, đồ tiêu dùng. Hơn nữa, hạt lạ này cũng không trực tiếp đi vào bên trong cơ thể "mỏng giòn yếu đuối" của con người như thực phẩm.
Nhưng xét ra, cơn sốt hạt lạ này có nguồn cơn của nó. Thử hỏi, có ngày nào mở báo ra chúng ta không thấy tin nào đó liên quan đến bầu ngực (thường được gọi là vòng 1) - bộ phận mà những chiếc áo nhỏ xinh kia nâng đỡ. Không thể thiếu trong các tít bài là những mỹ từ gợi cảm hết sức, nào là "chèn ép", nào là "hững hờ khoe", "nửa kín nửa hở", "ngút ngàn" vòng một.
Thêm vào đó, các chị em càng không thể thờ ơ với những gì liên quan đến vòng 1, khi mà con đường thành danh của không ít ngôi sao trong giới showbiz có thể tổng kết gọn lại là "đi lên bằng chính vòng 1 của mình".
Nhưng nói một cách nghiêm túc, thì bầu ngực của người phụ nữ chính là "Báu vật của đời" (dịch tên tác phẩm "Phong nhũ phì đồn" của nhà văn đoạt Nobel 2012, Mạc Ngôn). Những đứa trẻ lớn lên từ dòng sữa trong lành chứa đựng trong bầu ngực đó.
Bởi thế, có thể nói, cái lạ không nằm ở những hạt trong áo ngực hay nguyên nhân gây sốt của sự vụ. Có lạ chăng là cách thức quản lý của các cơ quan chức năng đã khiến rất nhiều vật thể/ chất dễ dàng bước vào danh mục "lạ".
Hầu hết những chiếc áo ngực chứa hạt lạ đều được xác định có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chủ các cửa hàng, tất nhiên, cũng không thể xuất trình được giấy tờ, hóa đơn và sẽ chịu phạt. Nhưng lại cần đặt câu hỏi là tại sao những mặt hàng không nguồn không gốc như vậy lại điềm nhiên xuất hiện ở khắp các chợ, siêu thị, ngay cả ở giữa trung tâm Thủ đô? Ai sẽ bị phạt khi để xảy ra tình trạng này?
Túi dung dịch chứa các hạt lạ được đặt trong áo lót
Hầu hết những vụ phát hiện vật thể/ chất lạ trong thực phẩm, hàng hóa đều theo quy trình người tiêu dùng phát hiện, phản ánh với báo chí, báo chí đưa tin rồi cuối cùng mới đến cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, cảnh báo. Sự vụ điều tra cũng thường kéo dài đủ để người tiêu dùng liên tiếp đi từ hoang mang, sợ hãi đến chán nản, buông xuôi. Không ít thứ cuối cùng vẫn gắn với cái tên "lạ".
Nguồn gốc của đa phần các chất lạ, vật lạ này khi được truy nguyên đều xuất phát từ Trung Quốc. Nhiều người đã đưa ra vấn đề tẩy chay hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, có một thực tế là hàng hóa "Made in China" giờ đây đã phủ kín mọi ngóc ngách toàn cầu. Chúng ta lại là hàng xóm "sát vách" của "công xưởng thế giới" này, nói ngưng dùng sản phẩm "Made in China" cũng chẳng khác nào ngừng tiêu dùng.
Vấn đề cuối cùng có lẽ vẫn quay lại là làm sao không để những thứ lạ độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ được "nghênh ngang" ra vào như chốn không người giữa lãnh thổ Việt Nam?