Trung Quốc đang sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt để làm gì?
Công nghệ nhận diện gương mặt đang được Trung Quốc sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng đi trước châu Âu và Mỹ trong đầu tư và xây dựng các tính năng mới từ công nghệ này.
Công nghệ nhận diện gương mặt hoạt động ra sao?
Không giống với vân tay, dấu gương mặt (faceprint) có thể được quét từ một khoảng cách nhất định. Dấu gương mặt cá nhân của mỗi người là chuỗi số độc nhất vô nhị. Nó được tạo ra bằng cách đo khoảng cách giữa các điểm trên mặt chẳng hạn độ rộng của mũi hay khoảng cách giữa hai mắt. Các điểm khác nhau này gọi là “nodal point” (điểm nút) và khoảng 80% được dùng để tạo ra dấu gương mặt. Một khi hoàn thành, nó được chạy qua cơ sở dữ liệu định danh để kết nối gương mặt với tên của người đó trong cơ sở dữ liệu. Bộ Công an Trung Quốc bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu nhận diện gương mặt lớn nhất thế giới từ năm 2015. Sai số của công nghệ là 0,8%; 8/1.000 mẫu quét có thể bị nhận diện sai.
Sau khi đã tìm hiểu cơ bản về cơ chế hoạt động của nhận diện gương mặt, cùng xem Trung Quốc đã ứng dụng nó cho những mục đích gì.
An ninh và giám sát
Có rất nhiều ứng dụng cho công nghệ nhận diện gương mặt trong lĩnh vực an ninh. Từ việc phát hiện các hành vi vi phạm không đáng kể như đi ẩu cho đến tình nghi giết người và tội phạm khác, công nghệ nhận diện gương mặt giúp phát hiện các nghi phạm theo thời gian thực dựa trên hình ảnh từ camera được đối chiếu với cơ sở dữ liệu định danh. Trẻ em mất tích, người già đãng trí cũng có thể được tìm thấy nhờ công nghệ này.
Cảnh sát tại một số thành phố như Bắc Kinh và Thiên Tân còn dùng kính thực tế tăng cường của công ty Xloong để nhanh chóng đối chiếu gương mặt trong cơ sở dữ liệu quốc gia để phát hiện nghi phạm.
Thanh toán hóa đơn, giao dịch tài chính
Công nghệ thanh toán bằng gương mặt được thí điểm tại KFC Trung Quốc.
Cười để thanh toán thay vì rút tiền khỏi ví? Đó là cách mà KFC đang thử nghiệm tại thành phố Hàng Châu. Chương trình thí điểm này được Ant Financial – công ty của Alibaba – khởi xướng để thu hút người dùng trẻ tuổi. Thay vì trả tiền bằng tiền mặt hay thẻ tín dụng, giao dịch được xử lý sau khi khách hàng mỉm cười vào màn hình tự phục vụ và camera 3D sẽ quét gương mặt khách hàng để xác định danh tính. Bạn chỉ cần đăng ký sử dụng ứng dụng Alipay là được.
Công nghệ nhận diện gương mặt của Alipay cũng được triển khai tại bệnh viện Nhân dân Giang Tây. Sau khi mở hồ sơ, công nghệ có thể nhận diện người cần đăng ký hay trả tiền viện phí. Tất cả giao dịch được thực hiện tại các quầy tự phục vụ mà không cần dùng điện thoại hay thẻ chỉ trong 10 giây hoặc ít hơn.
Tàu điện ngầm Bắc Kinh đang có kế hoạch giới thiệu công nghệ “nhận diện sinh trắc học” bao gồm nhận diện gương mặt và quét lòng bàn tay để tăng cường hiệu quả, loại bỏ nhu cầu dùng vé tàu. Công nghệ tương tự sẽ được đặt tại “Future Pharmacy” (nhà thuốc tương lai) do Alipay hợp tác với nhà thuốc Zhangzhongjing. Tại đây, khách hàng có thể xác định danh tính với công nghệ nhận diện gương mặt trên thiết bị di động sau khi đăng ký với Alipay.
Du lịch và lưu trú
Cổng 1 của sân bay quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải đang sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt cho hệ thống xuất cảnh tự động. Chỉ trong 12 giây, hành khách có thể quét chứng minh thư và dùng máy kiểm tra an ninh trang bị công nghệ nhận diện gương mặt để hoàn tất quá trình kiểm tra an ninh. Nó cho phép cổng này quét xong 2.000 hành khách chỉ trong 1 tiếng. Sân bay mới của Bắc Kinh với công suất xử lý 100 triệu hành khách mỗi năm cũng sẽ dùng công nghệ nhận diện gương mặt để khớp hành khách với hành lý của họ cũng như kiểm tra an ninh.
Thay vì xếp hàng chờ nhận chìa khóa phòng khách sạn, hành khách tại hai khách sạn Mariott - Hangzhou Marriott Hotel Qianjiang và Sanya Marriott Hotel Dadonghai Bay – có thể sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt để check-in. Điều này làm được là nhờ hợp tác với nền tảng dịch vụ du lịch Fliggy của Alibaba. Quy trình check-in thông thường mất ít nhất 3 phút nhưng đôi khi lâu hơn. Công nghệ nhận diện gương mặt sẽ cải thiện năng lực vận hành của khách sạn khi cho phép khách đặt phòng quét chứng minh thư, chụp ảnh và nhập thông tin liên hệ. Sau khi xác nhận danh tính, ki-ốt sẽ “nhả” chìa khóa phòng.
Có khá nhiều ứng dụng của công nghệ nhận diện gương mặt đang được triển khai tại Trung Quốc, chẳng hạn xác thực tài xế trên ứng dụng gọi xe Didi; chia giấy vệ sinh và chống trộm giấy vệ sinh tại công viên Tiantan (Bắc Kinh); hỗ trợ quy trình đăng ký tại trường đại học và thông báo cho giáo viên khi trẻ không tập trung khi học. Công nghệ cũng có thể xác định chiếu quảng cáo nào khi bạn đang đi bộ.
Các AI (trí thông minh nhân tạo) như công nghệ nhận diện khuôn mặt là “con dao hai lưỡi".