Tránh mắc bẫy của hacker trong mùa dịch

Người dùng di động chỉ cài đặt ứng dụng từ các kho ứng dụng chính thống và phần mềm bảo vệ giao dịch ngân hàng

Để bảo đảm cho công tác phòng chống dịch, nhiều hoạt động trong cuộc sống được chuyển sang hình thức trực tuyến. Đây là "thời điểm vàng" cho hacker tấn công mạnh bằng nhiều chiêu trò giả danh các tổ chức y tế, ngân hàng, tổ chức tài chính, cơ quan công an, viện kiểm sát gọi điện, nhắn tin... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Rất nhiều người liên tục nhận những cuộc gọi từ các đầu số tổng đài báo có một biên lai xử phạt vi phạm giao thông, không ít người gọi vào số điện thoại xxx theo hướng dẫn sẽ bị mất tiền cước gọi tới đầu số tính phí, thậm chí mất thông tin cá nhân, tài khoản.

Trong một lần trả lời báo chí gần đây, ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách mảng chống mã độc (Anti Malware) của Tập đoàn BKAV, cảnh báo việc đánh cắp mã OTP hiện là cách tấn công phổ biến nhất của hacker, đặc biệt là nhắm vào giao dịch, thanh toán có liên quan tới tài khoản ngân hàng. Chiêu được bọn tội phạm ưa dùng nhất là lừa người dùng cài đặt phần mềm ứng dụng được chúng nhúng mã độc vào smartphone để lấy trộm tin nhắn OTP từ ngân hàng hay nơi cung cấp dịch vụ gửi tới khi có giao dịch. Ông Sơn khuyên người dùng thiết bị di động chỉ nên cài đặt các phần mềm ứng dụng từ các kho ứng dụng chính thống (như Google Play, App Store...). Đồng thời, cần cài đặt thường trực phần mềm bảo vệ giao dịch ngân hàng trên điện thoại cá nhân.

Bản đồ số cung cấp cho người dân thông tin liên quan đến diễn biến dịch bệnh

Bản đồ số cung cấp cho người dân thông tin liên quan đến diễn biến dịch bệnh

Trước đó, ngày 21-5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết vừa tiếp nhận phản ánh của người dân bị lừa đảo có liên quan tới dịch Covid-19. Cụ thể, người dân nhận được tin nhắn thông báo từ một đầu số lạ với nội dung: Ông/bà đang nằm trong danh sách phải cách ly tập trung, mã số cách ly là: xxx, đề nghị liên hệ lại số điện thoại xxx. HCDC cảnh báo đây là chiêu trò lừa đảo đánh vào tâm lý lo lắng của người dân trong mùa dịch. HCDC cho biết khi tiếp nhận thông tin có trường hợp nghi nhiễm hoặc có tiếp xúc gần với người mắc Covid-19, các địa phương sẽ kích hoạt đội phản ứng nhanh, các bộ phận chức năng tại địa phương sẽ nhanh chóng đến nơi cư trú, nơi làm việc của trường hợp này để xử lý khẩn.

Để tiện lợi, giảm thời gian và bảo đảm an toàn phòng dịch cho cả cơ quan chức năng lẫn người dân, các cơ quan, đơn vị chức năng khuyến khích người dân khai báo y tế điện tử qua ứng dụng chính thức của ngành y tế. Hacker đã lợi dụng yêu cầu này để lừa đảo ăn cắp thông tin cá nhân người dùng.

Hiện Việt Nam có một tổng đài hỗ trợ người dân khai báo y tế chính thức với số đường dây nóng 18001119 (hay còn có cách hiển thị 018001119) do Tập đoàn VNPT thiết lập cho Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 từ cuối tháng 5. Nếu khai báo y tế qua mạng, người dân chỉ nên vào trang web Tờ khai y tế/Vietnam Health Declaration của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19: https://tokhaiyte.vn/; hoặc vào kho ứng dụng tương ứng với hệ điều hành di động của mình và chọn ứng dụng Vietnam Health Declaration của Văn phòng Bộ Y tế Việt Nam hay ứng dụng NCOVI của Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông). Đây là 2 ứng dụng khai báo y tế chính thức đã được Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế phối hợp phát triển. 

Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM vừa ra mắt Bản đồ số hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 để cung cấp các thông tin liên quan đến diễn biến dịch bệnh xung quanh khu vực người dân đang sống. Dữ liệu được cập nhật hằng ngày từ HCDC. Để xem bản đồ số, người dân có thể truy cập vào một trong các địa chỉ: https://hatangdothi.tphcm.gov.vn/covid19/ hoặc từ Cổng 1022 tại địa chỉ: https://1022.tphcm.gov.vn, chọn banner Bản đồ thông tin Covid-19 hoặc truy cập trực tiếp vào địa chỉ: https://bando.tphcm.gov.vn/covid19.

Nguồn: [Link nguồn]

18001119 gọi tới người dân ở TP.HCM: Callbot hoạt động ra sao?

Callbot 18001119 gọi điện cho những thuê bao đã khai báo y tế điện tử hoặc theo danh sách do các tỉnh, thành phố yêu cầu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Phúc ([Tên nguồn])
Internet và những hiểm họa khôn lường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN