Thông tin cá nhân bị đánh cắp: Nhiều hệ lụy

Việc mua bán, thu thập, sử dụng thông tin cá nhân của người khác tràn lan, tùy tiện gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhiều người.

Mới đây, một nữ hành khách ở Hà Nội đã tố tài xế Uber tung số điện thoại của chị lên trang web khiêu dâm. Việc làm trên khiến nữ hành khách bị nhiều cuộc gọi khiếm nhã quấy rầy, chị suy sụp tinh thần phải nhập viện. Hiện vụ việc đã được chuyển đến cơ quan điều tra để làm rõ.

Mua quá dễ

Ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT)- Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: “Tình trạng số điện thoại, thông tin cá nhân của người dùng bị rao bán như “rau” trên nhiều website đang gây bức xúc rất lớn trong xã hội. Chỉ cần bỏ ra từ 200.000 đồng, kẻ xấu đã có thể sở hữu dữ liệu thông tin cá nhân của hàng ngàn người. Cũng vì thông tin cá nhân và số điện thoại người dùng bị lộ nhiều như vậy nên tình trạng tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo dội bom ồ ạt các thuê bao di động mà chưa có giải pháp triệt để để ngăn chặn”.

Thông tin cá nhân bị đánh cắp: Nhiều hệ lụy - 1

Chỉ vài triệu đồng là mua được hàng ngàn thông tin cá nhân của người khác.

Đồng quan điểm, TS Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ATTT Việt Nam, cho rằng công tác bảo đảm ATTT ở Việt Nam còn bị động, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATTT còn thiếu. Khảo sát thực tế cho thấy nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam đang buông lỏng, hầu như không áp dụng các biện pháp tối thiểu để bảo đảm ATTT và chưa có quy trình thao tác chuẩn để ứng phó khi sự cố xảy ra. Vì vậy, việc bảo đảm ATTT chưa có cơ sở để áp dụng các biện pháp quản lý hành chính cũng như kỹ thuật mà nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã thực hiện.

Cần giải pháp triệt để

Trước bức xúc của người dân, Luật ATTT vừa được Chủ tịch nước chính thức công bố và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Thời gian qua, mất ATTT trên mạng diễn ra phổ biến vì chúng ta thiếu hành lang pháp lý quy định cụ thể về ATTT, thiếu chế tài để xử phạt các hành vi vi phạm trên mạng. Nếu luật mới đi vào cuộc sống thì những đối tượng vi phạm về ATTT sẽ bị xử lý, tùy mức độ nặng nhẹ, thậm chí xử lý về mặt hình sự”.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết hiện nay, mặc dù Việt Nam đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên môi trường internet song thực sự các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa mạnh tay. Việc xử lý cần được tiến hành thường xuyên để trừng trị và răn đe các đối tượng vi phạm. Với những gì đang diễn ra, nên nâng mức chế tài đối với hành vi mua bán thông tin cá nhân. Bên cạnh đó cần bổ sung quy định xử phạt nặng đối với hành vi tiết lộ thông tin cá nhân của người khác khi chưa được phép.

TS Vũ Quốc Thành cho rằng các biện pháp quản lý là một yếu tố đặc biệt quan trọng để bảo đảm ATTT trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam cũng cần tạo một cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các ban, ngành, địa phương trong việc bảo đảm ATTT, xử lý sự cố an ninh mạng; đồng thời tăng cường diễn tập, điều phối xử lý ứng cứu sự cố với nhiều quy mô, cấp độ khác nhau.

Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena, hiện chúng ta chưa có cơ chế xử phạt cá nhân, đơn vị để lộ thông tincá nhân khách hàng. Nếu có cơ chế này, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ có trách nhiệm hơn trong việc bảo mật thông tin khách hàng.

“Các cơ quan quản lý cần tuyên truyền về những trường hợp nguy hiểm đã xảy ra đối với các cá nhân, tổ chức trong việc mất ATTT để mọi người lưu ý phòng tránh. Bên cạnh đó, người dùng cũng cần cập nhật thông tin, tự trang bị kiến thức, kỹ năng, luôn cảnh giác khi lên mạng để bảo đảm ATTT cá nhân” - ông Ngô Trần Vũ, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội ATTT phía Nam, cảnh báo.

Các chuyên gia về an toàn mạng cũng cho rằng cơ quan quản lý nhà nước cần thường xuyên rà soát môi trường mạng; phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm; cần lập một đường dây nóng (điện thoại, trang web…) để người bị xâm phạm thông tin cá nhân có thể khiếu nại, tố cáo kịp thời.

Uber chưa kiểm soát được tài xế

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định về mặt tích cực, Uber đã đưa ra dịch vụ mới thuận lợi, giá cả hợp lý, phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng. Dịch vụ này tạo ra lựa chọn mới, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tăng thu nhập. Tuy nhiên, Uber tại Việt Nam cũng có nhiều mặt tồn tại. Thứ nhất, hoạt động kinh doanh của Uber chưa rõ ràng vì về bản chất Uber là kinh doanh dịch vụ phần mềm nhưng lại tham gia hoạt động vận tải. Uber cần có sự minh bạch, nếu liên quan đến dịch vụ vận tải thì Uber phải thành lập công ty chính thức tại Việt Nam. Thứ hai, Uber quả thật có tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các hãng taxi chính hiệu vì với xe Uber, nhà nước chưa thu được thuế. Thứ ba, với Uber, chưa thật tạo ra sự an toàn cho người đi, chưa kiểm soát được tài xế.

“Uber muốn hoạt động hợp pháp thì phải đăng ký hợp pháp, có khung pháp lý cho hoạt động và để nhà nước công nhận cho phù hợp với điều kiện kinh doanh vận tải Việt Nam. Các công ty kinh doanh vận tải như Uber phải công khai và đóng thuế, phối hợp cơ quan quản lý bảo đảm an toàn cho người sử dụng” - ông Trường nói.

Ng.Thế

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo CHÁNH TRUNG ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN