Những mẹo đơn giản giúp con trẻ hạn chế tiếp cận với tin giả
Thông tin độc hại và tin giả không chỉ làm sai lệch kiến thức mà còn có thể gây tổn hại tới thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, sự riêng tư, hay sự phát triển của trẻ em.
Cái khó của phụ huynh khi trao đổi cùng con trong thời đại số
Dù thường xuyên đồng hành cùng con khi sử dụng Internet nhưng anh Hải - Nhà sáng tạo nội dung TikTok cũng có lúc “bối rối” trước các câu hỏi của con gái: “Tôi với con gái không gặp quá nhiều trở ngại khi trò chuyện. Tôi thường xuyên dành thời gian để lắng nghe con, cũng như cố gắng cập nhật thông tin, trào lưu để nắm được tình hình chung. Vậy mà có những lúc tôi vẫn giật mình vì con chia sẻ những điều mình chưa biết".
Khoảng cách thế hệ giữa bố mẹ và con cái không phải là mới nhưng đang trở nên đáng chú ý trong thời đại số.
Đôi khi, việc phụ huynh cố gắng hiểu con mình bằng cách giám sát và theo dõi cũng đủ đẩy hai thế hệ xa nhau thêm một chút.
Bà Trần Vân Anh - Giám đốc chương trình, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững cho rằng: "Những lúc gặp tình trạng như vậy, với tư cách là người lớn, nhận thức rõ đúng sai, chúng ta vẫn nên đưa ra những lời khuyên con cần. Đó vừa là cái khó, nhưng cũng là cái khéo của cha mẹ.
Thay vì cấm cản, phụ huynh nên lắng nghe và khuyên nhủ con nhiều hơn để tránh tình trạng con học theo thông tin sai lệch. Chúng ta chẳng thể biết khi nào những thứ tiêu cực ập đến”.
Tin giả, tin sai lệch ngày nay có thể bắt gặp qua nhiều hình thức thể hiện từ câu chữ, hình ảnh, video, chủ yếu liên quan đến nội dung gây hiểu lầm, giải trí không lành mạnh, tiếp thị ẩn, nói xấu…
Không đơn thuần mang tới những kiến thức, quan niệm lệch lạc cho con trẻ mà thông tin độc hại còn có thể gây tổn hại tới thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm, sự riêng tư hay sự phát triển của trẻ em.
Bà Vân Anh cho biết những nội dung tiêu cực đang “trôi nổi” trên Internet ngày một nhiều hơn như những video bạo lực, thông tin 18+, các trào lưu độc hại dẫn đến tổn thương tâm lý hay hành vi tự hại… “Bởi vậy, việc các phụ huynh lo sợ, cấm cản thanh thiếu niên và trẻ em sử dụng Internet là có thể thông cảm phần nào. Nhưng đó chưa phải là cách tối ưu”.
Cách đồng hành cùng con trên môi trường trực tuyến
Bỏ túi hàng chục video triệu view, xây dựng được tài khoản TikTok 7,8 triệu lượt theo dõi cùng con gái, anh Minh Hải cho biết, tham gia TikTok chính là cách để anh thấu hiểu và đồng hành cùng con trên thế giới số: “Có thử mới biết trên TikTok có đủ thể loại nội dung thú vị, bổ ích cho con gái và chính bản thân tôi.
Thay vì nơm nớp lo sợ, các phụ huynh hãy bắt đầu tập dùng mạng xã hội cùng con, bắt đầu lắng nghe và trò chuyện với con, bắt đầu tham gia một số trào lưu vui nhộn khi rảnh… Dần dà, phụ huynh vừa có thể hỗ trợ con cái an toàn sống số, vừa thắt chặt tình cảm gia đình”.
Bà Vân Anh nhấn mạnh: “Hãy luôn nhớ, cha mẹ làm những việc đó trên tư cách là một người bạn, thậm chí có thể kết bạn trên các nền tảng cùng con. Khi được góp ý, nhắc nhở từ góc độ bạn bè, con cái sẽ dễ mở lòng lắng nghe, tâm sự hơn là phải tiếp thu những yêu cầu hà khắc, cấm đoán…”.
Trẻ em và thanh thiếu niên là đối tượng đang phát triển, dễ tiếp cận Internet nhưng đồng thời cũng dễ bị tổn thương, xâm hại trên môi trường này với vô số rủi ro.
Vậy nên các em rất cần sự hỗ trợ, chủ động giúp đỡ từ ba mẹ, người lớn trong gia đình, giúp các em trang bị thêm kiến thức và kĩ năng để có thể bảo vệ bản thân cũng giữ an toàn cho những người xung quanh.
Nguồn: [Link nguồn]
92,8% video được sáng tạo sáng tạo trên nền nhạc Kpop, do cộng đồng toàn cầu ngoài Hàn Quốc tạo ra.