Người mua hàng trực tuyến bị "ám ảnh" bởi sản phẩm quảng cáo sai sự thật
Có tới 77% người tiêu dùng lo ngại sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo, 36% lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ…
Quảng cáo sai sự thật khiến người tiêu dùng rụt rè khi mua hàng online.
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, những năm qua quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến trong nước có tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm, từ 2,2 tỷ USD năm 2013 đến 6,2 tỷ USD năm 2017.
Từ năm 2013, Bộ Công Thương đã tiếp nhận lượng lớn hồ sơ đăng ký/thông báo website TMĐT qua Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT (www.online.gov.vn): Nếu năm 2013 có 1.923 tài khoản danh nghiệp thì năm 2017 tăng lên con số 26.622.
Từ 305 tài khoản cá nhân năm 2013 lên đến 9.193 năm 2017 (tăng 30,1 lần); Từ 518 hồ sơ thông báo website TMĐT bán hàng lên đến 35.199 hồ sơ năm 2017 (tăng 67,9 lần).
Việc thực hiện thông báo, đăng ký website/ứng dụng TMĐT của thương nhân, tổ chức, cá nhân đối với Bộ Công Thương là bước quan trọng trong việc minh bạch hóa thông tin, hỗ trợ công tác quản lý hoạt động TMĐT cũng như công tác bảo vệ người tiêu dùng trong giải quyết tranh chấp khi các giao dịch có các vấn đề xảy ra.
Hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên mạng phải được cung cấp những thông tin cơ bản để khách hàng có thể xác định chính xác đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu lầm khi quyết định việc thực hiện giao dịch.
Dù vậy, tình hình vi phạm trong TMĐT cũng diễn biến ngày càng phức tạp về cả quy mô và mức độ. Các hành vi lừa đảo phổ biến là các giao dịch hàng hóa, dịch vụ không đúng như mô tả, không đúng chất lượng hoặc hàng giả, hàng nhái.
Theo Sách trắng thương mại điện tử năm 2018 được công bố mới đây, Bộ Công Thương cũng đã chỉ ra loạt trở ngại khi mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng trong nước.
Có 77% người tiêu dùng loa ngại sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo, 36% lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ.
Ngoài ra là hàng loạt trở ngại khác như giá cả không thấp hơn mua trực tiếp, không rõ ràng (35%), dịch vụ chăm sóc khách hàng kém (32%), dịch vụ giao nhận, vận chuyển còn yếu.
Cùng đó là các yếu tố khác gây cản trở như cách đặt hàng trực tuyến rắc rối, thanh toán phức tạp, website/ứng dụng bán hàng thiết kế không chuyên nghiệp…
Tỉ lệ hàng có sẵn trên các trang thương mại điện tử tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực.