Mô phỏng Sao Hỏa trên Trái Đất

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Để nghiên cứu cuộc sống trên hành tinh Đỏ, một nhóm người lạ từ khắp nơi trên thế giới tình nguyện tới sống với nhau ở giữa vùng hẻo lánh tại bang Utah, Mỹ.

Thời tiết sao Hỏa hôm nay rất đẹp, thế nhưng một phi hành gia sắp chết ngạt dưới bầu trời xanh không một gợn mây.

Rắc rối bắt đầu sau khi ba thành viên phi hành đoàn rời khỏi Hab, trạm sinh hoạt chân không của họ, và mạo hiểm đi ra ngoài để thực hiện một số công việc thường ngày. Họ lê bước trong bộ đồ phi hành gia nặng 16kg, hít thở lượng không khí có hạn và ngắm nhìn cảnh quan qua mũ bảo hiểm.

Khi họ quay trở lại trạm, một phi hành gia, Aga Pokrywka, bắt đầu có những biểu hiện kỳ lạ. Động tác của cô ấy rất chậm chạp. Cô ấy bỗng dừng bước.

“Aga, cô không sao chứ?” chỉ huy của phi hành đoàn, anh Sionade Robinson, hỏi. Trạm Hab chỉ cách đó vài chục mét, nhưng cô Pokrywka dường như không thể đi xa hơn. Cô bỗng ngã gục xuống mặt đất sét đỏ.

Ông Robert Turner, nhân viên y tế của phi hành đoàn, gọi cho Hab: “Phi hành gia bị ngất!”.

Trạm nghiên cứu Sa mạc Sao Hỏa ở đông nam Utah

Trạm nghiên cứu Sa mạc Sao Hỏa ở đông nam Utah

Ba thành viên phi hành đoàn bên trong bắt đầu quy trình khẩn cấp. Hai người mặc bộ quần áo phi hành gia, cầm theo một chiếc cáng. Họ phải đợi tới năm phút để áp suất không khí điều chỉnh. Nếu không, họ có thể bị xé toạc khi bước vào bầu khí quyển mỏng manh của sao Hỏa.

Sau đó, nhóm cứu hộ chạy đến chỗ Pokrywka và đưa cô lên cáng. Họ chạy về phía Hab, và bắt đầu đếm ngược một lần nữa. Một thành viên phi hành đoàn bên trong, bà Kay Sandor, đếm ngược thời gian. “Năm… bốn… ba… hai…”

Họ đưa Pokrywka vào bên trong và tháo mũ bảo hiểm của cô ấy. Sau một thời gian, cô bắt đầu hồi sinh.

“Bệnh nhân ổn định”, một người nói. Mọi người đều thở phào.

Sau một hồi, cô Pokrywka hỏi: “Tôi đã giành được giải Oscar chưa?”

Thật khó để tưởng tượng rằng có ai đó lại tình nguyện sống chung với 5 người lạ trong một chiếc hộp thiếc ngoài sa mạc. Tuy nhiên, hàng trăm người từ khắp nơi trên thế giới đã sẵn sàng đến vùng đất hoang vu hẻo lánh ở phía đông nam bang Utah (Mỹ) và giả vờ nó là sao Hỏa.

Các phi hành đoàn tại Trạm Nghiên cứu Sa mạc Sao Hỏa (MDRS) tiến hành nghiên cứu để hiểu những gì con người có thể phải đối mặt khi đến thăm hoặc định cư tại “hành tinh Đỏ”. Và các thành viên phi hành đoàn chính là đối tượng nghiên cứu.

Trong hai hoặc ba tuần, họ sống như người sao Hỏa. Họ thức dậy mỗi sáng trong phòng ngủ bé như một cái quan tài. Họ tụ tập trong một khu vực chung nhỏ để ăn sáng - thường là một bữa ăn được làm từ thực phẩm khô và cây trồng trong nhà kính - và ngắm mặt trời mọc qua ô cửa kính. Cứ ba ngày một lần, mỗi thành viên phi hành đoàn được phép tắm trong 90 giây.

Được vận hành bởi tổ chức phi lợi nhuận The Mars Society (Hiệp hội Sao Hỏa), MDRS là một trạm không gian mô phỏng. Các phi hành đoàn ở đó không có liên lạc với thế giới bên ngoài ngoại trừ khi nhân viên bên ngoài liên lạc 24 tiếng một lần. Không ai được phép ra ngoài mà không mặc bộ đồ phi hành gia.

Có độ tuổi từ 37 đến 74, các thành viên phi hành đoàn có nền tảng nghề nghiệp đa dạng - nghệ sĩ, y tá, kỹ sư và là một giáo sư kinh doanh. The Mars Society đã xem xét các ứng dụng nghiên cứu cá nhân của mỗi người và ghép họ thành một phi hành đoàn. Phi hành đoàn 238 bắt đầu lên kế hoạch cho sứ mệnh của họ hơn hai năm trước, nhưng chỉ gặp mặt trực tiếp lần đầu khi họ đến Utah.

Mọi người đều không đồng tình với quan điểm rằng du hành vũ trụ chỉ là một một thú vui đắt tiền. “Chúng ta chi hàng tỷ USD cho quân đội –chỉ để chiến đấu với nhau. Nếu đặt phép so sánh, khám phá không gian chỉ đáng một giọt nước trong đại dương và là một trong những điều có thể rất quan trọng đối với sự tồn tại của nhân loại”.

Ông P.J Marcellino, một nhà khoa học chính trị và một nhà tài liệu, bác bỏ ý kiến cho rằng du hành vũ trụ và giải quyết các nhu cầu trên Trái đất không liên quan tới nhau. Theo ông, nhiên liệu hiệu suất cao là một ví dụ về công nghệ vũ trụ có thể giúp giảm bớt cuộc khủng hoảng khí hậu trên Trái đất.

The Mars Society bắt nguồn từ sự mất kiên nhẫn. Vào đầu những năm 1990, một kỹ sư hàng không và nhà phát minh người Mỹ, ông Robert Zubrin, đã tin chắc rằng việc khám phá sao Hỏa không chỉ có thể thực hiện được, mà đáng lẽ có thể thực hiện từ nhiều thập kỷ trước.

“Tôi 17 tuổi khi chúng ta hạ cánh trên mặt trăng, và nếu có ai đó nói với tôi rằng tôi sẽ 61 tuổi và chúng ta vẫn chưa hạ cánh xuống sao Hỏa - hoặc thậm chí sẽ không ai đi lên mặt trăng nữa - tôi sẽ tưởng là họ đã mất trí”, ông nói. “Chúng ta đang trên đà mở rộng không gian, nhưng rồi chúng ta lại dừng lại”.

Năm 1998, ông Zubrin thành lập The Mars Society, không có liên kết với NASA. “The Mars Society tin rằng không có gì có thể ngăn cản sứ mệnh của con người”, ông cho biết. “Điều đó đúng 10 năm trước và nó vẫn đúng cho đến ngày hôm nay”.

Dựa trên xu hướng công nghệ hiện tại, bất kỳ hành trình nào đến sao Hỏa có thể sẽ mất từ sáu đến chín tháng. Bao gồm cả hành trình khứ hồi, ngay cả một thời gian ngắn ở trên sao Hỏa cũng sẽ yêu cầu một nhóm người sẵn sàng trải qua quãng thời gian xa nhà đến đáng sợ.

Do đó, các trạm không gian mô phỏng có vai trò rất quan trọng. The Mars Society cũng duy trì một cơ sở khác ở Bắc Cực, mặc dù cơ sở ở Utah được sử dụng nhiều hơn. NASA và các nhóm khác đã thử các dự án tương tự trên núi lửa Hawaii và trong một hang động ở Tây Ban Nha.

Cảnh quan ở Utah được dùng để mô phỏng sao Hỏa

Cảnh quan ở Utah được dùng để mô phỏng sao Hỏa

Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa, thì cũng có sự khác biệt rất lớn giữa một vài tuần sống trong cô lập và hai năm. Một nghiên cứu từ năm 2013 ở Nga – thử cho sáu người đàn ông sống trong điều kiện sao Hỏa mô phỏng trong 520 ngày - cho thấy họ trở nên lờ đờ và mệt mỏi kể cả khi họ ngủ nhiều hơn.

Các phi hành gia lên sao Hỏa sẽ sống chung với nguy cơ hỏa hoạn, tác động của thiên thạch, nhiễm độc phóng xạ và bão mặt trời. Không khí sẽ cần được quản lý một cách chuyên nghiệp để tránh việc các phi hành gia bị ngạt khí carbon, và hàng tháng trời trong trọng lực thấp sẽ làm họ yếu đi nhiều trước khi đến nơi.

Và ngay cả quá trình đào tạo nghiêm ngặt nhất không phải lúc nào cũng có thể tránh được lỗi do con người hoặc lỗi máy móc. Trong trường hợp khẩn cấp mô phỏng của Phi hành đoàn 238, cô Pokrywka, người được chỉ định “ngất đi”, đã được “cứu”, nhưng sau đó ông Turner thừa nhận rằng bộ đồ của ông đã bị trục trặc trong chiến dịch giải cứu.

Robot thám hiểm MDRS

Robot thám hiểm MDRS

“Nếu đây là thật thì tôi đã chết rồi,” ông nói một cách thản nhiên. “Luồng không khí của tôi đã bị cắt đứt”.

Tất cả các thành viên phi đoàn đều nói rằng họ không kỳ vọng gì nhiều về việc được tham gia vào một nhiệm vụ lên Sao Hỏa thật sự, và chỉ đang cố gắng tạo nền móng cho những thế hệ sau này.

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi đều đã biết trước một thực tế rằng chúng tôi sẽ không thể sống để chứng kiến kết quả của những công việc mà chúng tôi đang làm”.

Nguồn: [Link nguồn]

Phát hiện cả một thiên hà hóa thạch bị ”quái vật” chứa Trái Đất nuốt

"Nạn nhân" vừa được phát hiện của thiên hà chứa Trái Đất Milky Way được đặt tên là Pontus, ước tính bị nuốt khoảng 8-10 tỉ năm trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà My (theo flipboard.com) ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN