Mẹ chồng lên mạng giám sát con dâu
Mạng xã hội giờ không còn là mái nhà riêng của giới trẻ mà còn của các bà nội trợ, của mọi thành viên trong nhà.
Khi cả gia đình ai ai cũng có nhà ảo, sẽ phát sinh những tình huống dở khóc dở cười. Nếu không khéo xử lý, nước mắt sẽ rơi từ đây.
Khi bà nội cũng biết lên mạng
Sáng thứ hai vào công ty, mở trang cá nhân, Thu Hiên bất ngờ đến vui sướng vì tin nhắn của mẹ chồng: “Chúc mừng kỷ niệm ngày cưới của hai con”. Kèm theo đó là một chiếc bánh kem ảo đẹp lung linh. “Mẹ chồng tôi ở Canada. Từ ngày biết vào Facebook, cứ dịp sinh nhật, kỷ niệm của con cái bà thường gửi thiệp, tin nhắn chúc mừng. Ngày trước ở quê bà có biết mấy thứ này đâu. Công nhận công nghệ thông tin gắn kết tình cảm con người với nhau thật sâu đậm dù cách xa nửa vòng trái đất. Đọc Facebook tôi, nếu cảm nhận lời nào tôi không vui, mẹ cùng các chị lập tức gọi điện về hỏi thăm, khuyên bảo. Nếu có giận chồng mà được mẹ an ủi vậy mình cũng an tâm”, Thu Hiên chia sẻ với đồng nghiệp rồi viết trên trang cá nhân của mình lời cảm ơn mẹ chồng, kèm theo những biểu tượng gương mặt chứa chan hạnh phúc.
Nhưng đâu phải ai cũng được như Thu Hiên. Ngọc Hoa, cô bạn trên diễn đàn webtretho khóc rấm rức, khoá ngang Facebook vì một lần lỡ giúp mẹ mở tài khoản riêng: “Chồng hay đi công tác, ở nhà chỉ có hai mẹ con. Trên mạng mấy đứa em con dì, cô, cậu ai cũng có trang cá nhân. Thế là tôi háo hức lập trang riêng cho mẹ, đặng bà kết nối, trò chuyện với con cháu cho khuây. Tất nhiên tôi cũng để mẹ kết nối với mình. Ngờ đâu từ ngày mẹ chồng có tài khoản riêng thì mới vỡ lỡ ra nhiều thứ. Bà kết nối, hỏi thăm con cháu thì ít mà chủ yếu là để ý “hành tung” của con dâu. Tôi viết gì, để hình gì trên mạng mẹ cũng vào hỏi, hỏi đến khi nào tôi giải thích rõ ràng mới thôi. Tất cả bạn bè nam trên trang của tôi mẹ cũng hỏi là ai, làm ở đâu, chồng tôi có quen họ không… kiểu “thằng đó vợ con gì chưa mà cứ thích hỏi thăm con vậy”. Nhức đầu, tôi khoá cắt kết nối với mẹ luôn, thế là bà khóc lóc với chồng tôi: “Nó có ý gì rồi nên mới không cho mẹ làm bạn”!
Chớ dại kết vợ làm bạn?
Phi Uyên (30 tuổi) và Mậu Kỳ (35 tuổi) quen nhau trên một diễn đàn phượt, họ kết thúc bằng một đám cưới ngọt ngào. Về một mái nhà, cả hai cùng chuyển nhà ảo từ diễn đàn phượt về Facebook. Và đến giai đoạn Facebook họ mới rõ hơn về nhau. Uyên thích khoe hình khoảnh khắc gia đình, thích chia sẻ cảm xúc trên trang cá nhân. Ngược lại, Kỳ chẳng đưa bất cứ thông tin nào lên mạng ngoại trừ những tấm hình đi phượt với đoàn. Nếu Uyên mở tung tất cả cánh cửa gia đình thì Kỳ là một ẩn số bí hiểm. Giận hờn chồng điều gì Uyên đều đưa lên mạng, một phần cô muốn Kỳ đọc những dòng ấy và hiểu vợ hơn, nhưng Kỳ dường như ngó lơ trước những lời của vợ. Một ngày nọ Uyên vô tình biết được “một vài cô người yêu cũ” trong danh sách bạn bè của Kỳ. Uyên kết bạn, lùng sục họ từng chi tiết... để rồi đêm về cô tra khảo chồng từng tí một, dù cho Kỳ bảo đó chỉ là chuyện quá khứ. Một lần bia rượu cùng đồng nghiệp, Kỳ say rũ rượi, đau khổ thốt lên: “Tốt nhất là đừng kết vợ trên mạng làm bạn ngay từ đầu, để hạnh phúc gia đình được tồn tại dài lâu!”.
Tiến sĩ Võ Văn Nam, giảng viên khoa tâm lý giáo dục đại học Sư phạm TP.HCM, tư vấn: “Có nhiều cách xử lý cơn nóng giận: chạy xe máy thiệt nhanh ngoài đường, thu mình trong phòng nghe nhạc, chia sẻ với bạn, mua sắm, giải trí một mình, hoặc cũng có thể uống rượu thật say, ngồi ở đâu đó khóc cho thoả... Nhưng từ khi có Facebook hoặc các trang mạng xã hội khác thì con người lại có thêm một kiểu vơi đi muộn phiền, là tung hê tất cả uất ức lên mạng. Tất nhiên, hệ luỵ rất nặng nề nếu người thứ ba đọc thấy. Chúng ta chớ nên chủ quan, vì mỗi một cá nhân trên mạng cũng chính là một cá nhân thực ngoài đời.
Ở thực tế cuộc sống, ta có thể giới hạn phạm vi quan hệ của mình. Nhưng trên mạng, ta không muốn quen người đó, nhưng họ vẫn có thể thâm nhập nhà ảo của ta, mối quan hệ được cơ hội nhân rộng ra trăm, ngàn cá nhân khác. Chính vì vậy, nếu đã là bí mật cá nhân thì tốt nhất hãy để trong lòng. Bất cứ chia sẻ cảm xúc nào cũng phải thận trọng và suy nghĩ chúng có ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình mình hay không. Sự tôn trọng chính là liều thuốc tốt nhất giúp cân bằng đời sống trên mạng xã hội và đời sống gia đình thực tế”.
Phó Minh Cường (32 tuổi, Bình Thạnh, TP.HCM): Hiểu nhau để không là nạn nhân thế giới ảo Phụ nữ lên mạng thích khoe hình gia đình, chia sẻ cảm xúc với bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng đàn ông thì khác, thường những khoảnh khắc hạnh phúc họ giấu trong lòng, gói gọn trong gia đình họ. Nếu họ lên mạng xã hội thì vấn đề họ quan tâm chính là công việc, thời sự, tin tức kinh tế. Sự khác nhau này có khi khiến người vợ sinh nghi chồng mình. Facebook hay những trang mạng xã hội khác luôn là con dao hai lưỡi, nếu biết thông cảm, tôn trọng suy nghĩ của nhau hẳn cả hai vợ chồng sẽ không trở thành nạn nhân của thế giới ảo. Lê Ngọc Thanh (30 tuổi, quận 1, TP.HCM): Giữ mình giữa chốn thị phi Mạng xã hội hiện thời là chốn thị phi. Một niềm vui của bạn có thể nhận trăm lời chúc tụng, nhưng một nỗi niềm sẽ nhận đến ngàn lời phân chia. Bạn sẽ bối rối trước ngàn suy nghĩ đó, và không biết lời nào tốt cho bạn. Vì thế, tốt hơn hết chỉ chia vui chứ đừng đưa những điều không hay của gia đình mình lên mạng. Không có ông chồng nào lại thích vợ tung hê chuyện gia đình cho thiên hạ. Ngay chính bản thân bạn cũng sẽ khó chịu nếu chồng mình làm như thế. Bạn cần nhận thấy, đời sống trên mạng và đời sống thực tế khác nhau nhưng cách nhau chỉ một sợi dây mong manh. Nếu không phân biệt rõ ràng, hôn nhân gia đình dễ ly tan. Đã có trường hợp chồng chính thức ly dị vì không chịu nổi cảnh tọc mạch trên mạng của cô vợ. |