Kinh nghiệm giữ an toàn trên mạng

Người dùng phải tỉnh táo trước những đường dẫn lạ, đăng xuất khỏi ngân hàng trực tuyến sau khi giao dịch, ẩn thông tin, kiểm soát kỹ máy tính,… để giữ an toàn trên Internet.

Không nhấn vào đường dẫn lạ

Những đường dẫn chuyển hướng người dùng đến trang web chứa mã độc không còn xa lạ trên Internet, đặc biệt ở các ứng dụng chat, email và mạng xã hội. Thật ra, những đường dẫn này không khó để nhận biết, chỉ cần người dùng có một chút kinh nghiệm và sự tỉnh táo cần thiết.

Kinh nghiệm giữ an toàn trên mạng - 1

Mạng xã hội Facebook là nơi dễ phát tán mã độc.

Trước hết, một đường dẫn chứa mã độc thường có tên miền rất lạ, nhiều trường hợp có ảnh đại diện là hình ảnh sexy phản cảm. Tuy nhiên, một số hacker còn chịu đầu tư hơn cho trò lừa gạt bằng cách tạo đường dẫn có tên miền rất giống một số địa chỉ nổi tiếng hiện nay và viết nội dung email mang tính mời gọi cao. Với trường hợp này, người dùng phải rê chuột vào để xem đường dẫn ẩn trước khi “click”, chẳng hạn email thông báo thay đổi mật mã Facebook, yêu cầu cung cấp tài khoản ngân hàng,…

Đăng xuất khỏi hệ thống ngân hàng trực tuyến sau khi giao dịch

Khi sử dụng ngân hàng trực tuyến, người dùng tuyệt đối không đăng nhập vào tài khoản từ các máy tính không chắc là đủ an toàn, cũng như không đăng nhập thông qua mạng Wi-Fi công cộng, chỉ đăng nhập từ máy tính cá nhân hoặc máy tính, đường truyền Internet chắc chắn tin tưởng được. Trong mọi trường hợp, người dùng phải thực hiện thao tác đăng xuất tài khoản sau khi giao dịch.

Kinh nghiệm giữ an toàn trên mạng - 2

Luôn thoát khỏi ngân hàng trực tuyến sau khi giao dịch xong.

Ẩn bớt thông tin

Một bộ phận lớn người dùng tự do chia sẻ thông tin trên mạng, đây là thông tin rất dễ bị người khác lợi dụng cho mục đích xấu. Chẳng hạn, email sẽ bị đưa vào hệ thống Spam, số chứng minh nhân dân bị dùng đăng ký thuê bao di động vô tội vạ, bị người khác giả danh tính để đi lừa gạt,…

Kinh nghiệm giữ an toàn trên mạng - 3

Ẩn bớt thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Người dùng không nên chia sẻ những thông tin này một cách công khai, chỉ khai báo khi dịch vụ có điều khoản rõ ràng là sẽ giữ kín những thông tin này để bảo vệ quyền lợi thành viên. Nếu cần phải chia sẻ, người dùng hãy sử dụng thủ thuật đơn giản, như là gõ số điện thoại bằng cả số và chữ (ví dụ: 0909 bảy tám 9 không x hai thay cho 09097890x2), biến tấu cách gõ địa chỉ email nhưng người khác vẫn dễ dàng đọc và hiểu được (ví dụ: abc@ gờ mail).

Kiểm soát máy tính khi cho người khác điều khiển từ xa

Khi nhờ bạn bè sửa máy bằng phần mềm điều khiển máy tính từ xa, như TeamViewer, người dùng phải theo sát kỹ thao tác của đối phương, không rời mắt khỏi máy để kịp thời phát hiện nếu đối phương truy cập vào những dữ liệu cá nhân. Thao tác trên nếu xảy ra thì sẽ có thông báo rõ ràng trên màn hình. Còn để an toàn hơn, có thể thiết lập bỏ bớt tính năng này khi dùng TeamViewer.

Cài đặt phần mềm diệt virus mạnh

Đây là lời khuyên không còn xa lạ. Tuy nhiên, nhiều máy tính vẫn còn thiếu một chương trình diệt virus đủ mạnh để kiểm soát những luồng dữ liệu (traffic) nguy hiểm, ngăn chặn sự lây nhiễm của vius, mã độc.

Kinh nghiệm giữ an toàn trên mạng - 4

Phần mềm diệt virus mạnh có khả năng kiểm soát traffic.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN