Google phối hợp với WHO ra mắt “Cảnh báo SOS”

Sự kiện: Google

Theo nhóm truyền thông của Google, với tính năng mới trên, người dùng sẽ nhìn thấy “Cảnh báo SOS” ngay ở phần đầu trang khi tìm kiếm thông tin liên quan virus Corona trên Google.

Nỗ lực từ những tổ chức quốc tế

Để đối phó với tình trạng lây lan của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (2019-nCoV) gây nguy hiểm chết người, ngày 31-1, Google LLC - Công ty Công nghệ đa quốc gia của Mỹ chuyên về các dịch vụ và sản phẩm liên quan mạng Internet - đã công bố một tính năng mới hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với hy vọng sẽ mang tới người dân các nước những thông tin thiết thực và có giá trị, đồng thời kiểm soát sự lan truyền và hướng tới loại bỏ hoàn toàn các thông tin sai lệch, tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận.

Thông báo của Google cho biết: “Hôm nay chúng tôi đã đưa ra SOS Alert w/WHO (tạm dịch: Cảnh báo SOS cùng WHO), để tạo nên bộ tài nguyên dữ liệu về virus corona chủng mới, trong đó người dùng có thể dễ dàng truy cập và tìm hiểu thông tin”.

Theo nhóm truyền thông của Google, với tính năng mới trên, người dùng sẽ nhìn thấy “Cảnh báo SOS” ngay ở phần đầu trang khi tìm kiếm thông tin liên quan virus Corona trên Google. Thú vị hơn nữa, khi nhấp vào cảnh báo đó và cuộn chuột xuống, người dùng sẽ bước vào kho tài nguyên những thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh, cũng như những lời khuyên có ích để phòng nhiễm bệnh như “Hãy rửa sạch tay bằng xà phòng và nước hoặc chà tay với cồn”.

Trước đó, Google thông báo đã tạm đóng cửa văn phòng tại Hong Kong (Trung Quốc) do lo ngại sự lây lan của dịch viêm phổi do 2019-nCoV gây ra. Theo các hãng truyền thông, quyết định này cũng sẽ ảnh hưởng tới các văn phòng của Google ở Trung Quốc đại lục, trong đó có thành phố Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải, cùng với đó là 5 văn phòng ở Đài Loan.

Quang cảnh một con phố ở Vũ Hán sau khi chính quyền thành phố tuyên bố cấm các phương tiện giao thông không thiết yếu trong khu vực để ngăn chặn bùng phát dịch viêm phổi do virus Corona gây ra.

Quang cảnh một con phố ở Vũ Hán sau khi chính quyền thành phố tuyên bố cấm các phương tiện giao thông không thiết yếu trong khu vực để ngăn chặn bùng phát dịch viêm phổi do virus Corona gây ra.

Một người phát ngôn của Google cho biết, công ty này sẽ tạm đóng cửa các văn phòng theo khuyến nghị của nhà chức trách, đồng thời giới hạn các chuyến công tác đến Trung Quốc lục địa và Hong Kong. Cũng giống như Google, Twitter ngày 31-1 đã thông báo sẽ điều chỉnh bộ lọc tìm kiếm của mạng xã hội này để đối phó với các thông tin sai lệch về 2019-nCoV.

Trước đó, cùng ngày, tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp WHO tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do 2019-nCoV gây ra. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lan rộng nhanh chóng tại Trung Quốc.

“Lý do chính của quyết định này không chỉ là do những gì đang diễn ra tại Trung Quốc mà còn do tình hình dịch bệnh tại những quốc gia khác”, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesusn cho biết trong thông báo được đưa ra trong cuộc họp báo tại Geneva. Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng.

Trước dịch viêm phổi lạ do virus Corona, WHO đã 5 lần ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Lần đầu tiên được ban bố tháng 4-2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1), lần thứ hai vào tháng 5-2014 do bệnh bại liệt, lần thứ 3 và thứ 5 vào năm 2014 và 2019 trong dịch virus Ebola ở Tây Phi và lần thứ tư là năm 2016 với dịch bệnh do virus Zika ở châu Mỹ. WHO từng hai lần từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu liên quan đến virus Corona mới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh này, nhiều chuyên gia trên thế giới đã kêu gọi WHO xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu.

Và từ các quốc gia

Ngày 31-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố Bắc Kinh hoàn toàn tin tưởng vào khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến chống bệnh viêm phổi do 2019-nCoV tại nước này.

Trong thông cáo báo chí, bà Hoa Xuân Oánh nêu rõ: “Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Trung Quốc đã và đang triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa toàn diện và chặt chẽ nhất với tinh thần trách nhiệm cao vì sức khỏe của người dân. Đồng thời phía Trung Quốc đã thông báo với các bên liên quan và chia sẻ chuỗi bộ gene của virus này đúng thời điểm với thái độ cởi mở, minh bạch và đầy trách nhiệm”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch bệnh này. Trung Quốc sẽ tiếp tục phối hợp với WHO và các nước khác để bảo vệ sức khỏe của người dân trong nước và trên thế giới”.

Số liệu cập nhật sáng 31-1 cho biết tổng cộng 9.692 người đã nhiễm virus 2019-nCoV tại Trung Quốc và 213 người đã tử vong. Ngoài ra, khoảng 100 trường hợp nhiễm bệnh đã được ghi nhận tại ít nhất 18 nước khác. Chưa có bệnh nhân nào tử vong bên ngoài Trung Quốc.

Trong khi đó, Liên minh Sáng kiến phòng chống dịch bệnh (CEPI) toàn cầu đã đề nghị Cơ quan Khoa học Liên bang Australia (CSIRO) nghiên cứu, xác định thời gian cần thiết để phát triển và nhân bản của virus corona cũng như tác động của nó đến hệ hô hấp và cách truyền bệnh. CSIRO sẽ tiến hành nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm thú y Australia tại Geelong, bang Victoria, một trong 5 phòng thí nghiệm hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Giám đốc điều hành của CSIRO, tiến sỹ Larry Marshal cho biết, cơ quan này có đầy đủ năng lực, thiết bị chuyên môn để nghiên cứu về động vật và con người, di truyền, dữ liệu cũng như có thể tập hợp mọi ngành khoa học và chuyên gia liên quan để giải quyết thách thức lớn về sức khỏe toàn cầu. Sau khi có được đầy đủ thông tin cần thiết về 2019-nCoV, các nhà khoa học CSIRO sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine được một tập đoàn do CEPI thành lập nghiên cứu và phát triển nhằm rút ngắn thời gian bào chế vaccine từ vài năm xuống còn vài tuần.

Trước đó, ngày 29-1, các nhà nghiên cứu tại Viện Nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty ở thành phố Melbourne đã lần đầu tiên tái tạo được 2019-nCoV trong phòng thí nghiệm bên ngoài Trung Quốc. Hiện CSIRO đang hợp tác cả với Viện Peter Doherty và Đại học Queensland, nơi đã bắt đầu các thử nghiệm để chế tạo vaccine phòng chống 2019-nCoV.

Cũng tại châu Á, từ ngày 31-1, Hàn Quốc đã bắt đầu áp dụng phương pháp kiểm tra mới để giúp các cơ quan y tế trong nước đẩy nhanh tốc độ kiểm tra và nâng cao tính tiện nghi để đối phó với sự lây lan của bệnh viêm phổi cấp do 2019-nCoV gây ra. Nếu quá trình này diễn ra thuận lợi, các cơ sở y tế tư nhân sẽ áp dụng phương pháp mới này từ đầu tháng 2 tới.

Ủy ban Chính sách phòng dịch trung ương thuộc Cơ quan Quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) cho biết phương pháp mới mang tên “kiểm tra khuếch đại gene thời gian thực (Real Time RT-PCR)” sẽ được áp dụng tại trung tâm kiểm dịch sân bay quốc tế Incheon và 18 viện nghiên cứu môi trường y tế trên toàn quốc để nhanh chóng chẩn đoán virus Corona chủng mới. Phương pháp “Pan-coronavirus” trước đây kiểm tra nhiễm virus 2019-nCoV bằng hai bước.

Đầu tiên là nhận diện toàn bộ virus Corona, sau đó mới xác định có virus Corona chủng mới hay không. Điểm yếu của phương pháp này là mất thời gian từ một tới hai ngày và cách sử dụng khá bất tiện. Ngược lại, cách kiểm tra khuếch đại gene thời gian thực là hệ thống kiểm tra chuyên biệt cho cornona chủng mới, thời gian phát hiện virus tương đối ngắn, chỉ mất khoảng 6 tiếng.

Các thiết bị hỗ trợ phương pháp này có thể được sản xuất bởi doanh nghiệp trong nước, nên được đánh giá là tiện dùng để đối phó với virus Corona chủng mới. Cơ quan y tế dự kiến sẽ yêu cầu Cơ quan An toàn thực phẩm và dược phẩm (MFDS) cấp phép sử dụng khẩn cấp để các cơ quan y tế tư nhân sớm áp dụng phương pháp này. Cơ quan y tế cũng đã công bố phương pháp kiểm tra mới để các doanh nghiệp trong nước sản xuất thiết bị chẩn đoán.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, nước này sẽ nhanh chóng ban hành các quy định mới nhằm hạn chế phạm vi lây lan của virus Corona trong bối cảnh có nhiều người dân nước này được sơ tán từ Trung Quốc về. Tokyo vừa quyết định coi chủng virus mới này là “dịch bệnh truyền nhiễm đặc biệt”, bắt buộc những ai bị lây nhiễm phải nhập viện và cho phép các cơ quan quản lý di trú có quyền ngăn chặn những người nhiễm hoặc có nguy cơ mang chủng virus này được nhập cảnh vào Nhật Bản.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, các biện pháp này ban đầu dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 7-2 tới, nhưng đã được đẩy sớm lên - từ ngày 1-2. Ông khẳng định: “Với các biện pháp này, chúng ta sẽ từ chối những cá nhân bị lây nhiễm (virus 2019-nCoV) nhập cảnh vào Nhật Bản… Chúng ta cũng sẽ nhanh chóng nghiên cứu các phương pháp nhằm siết chặt kiểm soát di trú đối với các trường hợp nơi có người tình nghi bị lây nhiễm nhưng chưa được khẳng định”.

Từ Mexico, cơ quan y tế nước này đã công bố các biện pháp phòng chống virus 2019-nCoV ngay sau khi WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với chủng virus gây chết người này. Tổng Giám đốc Trung tâm Quốc gia Chương trình Dự phòng và kiểm soát dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Mexico, Ruy López Ridaura, thông báo Mexico đang trong giai đoạn giám sát và để bước vào giai đoạn chuẩn bị, sẽ có sự phối hợp của tất cả các bộ, ngành và lĩnh vực liên quan.

Theo các biện pháp đưa ra, Bộ Y tế Mexico sẽ chỉ định cơ quan đầu mối chỉ đạo, phối hợp và đánh giá tình hình thông qua các bộ phận khác nhau của chính phủ. 

Ngoài ra, một ủy ban dịch bệnh khẩn cấp liên bang cũng được thành lập để đưa ra các biện pháp phản ứng nhanh trong trường hợp phát hiện ca lây nhiễm. Bộ trên còn thiết lập đường dây nóng và đưa ra các hướng dẫn cụ thể đối với việc chăm sóc y tế các trường hợp nhiễm bệnh ở các giai đoạn khác nhau, cũng như tuyên truyền để người dân hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của virus.

Nguồn: [Link nguồn]

”Cuộc chiến” virus Corona: Viettel lắp 22 cầu truyền hình, VNPT miễn phí gọi hotline

Nhà mạng Viettel và VNPT đã có những động thái tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus Corona...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khổng Hà (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Google Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN